6 tháng: Thu hồi hơn 9.700 tỷ đồng từ các vụ án tham nhũng, kinh tế
Tổng cục thi hành án dân sự cũng tập trung xử lý nhiều vụ án lớn được dư luận đặc biệt quan tâm như vụ Vạn Thịnh Phát, Công ty cổ phần Chăn nuôi Bình Hà, vụ AIC… Đặc biệt, vụ Vạn Thịnh Phát được Tổng cục phối hợp chặt chẽ với Cục thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh rà soát toàn diện, đánh giá các khó khăn, từ đó chủ động đề xuất giải pháp để thu hồi tài sản hiệu quả, đúng pháp luật...

Bộ Tư pháp sẽ tổ chức Hội nghị sơ kết công tác thi hành án dân sự 6 tháng đầu năm 2025 vào ngày 4/4/2025. Đây là dịp quan trọng để nhìn lại toàn diện những kết quả nổi bật của 6 tháng đầu năm, nhận diện thách thức và đề ra giải pháp cho 6 tháng cuối năm.
Tổng cục Thi hành án dân sự đã chuẩn bị kỹ lưỡng, phối hợp chặt chẽ với các Cục thi hành án dân sự địa phương trong quá trình chuẩn bị hội nghị, bảo đảm nội dung sát thực tiễn, phản ánh đầy đủ tình hình triển khai nhiệm vụ tại cơ sở và đề xuất các giải pháp có chiều sâu, phù hợp với định hướng lâu dài của hệ thống.
Trong 6 tháng, tính từ ngày 1/10/2024 đến 30/3/2025, việc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ của hệ thống Thi hành án dân sự đạt kết quả tích cực trên nhiều mặt công tác. Toàn quốc đã thi hành xong 255.261 việc, thu được hơn 57.683 tỷ đồng, tăng cả về giá trị tuyệt đối và tỷ lệ so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, lĩnh vực tín dụng, ngân hàng thu hồi hơn 16.115 tỷ đồng.
Dù số việc và tiền phải thi hành tăng cao (lần lượt 10,89% và 27,92%) so với cùng kỳ năm 2024, nhiều vụ việc có giá trị lớn, đương sự đông, phân tán tại nhiều địa bàn, song toàn hệ thống thi hành án dân sự đã chủ động khắc phục khó khăn, triển khai đồng bộ, linh hoạt các giải pháp, đảm bảo tiến độ theo kế hoạch.
Trong bối cảnh toàn hệ thống đang thực hiện tinh gọn bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương, những kết quả đạt được càng cho thấy sự nỗ lực vượt bậc, bám sát thực tiễn, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành của Bộ Tư pháp và Tổng cục Tổng cục thi hành án dân sự.
Theo báo cáo của Tổng cục thi hành án dân sự, trong 6 tháng tính từ tháng 10/2024, các cơ quan thi hành án đã thi hành xong 2.061 việc liên quan đến các vụ án tham nhũng, kinh tế, thu hồi được hơn 9.781 tỷ đồng. Con số này thể hiện sự quyết tâm cao độ của toàn ngành trong thực hiện nhiệm vụ thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt – nội dung trọng tâm trong chiến lược phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.
Tổng cục thi hành án dân sự cũng tập trung xử lý nhiều vụ án lớn được dư luận đặc biệt quan tâm như vụ Vạn Thịnh Phát, Công ty cổ phần Chăn nuôi Bình Hà, vụ AIC… Đặc biệt, vụ Vạn Thịnh Phát được Tổng cục phối hợp chặt chẽ với Cục thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh rà soát toàn diện, đánh giá các khó khăn, từ đó chủ động đề xuất giải pháp để thu hồi tài sản hiệu quả, đúng pháp luật.
Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong thi hành án dân sự được đẩy mạnh trên toàn Hệ thống. Tổng cục tiếp tục duy trì, hỗ trợ vận hành các phần mềm nghiệp vụ, chỉ đạo các đơn vị cập nhật dữ liệu thi hành án, đặc biệt là thông tin người chưa có điều kiện thi hành để tích hợp lên Cổng thông tin điện tử, kịp thời tổng hợp, xử lý khó khăn trong quá trình sử dụng phần mềm.
Ngoài ra, Tổng cục tiếp tục triển khai đồng bộ toàn quốc dịch vụ tư pháp công trực tuyến về thu, nộp tạm ứng án phí, lệ phí tòa án và đang xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử thi hành án dân sự, đẩy mạnh chuyển đổi số thông qua các đề án, dự án trọng điểm như gửi thông báo qua VNeID, xây dựng kiến trúc số giai đoạn 2026–2030.
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, tiết kiệm chi phí, hướng tới xây dựng nền hành chính tư pháp hiện đại, minh bạch, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp.
Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2025 không chỉ là dịp tổng kết, đánh giá, mà còn là tiền đề để hệ thống thi hành án dân sự tăng tốc, bứt phá hoàn thành các chỉ tiêu quan trọng trong 6 tháng cuối năm.
Trọng tâm trong thời gian tới gồm: hoàn thiện Dự thảo Luật thi hành án dân sự (sửa đổi) trình Quốc hội; triển khai Đề án tổ chức lại bộ máy tinh gọn, hiệu quả; tăng cường hiệu quả thi hành án tín dụng, thu hồi nợ xấu; thúc đẩy thực hiện các vụ án tham nhũng lớn do Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi; tăng cường tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, xử lý nghiêm sai phạm; chuẩn bị cho giai đoạn chuyển đổi số 2026–2030, tầm nhìn 2035.