52% tổ chức phát hành trái phiếu có hồ sơ tín nhiệm ở mức "Dưới trung bình" trở xuống
Thị trường trái phiếu tăng trưởng ấn tượng với tổng giá trị phát hành tăng 40% so với năm trước. Tuy nhiên, thị trường vẫn tiếp tục đối mặt nhiều thách thức, đặc biệt là tình trạng chậm trả gốc lãi cũng như tỷ lệ tổ chức phát hành có hồ sơ tín nhiệm ở mức trung bình...
Theo báo cáo "Tổng quan thị trường trái phiếu doanh nghiệp" của VIS Rating vừa công bố, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2024 ghi nhận 485 nghìn tỷ đồng trái phiếu mới phát hành, tăng 40% so với năm trước.
XU HƯỚNG CHẬM TRẢ GỐC/LÃI ỔN ĐỊNH
Theo đó, trong tháng 12/2024, có hai trái phiếu chậm trả lần đầu với tổng giá trị gốc 830 tỷ đồng. Đây là các trái phiếu thuộc Tập đoàn Novaland. Theo thông tin mới nhất, lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết đang đàm phán với các trái chủ và cam kết thanh toán khoản nợ chậm trước ngày 8/1. Trước đó, Hội đồng quản trị Novaland đã lên kế hoạch mua lại 21 trái phiếu với tổng giá trị tối đa 7.000 tỷ đồng, bao gồm hai trái phiếu trên.
Số liệu từ VIS Rating cho thấy 11 tổ chức phát hành chậm trả gốc/lãi lần đầu trong năm 2024, giảm đáng kể so với 79 tổ chức phát hành chậm trả gốc/lãi trong năm 2023.
Ngoài ra, tỷ lệ chậm trả luỹ kế vào cuối tháng 12/2024 giữ ở mức 14,5%. Trong đó, nhóm Năng lượng có tỷ lệ chậm trả cao nhất ở mức 43%, trong khi nhóm Bất động sản nhà ở chiếm 62% tổng lượng trái phiếu chậm trả.
VIS Rating kỳ vọng lượng trái phiếu chậm trả phát sinh mới thực tế cao hơn số liệu hiện tại. Theo đó, ước tính đến ngày 6/1/2025, có 15 trái phiếu rủi ro cao không trả được nợ gốc đúng hạn vào tháng 12/2024.
Đối với trái phiếu doanh nghiệp sắp đáo hạn có rủi ro cao, báo cáo của VIS Rating cho thấy 22% trái phiếu đáo hạn trong tháng 1/2025 có nguy cơ chậm trả nợ gốc.
Cụ thể, có 5 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong tháng 1/2025. VIS Rating đánh giá có 2 trong 9 trái phiếu có nguy cơ chậm trả nợ gốc, cả hai đều thuộc nhóm ngành Bất động sản nhà ở.
Trong năm 2025, khoảng 110 nghìn tỷ trái phiếu phát hành bởi các tổ chức phát hành thuộc nhóm Bất động sản nhà ở sẽ đáo hạn. Trong đó, 31 nghìn tỷ đồng đã chậm trả gốc lãi trước đó. Những trái phiếu này đã chậm trả lãi hoặc chậm trả nợ gốc trước khi gia hạn đến năm 2025.
Trong 224 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn năm 2025, trong đó ước tính 17% có rủi ro chậm trả nợ gốc. Đặc biệt, 94% giá trị trái phiếu rủi ro này đến từ nhóm Bất động sản Nhà ở và Du lịch, nghỉ dưỡng.
TÌNH HÌNH XỬ LÝ TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP CHẬM TRẢ
Báo cáo của VIS Rating cho thấy trong tháng 12/2024, các tổ chức phát hành đã trả cho trái chủ tổng cộng 2,8 nghìn tỷ đồng dư nợ gốc trái phiếu chậm trả.
Trong tháng 12/2024, có 10 tổ chức phát hành chậm trả thuộc các lĩnh vực Bất động sản Nhà ở, Năng lượng, Xây dựng, Du lịch nghỉ dưỡng và Sản phẩm Nông nghiệp đã hoàn trả tổng cộng 2.768 tỷ đồng tiền gốc cho các trái chủ. Trong đó, CTCP Kinh doanh Bất động sản Thái Bình và Công ty TNHH Vịnh Ngôi Sao đã hoàn trả toàn bộ số tiền gốc còn lại của trái phiếu.
Ngoài ra, Novaland công bố đã hoàn trả toàn bộ gốc của 5 trái phiếu cho các trái chủ với tổng giá trị gốc trái phiếu là 1.550 tỷ đồng. Những trái phiếu này đã chậm trả lãi coupon vào tháng 7 và tháng 8 năm 2023.
Được biết, trong năm 2024, doanh nghiệp này đã hoàn trả khoảng 2 nghìn tỷ đồng nợ gốc trái phiếu, chỉ đạt gần 10% tổng giá trị gốc của các trái phiếu chậm trả gốc lãi, cho thấy doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn trong quá trình xử lý trái phiếu doanh nghiệp chậm trả.
Bên cạnh đó, CTCP Hưng Thịnh Land đã hoàn trả 28,4 tỷ đồng gốc trái phiếu bằng phương thức hoán đổi tài sản khác. Trong năm 2024, giá trị gốc trái phiếu chậm trả gốc lãi được hoàn trả thấp hơn 5% tổng lượng trái phiếu chậm trả của tổ chức phát hành này.
Theo báo cáo của VIS Rating, 85% nợ gốc trái phiếu đã chậm trả được hoàn trả trong tháng 12/2024 đến từ các tổ chức phát hành thuộc nhóm Bất động sản nhà ở với tổng giá trị gốc là 2,3 nghìn tỷ đồng.
Nhờ đó, tỷ lệ thu hồi trái phiếu chậm trả của nhóm ngành Bất động sản nhà ở tăng 1,4% lên mức 22,7% vào cuối tháng 12 năm 2024; tỷ lệ thu hồi trái phiếu chậm trả của toàn thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã tăng 1% so với mức 22.9% vào cuối tháng 11/2024.
52% TỔ CHỨC PHÁT HÀNH CÓ HỒ SƠ TÍN NHIỆM Ở DƯỚI MỨC TRUNG BÌNH
Theo báo cáo của VIS Rating, trong năm 2024, 52% tổ chức phát hành có hồ sơ tín nhiệm ở mức "Dưới trung bình" hoặc thấp hơn thuộc nhóm Bất động sản nhà ở hoặc Xây dựng. Trong số này, hơn một nửa là các công ty mới thành lập không có hoạt động kinh doanh cốt lõi với dòng tiền hoạt động hạn chế.
Tính riêng trong tháng 12/2024, giá trị phát hành trái phiếu mới đạt 70,4 nghìn tỷ đồng tăng so với mức 35,8 nghìn tỷ đồng trong tháng 11/2024. Tổng lượng phát hành mới trong 2024 đạt 485 nghìn tỷ đồng tăng 40% so với mức 344 nghìn tỷ đồng trong 2023. Trong các trái phiếu được phát hành năm 2024, chiếm tỷ trọng chủ yếu thuộc về nhóm ngân hàng (70%) và nhóm Bất động sản nhà ở (17%).
Trong số các trái phiếu do các ngân hàng phát hành vào tháng 12/2024, 25% là trái phiếu thứ cấp đủ điều kiện tính vào vốn cấp 2, được phát hành bởi Ngân hàng TMCP Tiên Phong, Ngân hàng TMCP Kiên Long, Ngân hàng TMCP Quân Đội, Ngân hàng TMCP Công Thương, và Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam. Các trái phiếu vốn cấp 2 này có kỳ hạn từ 7 đến 10 năm và lãi suất từ 5,8% đến 7,5% trong năm đầu tiên. Các trái phiếu khác là trái phiếu không có tài sản đảm bảo với kỳ hạn 2-5 năm và lãi suất từ 5,2% đến 6,2%.
Bên cạnh đó, trong tháng 12/2024, một tổ chức phát hành thuộc nhóm Ngân hàng phát hành ra công chúng với tổng giá trị là 800 tỷ đồng. Trong năm 2024, số lượng trái phiếu phát hành ra công chúng tăng 30% so với 2023, đạt 46 nghìn tỷ đồng. 8,9% tổng lượng trái phiếu phát hành mới đến từ các đợt phát hành ra công chúng.
Đánh giá về hồ sơ tín nhiệm của các tổ chức phát hành, VIS Rating ước tính có 19% tổ chức phát hành trong tháng 12/2024 có hồ sơ tín nhiệm ở mức Dưới trung bình hoặc thấp hơn.
Trong tháng 12/2024, tỷ lệ tổ chức phát hành thuộc nhóm tài chính có các tiêu chí tín nhiệm ở mức “Yếu” thấp hơn trung bình 11 tháng đầu năm, trong khi tỷ lệ này ở nhóm doanh nghiệp phi tài chính thì tăng lên.
Ngoài ra, 71% các công ty phi tài chính phát hành trái phiếu có hệ số bao phủ nợ yếu trong tháng 12/2024. Trong số đó có 6 công ty có dòng tiền hoạt động được đánh giá là Yếu đến Cực kỳ Yếu để đáp ứng các nghĩa vụ nợ; 2 tổ chức phát hành cũng có hệ số đòn bẩy cực kỳ yếu dẫn tới hồ sơ tín nhiệm cũng ở mức Yếu.
Trong năm 2024, 52% tổ chức phát hành có hồ sơ tín nhiệm ở mức "Dưới trung bình" hoặc thấp hơn thuộc nhóm Bất động sản nhà ở hoặc Xây dựng. Trong số này, hơn một nửa là các công ty mới thành lập không có hoạt động kinh doanh cốt lõi với dòng tiền hoạt động hạn chế.
Đối với thị trường thứ cấp, báo cáo của VIS Rating chỉ ra giá trị trái phiếu doanh nghiệp giao dịch trên thị trường thứ cấp trong tháng 12 tăng 11% so với tháng trước.
Cụ thể, giá trị trái phiếu doanh nghiệp giao dịch đạt 5,8 nghìn tỷ đồng/ngày trong tháng 12/2024, thấp hơn so với mức 5,2 nghìn tỷ đồng trong tháng 11/2024. Trong đó, trái phiếu do nhóm Ngân hàng và Bất động sản phát hành chiếm khoảng 74% khối lượng giao dịch trong tháng 12.
Theo VIS Rating, có 38% khối lượng giao dịch có kỳ hạn còn lại là 4 năm, chủ yếu là từ trái phiếu thuộc các tổ chức phát hành nhóm Bất động sản Nhà ở. 92% khối lượng giao dịch có kỳ hạn còn lại từ 6 năm trở lên từ thuộc các tổ chức phát hành nhóm Ngân hàng.
Trong tháng 12/2024, lợi suất trung bình của trái phiếu ngân hàng có chất lượng tín nhiệm “Trên trung bình” duy trì ổn định so với tháng trước trên hầu hết các kỳ hạn.