14:17 30/12/2024

Bộ Tài chính muốn ngăn doanh nghiệp “vốn mỏng” phát hành trái phiếu ra công chúng

Tùng Thư

Điều kiện hệ số nợ khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng là một trong những nội dung được tranh luận sôi nổi khi sửa đổi, bổ sung Nghị định số 155/2020/NĐ-CP…

Phát hành trái phiếu ra công chúng hiện chiếm tỷ trọng rất nhỏ trên tổng số vốn huy động qua kênh trái phiếu doanh nghiệp.
Phát hành trái phiếu ra công chúng hiện chiếm tỷ trọng rất nhỏ trên tổng số vốn huy động qua kênh trái phiếu doanh nghiệp.

Bộ Tài chính vừa hoàn tất Dự thảo lần 3 Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết  thi hành một số điều của Luật Chứng khoán (Dự thảo).

Theo đó, Điều 1.8 Dự thảo (sửa đổi Điều 19 Nghị định 155/2020/NĐ-CP) quy định về điều kiện hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu ra công chúng thu hút nhiều ý kiến tranh luận.

NGĂN TÌNH TRẠNG “TAY KHÔNG BẮT GIẶC”

Cụ thể, Dự thảo lần 3 quy định hệ số nợ phải trả (bao gồm cả giá trị trái phiếu dự kiến phát hành, ngoại trừ trái phiếu phát hành để cơ cấu lại khoản nợ) trên vốn chủ sở hữu của tổ chức phát hành không quá 4 lần, ngoại trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác.

Bộ Tài chính khẳng định điều kiện này nhằm đảm bảo tỷ lệ an toàn tài chính của các tổ chức phát hành, đảm bảo thanh toán gốc và lãi cho nhà đầu tư, hạn chế rủi ro cho công chúng đầu tư và tình trạng “vốn mỏng” của doanh nghiệp; đồng thời cũng thống nhất với pháp luật liên quan.

Hệ số 4 lần là phù hợp, vừa đảm bảo an toàn tài chính. Đồng thời hạn chế ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có nhu cầu huy động vốn cho phát triển nền kinh tế.

 

Dự thảo lần 3 quy định hệ số nợ phải trả (bao gồm cả giá trị trái phiếu dự kiến phát hành, ngoại trừ trái phiếu phát hành để cơ cấu lại khoản nợ) trên vốn chủ sở hữu của tổ chức phát hành không quá 4 lần, ngoại trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác.

Bộ Tài chính cho rằng điều kiện về hệ số nợ phải trả ở mức 4 lần là bởi, thứ nhất, một số pháp luật chuyên ngành đã đưa ra hạn chế về khả năng an toàn tài chính trong huy động vốn của doanh nghiệp.

Khoản 4 Điều 20 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP quy định tổng mức vốn huy động để phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước (bao gồm cả các khoản bảo lãnh vay vốn của các công ty con do doanh nghiệp nhà nước là công ty mẹ theo quy định tại Khoản 1 Điều 189 Luật Doanh nghiệp phải bảo đảm hệ số nợ phải trả không quá ba lần vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp nhà nước tại thời điểm gần nhất với thời điểm huy động vốn...”. 

Điểm c Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 96/2024/NĐ-CP quy định doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải đảm bảo tổng tỷ lệ dư nợ vay tại tổ chức tín dụng, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp để thực hiện dự án không quá 4 lần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đối với mỗi dự án bất động sản có quy mô sử dụng đất dưới 20ha và không quá 5,67 lần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đối với mỗi dự án bất động sản có quy mô sử dụng đất từ 20ha trở lên.

Thứ hai, thống kê tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp trên sàn HOSE, HNX, UPCoM, các doanh nghiệp lớn trong rổ VN30 (không bao gồm ngân hàng), tỷ lệ trung bình năm 2022 và năm 2023 của các doanh nghiệp tương đối đồng đều trong các khu vực thị trường. Trong năm 2023, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp trên HNX dưới 1,3 lần, HOSE ở mức 1,6 lần, UPCoM ở mức 1,4 lần; đối với nhóm VN30 ở mức 2 lần.

 

Trước đó, Dự thảo sửa đổi Nghị định 155 lần 1 quy định doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng phải đáp ứng điều kiện hệ số nợ phải trả không quá 3 lần vốn chủ sở hữu, ngoại trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác. Như vậy, so với phiên bản 1, Bộ Tài chính đã nới lỏng điều kiện về hệ số nợ khi phát hành trái phiếu ra công chúng ở Dự thảo lần 3. 

Thống kê cho thấy, số lượng doanh nghiệp có hệ số nợ/vốn chủ sở hữu trên 4 lần (căn cứ báo cáo tài chính năm 2023 được kiểm toán) chiếm 5,8% số doanh nghiệp trên HNX. Tỷ lệ số doanh nghiệp này ở HOSE và UPCoM lần lượt là 4,7% và 1,5%.

Đối với một số doanh nghiệp lớn có ảnh hưởng đến nền kinh tế, căn cứ trên báo cáo tài chính năm 2023 hợp nhất được kiểm toán, hệ số nợ tại một số doanh nghiệp như Vingroup (VIC) là 3,5; Novaland (NVL) 4,33, Masan (MSN) 2,85.

Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu tại một số doanh nghiệp cơ sở hạ tầng như Hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) 3,21, Coteccons (CTD) 1,58, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (CII) 2,9….

PHÙ HỢP THÔNG LỆ QUỐC TẾ

Cũng theo bộ này, ngoài ra còn một yếu tố nữa để quy định như trên là thông lệ quốc tế.  Theo đó, nhiều thị trường chứng khoán phát triển không quy định giới hạn tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu và các điều kiện về tình hình tài chính khi doanh nghiệp phát hành ra công chúng, do nền kinh tế đã phát triển, mức độ minh bạch thông tin cao và nhà đầu tư tham gia thị trường đa phần là nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp có năng lực chuyên môn trong đánh giá tình hình doanh nghiệp để đầu tư chứng khoán.

Bộ Tài chính dẫn chiếu kinh nghiệm một số nước có quy định về giới hạn tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu như Đài Loan, Trung Quốc.

Điều 16 Luật Chứng khoán 2005 của Trung Quốc quy định: Tổng số dư trái phiếu doanh nghiệp không vượt quá 40% vốn chủ sở hữu. Lợi nhuận có thể phân phối trung bình của công ty trong từng năm trong 3 năm liền trước thời điểm phát hành phải đủ để trả tiền lãi 1 năm cho số trái phiếu công ty đang lưu hành. Mục đích sử dụng vốn phải phù hợp với các chính sách ngành của Nhà nước...

Đến Luật Chứng khoán 2019, Trung Quốc quy định như sau: Lợi nhuận có thể phân phối trung bình của công ty trong từng năm trong 3 năm liền trước thời điểm phát hành phải đủ để trả tiền lãi 1 năm cho số trái phiếu công ty đang lưu hành của công ty. Không có tình trạng vỡ nợ hoặc chậm trả tiền gốc và lãi đối với trái phiếu doanh nghiệp chào bán công ra công chúng hoặc các khoản nợ khác.

Nguồn vốn huy động được thông qua chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng sẽ được sử dụng theo mục đích nêu trong bản cáo bạch và chỉ được chấp thuận thay đổi bằng nghị quyết được thông qua tại cuộc họp của những người sở hữu trái phiếu. Nguồn vốn huy động được từ chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng sẽ không được sử dụng để trang trải các khoản thâm hụt hoặc chi tiêu không hiệu quả... (Điều 15 Luật Chứng khoán 2019 của Trung Quốc).

Đài Loan quy định tại Điều 247 Luật Công ty như sau: Tổng số tiền phát hành trái phiếu doanh nghiệp có bảo đảm, trái phiếu doanh nghiệp chuyển đổi hoặc trái phiếu doanh nghiệp có chứng quyền không được vượt quá 200% vốn chủ sở hữu, với các trái phiếu doanh nghiệp không có bảo đảm không vượt quá 50% vốn chủ sở hữu.

Cơ quan soạn thảo khẳng định: “Như vậy, Bộ Tài chính đề xuất hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu ở mức 4 lần là phù hợp với thực tiễn, thông lệ và quy định hiện hành về doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Mức tỷ lệ này cũng đảm bảo còn dư địa cho các doanh nghiệp tiếp tục huy động vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn mà hoạt động của nó ảnh hưởng đến hạ tầng, nền kinh tế và các doanh nghiệp đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng có thể huy động thêm vốn, góp phần tăng trưởng kinh tế”.

Bên cạnh đó, Dự thảo cũng ngoại trừ điều kiện về xếp hạng tín nhiệm, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu đối với tổ chức phát hành là tổ chức tín dụng và trái phiếu phát hành được bảo lãnh thanh toán toàn bộ gốc và lãi trái phiếu của tổ chức tín dụng hoặc trái phiếu được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tài chính ở nước ngoài, tổ chức tài chính quốc tế bảo lãnh thanh toán.

Bởi lẽ, các tổ chức tín dụng là các tổ chức đặc thù, có nghiệp vụ huy động vốn để cho vay và phải đảm bảo an toàn tài chính theo quy định pháp luật chuyên ngành, các tổ chức tín dụng luôn có dòng tiền sẵn sàng để thanh toán gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn.

Đối với các doanh nghiệp đã được các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính quốc tế bảo lãnh đã phải đáp ứng các tiêu chuẩn về xếp hạng tín dụng của chính các tổ chức này và được các tổ chức bảo lãnh thanh toán gốc, lãi trong trường hợp tổ chức phát hành gặp rủi ro.