5 dự án giao thông đường bộ nào trên địa bàn Đồng Tháp được ưu tiên bố trí 12.666 tỷ đồng?
Bộ Giao thông vận tải khẳng định Chính phủ ưu tiên bố trí khoảng 12.666 tỷ đồng vốn đầu tư công trung hạn để đầu tư 5 dự án trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp trước năm 2025...
Tại Công văn số 487/BDN do Ban Dân nguyện chuyển đến Bộ Giao thông vận tải, cử tri tỉnh Đồng Tháp, cho biết theo quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021, tuyến cao tốc từ Hồng Ngự (Đồng Tháp) đến Trà Vinh gồm 3 đoạn: đoạn Dinh Bà - Cao Lãnh, đoạn Cao Lãnh - An Hữu (Tiền Giang), đoạn An Hữu - Trà Vinh.
Trong đó, đoạn Cao Lãnh - An Hữu dự kiến khởi công năm 2022. Do đó, cử tri tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, cho chủ trương đầu tư tiếp đoạn Dinh Bà - Cao Lãnh, để tỉnh Đồng Tháp chủ động chuẩn bị phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, kêu gọi đầu tư nhằm sớm hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ để đẩy nhanh phát triển khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Cùng với đó, Bộ Giao thông vận tải xem xét, đầu tư tuyến đường N1; xây dựng cầu Tân Châu (nối thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang và huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) trong giai đoạn 2022 - 2025, tạo điều kiện để kết nối giao thông trong khu vực, thúc đẩy giao thương kinh tế các cửa khẩu quốc tế với khu vực Tứ giác Long Xuyên và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng.
Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Tháp tại Văn bản số 7909/BGTVT-KHĐT, Bộ Giao thông vận tải, cho hay thứ nhất, về đầu tư tuyến đường bộ cao tốc đoạn Dinh Bà - Cao Lãnh, tuyến đường bộ cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh (CT.36) dài 188 km, quy mô quy hoạch 4 làn xe, tiến trình đầu tư đoạn Cửa khẩu Dinh Bà - Cao Lãnh và An Hữu - cảng Định An sau năm 2030, đoạn Cao Lãnh - An Hữu trước năm 2030.
Triển khai Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Giao thông vận tải trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1 với chiều dài khoảng 27,43 km, quy mô 4 làn xe, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 5.886 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Theo quy định tại khoản 2 mục III Quyết định số 1454/QĐ-TTg "Đối với các dự án quy hoạch đầu tư sau năm 2030, trường hợp các địa phương có nhu cầu đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và huy động được nguồn lực, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho đầu tư sớm hơn", vì vậy, để sớm triển khai đoạn Cửa khẩu Dinh Bà - Cao Lãnh so với quy hoạch được duyệt, Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND tỉnh Đồng Tháp căn cứ quy định nêu trên để triển khai, đồng thời trả lời cử tri về nội dung này. Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai.
Thứ hai, về đầu tư tuyến đường N1 và xây dựng cầu Tân Châu, nối thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang và huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, theo quy hoạch mạng lưới đường bộ, tuyến N1 đoạn qua tỉnh Đồng Tháp dài khoảng 39 km, quy mô quy hoạch đạt cấp III, IV, 2 - 4 làn xe.
"Hiện trạng tuyến đường có quy mô cấp V, 2 làn xe, việc kết nối giữa 2 tỉnh Đồng Tháp và tỉnh An Giang qua sông Tiền thông qua bến phà Tân Châu - Hồng Ngự, đây là bến phà còn lại duy nhất trên tuyến N1 sau khi tỉnh An Giang xây dựng hoàn thành cầu Châu Đốc, dự kiến khởi công trong tháng 2/2022 và hoàn thành trong năm 2024", Bộ Giao thông vận tải cho hay.
Tuy nhiên, do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Giao thông vận tải được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 rất hạn hẹp, nguồn lực tập trung chủ yếu cho các dự án động lực quan trọng, cấp bách theo các nguyên tắc, tiêu chí của Quốc hội, Chính phủ nên chưa thể cân đối bố trí cho các dự án này.
"Đối với tỉnh Đồng Tháp, Chính phủ ưu tiên bố trí khoảng 12.666 tỷ đồng để đầu tư 5 dự án trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, gồm dự án nâng cấp Quốc lộ 30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự; dự án nâng cấp tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ trên địa phận tỉnh Đồng Tháp và TP. Cần Thơ để tổ chức lại giao thông. Cùng với đó là 3 dự án đường bộ cao tốc gồm đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ, Mỹ An - Cao Lãnh và Cao Lãnh - An Hữu", Bộ Giao thông vận tải khẳng định.
Bộ Giao thông vận tải ghi nhận và sẽ nghiên cứu đầu tư vào thời điểm thích hợp khi cân đối được nguồn vốn.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện tham gia giao thông trên tuyến, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và khu vực đồng sông Cửu Long nói chung, Bộ Giao thông vận tải giao Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận phối hợp với Sở Giao thông vận tải các địa phương nghiên cứu đề xuất, báo cáo Bộ Giao thông vận tải.
Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận chủ động nghiên cứu, hoàn thiện đề xuất chủ trương đầu tư dự án để có thể triển khai khi cân đối được nguồn vốn.
Trước mắt, Bộ Giao thông vận tải giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam rà soát đánh giá, tăng cường duy tu, cải tạo mặt đường để đảm bảo nhu cầu đi lại trên tuyến N1.