11:05 04/10/2010

5 lý do đủ “hạ gục” Windows Phone 7

Vinh Nguyễn

Microsoft đã chi 500 triệu USD cho việc quảng bá Windows Phone 7, nhưng hệ điều hành này chưa chắc đã thành công

Mẫu di động Samsung dùng Windows Phone 7, bị rò rỉ hồi tháng 8.
Mẫu di động Samsung dùng Windows Phone 7, bị rò rỉ hồi tháng 8.
Theo WSJ, vào ngày 11/10 tới, Microsoft sẽ ra mắt 3 mẫu di động thông minh mới chạy hệ điều hành Windows Phone 7. Trong khi đó, từ cuối tháng 8, hàng loạt đối tác sản xuất Windows Phone 7 của Microsoft lần lượt để lộ các mẫu điện thoại chạy hệ điều hành mới, như LG C900, Samsung Cetus hay HTC Schubert.

Trước đó, tại triển lãm Mobile World Congress tại Barcelona (Tây Ban Nha) diễn ra từ 15 - 18/2, Microsoft đã trình diễn Windows Phone 7 qua một thiết bị có kiểu dáng rất giống máy giải trí số cầm tay Microsoft Zune. Giao diện Windows Phone 7 chia làm 6 thành phần chính tương tự Microsoft Zune HD bao gồm People, Pictures, Games, Music + Video, Marketplace và Office.

Giao diện Start tùy biến theo các ứng dụng được dùng thường xuyên, từ phím gọi thoại đến phần tin nhắn hay danh bạ. Những hình ảnh trong danh bạ cũng đồng bộ với hình ảnh từ tài khoản mạng xã hội Facebook, thay đổi khi đối tượng trong danh bạ thay đổi hình đại diện. Không chỉ có giao diện và kiểu dáng giống với Zune HD, phần Music + Video cũng hoạt động tương tự như Zune HD trên nền điện thoại di động.

Microsoft đã chi tới 500 triệu USD cho việc quảng bá hệ điều hành. Tuy nhiên, theo nhận xét của tạp chí PC World, thì có 5 lý do có thể khiến Microsoft thất bại với Windows Phone 7.

1. Chờ đợi quá lâu

Kể từ khi Microsoft phát hành bản Windows Mobile 6.5 tới nay, đến giờ đã hơn một năm Windows Phone 7 vẫn chưa tới tay được người tiêu dùng. Đây là quả là quãng thời gian quá dài để chờ đợi một hệ điều hành mới hay một sản phẩm mới, nhất là khi sự cạnh tranh giữa các hãng phần mềm di động đang ngày càng quyết liệt như hiện nay.

Thêm vào đó, không giống như Apple, Micorsoft chẳng hề tiết lộ với các phương tiện truyền thông chút gì thông tin hay hình ảnh về hệ điều hành mới, nên đến giờ Windows Phone 7 vẫn còn là điều bí ẩn với công chúng.

2.
“Nghi án” 500 triệu USD

Việc chi tới 500 triệu USD cho việc quảng bá sản phẩm không có nghĩa là Windows Phone 7 chắc chắn sẽ thành công.

Microsoft từng gặt hái được vô số thành công, khi chi một khoản tiền tương tự cho việc ra mắt Xbox và Windows XP. Tuy nhiên, hãng cũng phải ngậm đắng nuốt cay với việc chi khoản tiền lớn như vậy cho việc quảng bá Windows Vista để rồi chuốc lấy thất bại.

3. Duy nhất mạng AT&T


Microsoft quyết định trao 3 sản phẩm sắp tới chạy Windows Phone 7 cho nhà mạng AT&T phân phối. Đây sẽ là một điểm bất lợi cho hệ điều hành di động mới này, bởi lẽ người tiêu dùng luôn muốn được chọn lựa. Họ không muốn phải bó buộc với một nhà cung cấp duy nhất.

4. Không có Tethering

Dòng điện thoại Windows Phone 7 của Microsoft có thể không còn hỗ trợ Tethering – tính năng cho phép người dùng kết nối giữa điện thoại và máy tính.

Trả lời phỏng vấn với TWiT podcast gần đây, người phát ngôn Brandon Watson của Microsoft cho biết, Windows Phone 7 vẫn sẽ cần được hỗ trợ Tethering và việc sử dụng tính năng này sẽ rất cần thiết trên các mạng di động.

Nhưng trên thực tế, nhiều nguồn tin nội bộ vẫn một mực khẳng định cho rằng Windows Phone 7 sẽ không còn hỗ trợ Tethering nữa.

Không có Tethering trên Windows Phone 7, điều này có nghĩa việc thiếu đi tính năng kết nối, chia sẻ Internet từ điện thoại qua máy tính và các thiết bị khác của Windows Phone 7 sẽ gây khó khăn trong việc truyền tải các dữ liệu vào máy tính và ngược lại.

Nếu đây là sự thật, thì Windows Phone 7 sẽ có thêm một điểm yếu nữa so với các hệ điều hành Android, iPhone và BlackBerry.

5. Kho ứng dụng nghèo nàn

Chúng ta đều đã biết, Microsoft đang kêu gọi các nhà phát triển xây dựng hàng nghìn ứng dụng cho Windows Phone 7, để cạnh tranh với kho ứng dụng của Apple và Android. Nhưng việc này không dễ thành công, bởi lẽ kho ứng dụng của Apple hay Android có hàng trăm nghìn phần mềm khác nhau.

Tất nhiên, sẽ thật là tuyệt vời nếu Windows Phone 7 có thể thành công. Cạnh tranh tăng lên, giá cả thường sẽ giảm xuống và thêm nhiều sáng tạo mới. Điều đó sẽ có lợi cho người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp.