12:05 21/04/2007

5% thị phần công nghệ thông tin thế giới!

"Nếu Việt Nam nắm giữ 5% thị phần công nghệ thông tin thế giới thì sẽ đóng góp khoảng 20-30 tỉ đô la Mỹ doanh thu cho GDP"

"Phần lớn sinh viên Việt Nam đều ham học hỏi và có chí cầu tiến nhưng họ chưa được đào tạo theo đúng tiêu chuẩn quốc tế".
"Phần lớn sinh viên Việt Nam đều ham học hỏi và có chí cầu tiến nhưng họ chưa được đào tạo theo đúng tiêu chuẩn quốc tế".
Đó là giấc mơ mà Tiến sĩ John Vũ, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học công nghệ của tập đoàn Boeing và là Kỹ sư trưởng Trung tâm Công nghệ thông tin (công nghệ thông tin) của tập đoàn này ấp ủ bao lâu nay.

Và cũng chính vì ước mơ một ngày không xa Việt Nam có vị trí xứng đáng trên bản đồ công nghệ thông tin toàn cầu nên vài năm gần đây, ông đã dành thời gian trở về quê nhà giảng dạy cho sinh viên với mong muốn góp sức cho sự “lột xác” của nền công nghệ thông tin nước nhà.

Xin ông cho biết vì sao Boeing lại quyết định hỗ trợ Việt Nam phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin?

Hai ngành công nghệ thông tin và hàng không luôn gắn liền với nhau và có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Hiện nay nhân lực trong hai lĩnh vực này ở trong nước còn yếu, các tập đoàn quốc tế đang chuẩn bị đầu tư vào Việt Nam cũng nhận định như vậy.

Tập đoàn Boeing bắt đầu phát động các chương trình trợ giúp Việt Nam sau khi nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đề nghị Chính phủ Mỹ hỗ trợ Việt Nam phát triển công nghệ thông tin và hàng không trong chuyến thăm Mỹ cách đây gần hai năm. Hiện giờ, Boeing bắt đầu kế hoạch giúp Việt Nam bằng việc hợp tác với các trường đại học và các doanh nghiệp trong nước để đào tạo kiến thức công nghệ thông tin cho sinh viên.

Khi chúng ta đã có đầy đủ nhân lực có trình độ công nghệ thông tin cao thì có thể áp dụng vào bất cứ lĩnh vực gì, kể cả hàng không-một ngành luôn đòi hỏi kiến thức sâu rộng về công nghệ thông tin.

Ông đánh giá thế nào về những cơ hội cho ngành công nghệ thông tin Việt Nam trên thế giới?

Thế kỷ 21 là thế kỷ của công nghệ thông tin, tất cả các ngành khác đều phải dựa vào ngành khoa học này. Tôi xin lấy so sánh dưới đây để mô tả vai trò thiết yếu của công nghệ thông tin trong nền kinh tế toàn cầu.

Bạn hãy tưởng tượng, cứ một việc làm trong ngành nông nghiệp sẽ mang lại khoảng 1,2 việc làm trong ngành khác, một việc làm trong ngành công nghiệp tạo ra bảy việc làm nhưng một việc làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin sẽ tạo ra tới 21,3 công việc phát triển ở các ngành khác.

Việt Nam đang đứng trước cơ hội hiếm có để gia nhập nhóm các nước cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin toàn cầu. Theo phân tích của chúng tôi, Việt Nam có thể tạo ra hơn 21 triệu việc làm trong xã hội nếu có 1 triệu việc làm trong ngành công nghệ thông tin.

Và nếu Việt Nam nắm giữ 5% thị phần công nghệ thông tin thế giới thì sẽ đóng góp khoảng 20-30 tỉ đô la Mỹ doanh thu cho GDP. Đây là ngành công nghệ sạch, không cần nhiều vốn, mang lại doanh thu lớn nhưng đòi hỏi phải đầu tư cẩn thận cho giáo dục, nhân lực.

Nếu muốn cạnh tranh với các nước châu Á, Việt Nam phải có ưu điểm vượt trội, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ và cải thiện quy trình làm việc thay vì cố tạo ra giá rẻ. Trung Quốc và Ấn Độ có giá gia công phần mềm rất rẻ nhưng chất lượng thấp và hệ quả là các công ty lớn của Mỹ ngày càng thất vọng về những sản phẩm này.

Ông đánh giá thế nào về sinh viên Việt Nam mà ông đã có dịp tiếp xúc? Ông có lạc quan về ngành công nghệ thông tin nước nhà?

Phần lớn sinh viên Việt Nam đều ham học hỏi và có chí cầu tiến nhưng họ chưa được đào tạo theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Mặt khác, định hướng của nhiều sinh viên còn chưa rõ rệt.

Giáo dục là vấn đề cả đời chứ không chỉ dừng lại ở giảng đường đại học nên tôi luôn khuyến khích các bạn trẻ không ngừng học hành, nâng cao kiến thức để trở thành những chuyên gia công nghệ thông tin giỏi.

Tôi rất lạc quan rằng trong vòng vài ba năm tới Việt Nam sẽ có những bước tiến khả quan về công nghệ thông tin. Chính phủ Việt Nam cũng đã xác định vai trò của công nghệ thông tin và đề ra những chính sách thúc đẩy sự phát triển của ngành này.

* Ngành gia công dịch vụ công nghệ thông tin đạt giá trị 100 tỉ đô la Mỹ năm 2004 và sẽ đạt 200 tỉ đô la Mỹ năm 2010. Ước tính, toàn thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 1 triệu lao động cho ngành công nghệ thông tin vào năm 2010 và 3 triệu lao động vào năm 2020. Nguồn cung nhân lực không đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng ở ngành này. Hầu hết các công ty lớn của thế giới đều phải thuê người làm hay đưa lao động đến nước họ làm việc. Mỹ sẽ cần bổ sung khoảng 400.000 lao động công nghệ thông tin vào năm 2010 và lên tới 600.000 vào năm 2020.