11:12 09/11/2007

6 lý do để lo lắng về lạm phát hiện nay

Mặc dù nền kinh tế phải chấp nhận một sự đánh đổi nhất định giữa lạm phát và tăng trưởng, chỉ số giá tiêu dùng hiện nay là rất đáng lo ngại

Mức giá tăng nhanh là một thứ “thuế lạm phát” làm giảm mức sống của đại bộ phận người tiêu dùng.
Mức giá tăng nhanh là một thứ “thuế lạm phát” làm giảm mức sống của đại bộ phận người tiêu dùng.
Theo số liệu chính thức của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của 10 tháng đầu năm 2007 tăng 8,12% so với tháng 12-2006. Còn nếu so với cùng kỳ năm ngoái thì CPI đã tăng 9,34%, trong đó mức tăng ở khu vực thành thị là 9,74% và ở nông thôn là 8,92%.

Mặc dù nền kinh tế phải chấp nhận một sự đánh đổi nhất định giữa lạm phát và tăng trưởng - ít nhất là trong ngắn hạn - thì những chỉ số giá tiêu dùng này là rất đáng lo ngại vì một số lý do như sau:

Đầu tiên, mặc dù giá thế giới tăng làm CPI ở Việt Nam tăng theo, nhưng chắc chắn đây không phải là nguyên nhân quan trọng nhất vì nếu thế, các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia cũng phải chịu những cú sốc giá tương tự. Thế nhưng chỉ số giá tiêu dùng ở các nước này chỉ dao động trong khoảng 4-5%.

Vì vậy, có thể thấy rằng CPI ở Việt Nam tăng chủ yếu vì những lý do nội tại của nền kinh tế, trong đó quan trọng nhất là nguyên nhân tiền tệ. Tốc độ tăng tín dụng của ta luôn được duy trì ở mức rất cao (khoảng 30%) trong vòng sáu năm qua. Đồng thời cung tiền đồng từ đầu năm tới nay cũng tăng đột biến do Nhà nước phải mua vào khoảng 9 tỉ đô la để ổn định tỷ giá.

Thứ hai, mức giá tăng nhanh là một thứ “thuế lạm phát” làm giảm mức sống của đại bộ phận người tiêu dùng, đặc biệt là những người hưởng lương cố định và có thu nhập thấp. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê thì ở khu vực nông thôn, so với thời điểm cuối tháng 10-2006, số hộ thiếu đói tăng 44% và số nhân khẩu thiếu đói tăng 47%.

Mặc dù giá tăng không phải là nguyên nhân duy nhất (bên cạnh thiên tai, dịch bệnh...) của tình trạng thiếu đói tăng nhanh, nhưng nó chắc chắn là một nhân tố làm trầm trọng thêm tình trạng này vì từ đầu năm tới nay, giá của những hàng hóa thiết yếu như thực phẩm và lương thực đều tăng cao hơn CPI, lần lượt là 13,52% và 9,15%.

Thứ ba, vì mức lạm phát cao hơn lãi suất tiết kiệm (tức là lãi suất thực bị âm) nên tiền nhàn rỗi trong nền kinh tế phải chạy đi tìm những cơ hội đầu tư có suất sinh lời cao hơn như địa ốc hay chứng khoán. Việc đầu cơ quá mức vào bất động sản và chứng khoán làm xuất hiện hiện tượng bong bóng tài sản; và sớm hay muộn thì hiện tượng này cũng sẽ dẫn tới sự bất ổn định cho nền kinh tế.

Thứ tư, lạm phát cao - và trong một chừng mực nào đó, khó dự đoán một cách chính xác - là một trong những nguyên nhân làm tăng độ bất định, và do vậy tăng chi phí giao dịch và giảm hiệu quả của nền kinh tế. Bên cạnh đó, lạm phát còn làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu và của toàn bộ nền kinh tế.

Thứ năm, để đạt được mục tiêu “lạm phát thấp hơn tốc độ tăng trưởng” (mà trên thực tế không hề có cơ sở khoa học vững chắc) thì khi lạm phát tăng, Chính phủ chỉ có thể có một trong hai lựa chọn: Một là kiềm chế lạm phát bằng cách giảm tốc độ tăng cung tiền và tín dụng (đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả), đồng thời giảm bớt chi tiêu của Chính phủ (bằng cách tăng hiệu quả chi tiêu, giảm lãng phí và thất thoát), hay thậm chí phải điều chỉnh lãi suất.

Hai là phải dồn sức đẩy mạnh tăng trưởng để “đuổi kịp” lạm phát. Có vẻ như cho đến thời điểm này, phương án 1 chưa phải là lựa chọn của Chính phủ; còn phương án 2 nếu được thực hiện sẽ chỉ tiếp tục đổ thêm dầu vào ngọn lửa lạm phát. Dưới góc độ quản lý nhà nước, không nên để một mục tiêu thiếu cơ sở khoa học như thế này trở thành một chiếc “vòng kim cô” trói buộc các nhà điều hành vĩ mô.

Thứ sáu, lạm phát trên thực tế có lẽ không chỉ là 8 hay 9% mà có thể còn cao hơn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá danh nghĩa 10 tháng năm 2007 tăng 22,7% so với cùng kỳ năm trước. Cũng trong giai đoạn nay, đầu tư tăng nhanh hơn so với tiêu dùng, đồng thời chi tiêu của Nhà nước chiếm một tỷ lệ tương đối ổn định. Điều này có nghĩa là tốc độ tăng tổng chi tiêu của nền kinh tế (theo giá danh nghĩa) phải cao hơn 22,7%.

Mặt khác, nếu đem cộng thâm hụt thương mại thực vào tốc độ tăng trưởng GDP thực, ta có tốc độ tăng trưởng nguồn cung thực vào khoảng 12-13%. Sự chênh lệch giữa tốc độ tăng tổng chi tiêu danh nghĩa và tăng trưởng GDP thực chính là tỷ lệ lạm phát, và vì vậy có lý do để lo ngại rằng lạm phát thực tế còn cao hơn mức công bố chính thức.