6 tiêu chí sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh
Chính phủ nhấn mạnh, việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp ngoài các tiêu chí về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định của pháp luật, cần cân nhắc thấu đáo các tiêu chí về lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc; vị trí, điều kiện địa lý; quy mô, trình độ phát triển kinh tế - xã hội; hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin; yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia và hội nhập quốc tế...

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã ký Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14/4/2025 phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
NGUYÊN TẮC XÁC ĐỊNH TRUNG TÂM HÀNH CHÍNH – CHÍNH TRỊ
Đề án nêu rõ, việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp đặt mục tiêu cao nhất là phát triển đất nước, mở rộng không gian phát triển cho đơn vị hành chính mới, phát huy vai trò dẫn dắt của các vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng; ưu tiên sắp xếp các đơn vị hành chính miền núi, đồng bằng với các đơn vị hành chính có biển.
Đồng thời, kết hợp hài hòa, hợp lý các đơn vị hành chính có vị trí liền kề gắn với yêu cầu định hướng phát triển để hỗ trợ lẫn nhau, cùng thúc đẩy phát triển kinh tế của đơn vị hành chính sau sắp xếp và yêu cầu, định hướng phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong giai đoạn mới.
Ưu tiên bố trí các khu thương mại tự do, khu, cụm công nghiệp, đô thị, cảng biển, logistics, hồ chứa nước, đập thủy điện,... trong phạm vi 1 đơn vị hành chính cấp xã để thuận lợi trong quản lý nhà nước.
Việc đặt tên cho đơn vị hành chính sau sắp xếp phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, cân nhắc thận trọng các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hoá.
Ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập để đặt tên cho đơn vị hành chính hình thành mới, hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ, chỉ dẫn địa lý liên quan đến đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Tên gọi của đơn vị hành chính mới cần dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, bảo đảm tính hệ thống, khoa học và phát huy được lợi thế so sánh của địa phương, phù hợp với xu thế hội nhập.
Nghiên cứu đặt tên của xã, phường theo số thứ tự hoặc theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hoá, cập nhật dữ liệu thông tin.
Tên của xã, phường mới sau sắp xếp không được trùng với tên của đơn vị hành chính cùng cấp hiện có trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc phạm vi tỉnh, thành phố dự kiến thành lập theo định hướng sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với việc xác định trung tâm hành chính - chính trị, Đề án nêu rõ, việc lựa chọn trung tâm hành chính - chính trị của 1 trong số các đơn vị hành chính hiện nay là trung tâm hành chính - chính trị của đơn vị hành chính mới để bảo đảm chính quyền địa phương nhanh chóng đi vào hoạt động ổn định.
Trung tâm hành chính - chính trị của đơn vị hành chính mới có vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông phát triển (sân bay, đường bộ, cảng,...), dễ dàng kết nối với các khu vực trong nội tỉnh, thành phố và các đô thị lớn, trung tâm kinh tế của cả nước hoặc với hệ thống không gian biển.
Trung tâm hành chính - chính trị của đơn vị hành chính mới cần có không gian phát triển trong tương lai; phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị hành chính mới, bảo đảm hài hòa, hợp lý, tránh sự mất cân đối giữa các địa phương khi sáp nhập và giữ vững quốc phòng an ninh.
Sau khi đơn vị hành chính mới đi vào hoạt động ổn định, có thể nghiên cứu quy hoạch, xây dựng các trung tâm hành chính - chính trị mới hợp lý, phù hợp với xu thế phát triển chung của địa phương và tạo ra không gian phát triển mới.
TIÊU CHÍ SẮP XẾP, SÁP NHẬP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH
Trên cơ sở nghiên cứu lịch sử hình thành, phát triển, quá trình sắp xếp đơn vị hành chính các cấp ở Việt Nam, cơ sở khoa học về các yếu tố cấu thành đơn vị hành chính cấp tỉnh và kinh nghiệm quốc tế, đề xuất 6 tiêu chí sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh gồm: Diện tích tự nhiên; quy mô dân số; tiêu chí về lịch sử, truyền thống, văn hoá, dân tộc; tiêu chí về địa kinh tế; tiêu chí về địa chính trị; tiêu chí về quốc phòng, an ninh.

Trong đó, về diện tích tự nhiên, thực hiện sắp xếp đối với các đơn vị hành chính có diện tích tự nhiên không đạt 100% tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp tỉnh quy định tại Nghị quyết số 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 27/2022).
Cụ thể, tỉnh thuộc khu vực miền núi, vùng cao có diện tích tự nhiên dưới 8.000 km; tỉnh thuộc khu vực đồng bằng dưới 5.000 km; thành phố trực thuộc Trung ương có dưới 1.500 km.
Về quy mô dân số, thực hiện sắp xếp đối với các đơn vị hành chính có quy mô dân số không đạt 100% tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp tỉnh quy định tại Nghị quyết số 1211/2016 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 27/2022).
Trong đó, tỉnh thuộc khu vực miền núi, vùng cao có dân số dưới 900.000 người; tỉnh thuộc khu vực đồng bằng dân số dưới 1,4 triệu người; thành phố trực thuộc Trung ương dưới 1 triệu người.
Tiêu chí về lịch sử, truyền thống, văn hoá, dân tộc: Đơn vị hành chính cấp tỉnh có yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hoá, dân tộc tương đồng, bảo đảm khối đoàn kết gắn bó của cộng đồng dân cư; giữ gìn và phát huy văn hóa, lịch sử, dân tộc của mỗi địa phương.
Tiêu chí về địa kinh tế: Đơn vị hành chính cấp tỉnh có vị trí địa lý liền kề, điều kiện tự nhiên, hạ tầng giao thông, sự phân bố và tổ chức các không gian kinh tế, quy mô và trình độ phát triển kinh tế phù hợp, nhằm bảo đảm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế của mỗi địa phương, hỗ trợ lẫn nhau để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đơn vị hành chính sau sắp xếp.
Tiêu chí về địa chính trị: Cân nhắc kỹ các yếu tố về trình độ, năng lực quản lý của cấp ủy, chính quyền địa phương, mức độ chuyển đổi số, việc ứng dụng công nghệ thông tin của chính quyền địa phương và người dân.
Tiêu chí về quốc phòng, an ninh: Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh phải bảo đảm quốc phòng, an ninh, đặc biệt xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc tại các địa bàn trọng yếu, khu vực đảo, quần đảo và vùng biên giới.
Trường hợp việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh đã phù hợp với định hướng của cấp có thẩm quyền, và bảo đảm các tiêu chí của đơn vị hành chính cấp tỉnh nêu trên, thì không xem xét điều kiện và không đánh giá tiêu chuẩn khác theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.