09:29 05/02/2015

7 tháng 2 lần rơi máy bay: TransAsia gặp họa lớn

Diệp Vũ

Vụ rơi máy bay hôm qua đánh dấu vụ tai nạn chết người thứ tư của TransAsia kể từ năm 1995

Các nhà tìm kiếm đang trục vớt máy bay của AirAsia bị rơi xuống sông ở Đài Bắc ngày 4/2 - Ảnh: EPA/WSJ.<br>
Các nhà tìm kiếm đang trục vớt máy bay của AirAsia bị rơi xuống sông ở Đài Bắc ngày 4/2 - Ảnh: EPA/WSJ.<br>
Vụ rơi máy bay thứ hai trong vòng 7 tháng của TransAsia đang làm dấy lên những quan ngại sâu sắc về độ an toàn của  hãng hàng không Đài Loan này. Nỗ lực của TransAsia nhằm thu hút khách từ Trung Quốc đại lục có thể sẽ gặp trở ngại lớn sau vụ chiếc ATR-72 của hãng rơi xuống sông ở Đài Bắc vào hôm qua (4/2).

Chuyến bay 235 đã lao xuống một chiếc cầu và sau đó đâm thẳng xuống một dòng sông chỉ 4 phút sau khi cất cánh từ sân bay Đài Bắc. Tờ Wall Street Journal cho biết, ít nhất đã có 31 người thiệt mạng và 15 người khác bị thương trong vụ tai nạn này. Đến đêm qua, các nhà cứu hộ tiếp tục tìm kiếm 12 người khác còn đang bị mất tích.

Hồi tháng 7 năm ngoái, một chiếc máy bay ATR-72 khác của TransAsia bị rơi ở Bành Hồ trong khi tìm cách hạ cánh vì thời tiết xấu, khiến 49 người thiệt mạng.

Vụ việc hôm qua đánh dấu vụ tai nạn chết người thứ tư của TransAsia kể từ năm 1995, đồng thời làm xấu đi lịch sử an toàn bay của Đài Loan vốn đã có sự cảnh thiện đáng kể từ sau một loạt vụ rơi máy bay vào thập niên 1990 và đầu những năm 2000.

“Đây sẽ là một đòn giáng mạnh vào uy tín của TransAsia”, nhà phân tích Marc Wang của KGI Securities nhận định. Theo ông Wang, hãng này sẽ phải mất thời gian đáng kể để lấy lại niềm tin của hành khách vốn đã bị lung lay từ khi xảy ra vụ tai nạn năm ngoái.

Sau vụ tai nạn tháng 7/2014, TransAsia đã tăng cường các biện pháp an toàn bay, bao gồm quy định nêu rõ các chuyến bay của hãng không được cất cánh trừ khi tầm nhìn đạt ít nhất hơn 50% so với tiêu chuẩn mà chức trách cho phép. Hiện nguyên nhân của vụ tai nạn cách đây 7 tháng này vẫn đang được điều tra.

Cơ quan Hàng không dân sự Đài Loan hôm qua cho biết đã yêu cầu TransAsia kiểm tra kỹ lưỡng 10 chiếc máy bay ATR-72 của hãng này trước khi loại máy bay này tiếp tục được cất cánh. Ngoài ra, 12 chiếc ATR-72 khác đang hoạt động ở Đài Loan thuộc hãng EVA Airways và Uni Air cũng phải được kiểm tra.

“Chúng tôi đang rất muốn xác định xem vì sao tai nạn lại xảy ra với một chiếc máy bay mới như vậy”, Giám đốc điều hành (CEO) Peter Chen của TransAsia phát biểu tại một cuộc họp báo.

Vụ vơi máy bay hôm qua có thể sẽ đặt ra thách thức mới đối với nỗ lực của TransAsia trong việc mở rộng hoạt động tại thị trường Trung Quốc đại lục trong bối cảnh du khách đại lục tới Đài Loan tăng mạnh. Trung Quốc đại lục hiện là nguồn du khách lớn nhất của Đài Loan. Năm ngoái, có gần 4 triệu người Trung Quốc đại lục tới Đài Loan, tăng 39% so với năm 2013.

Theo nhà chức trách Đài Loan, trong số 58 người trên chuyến bay 235, có 31 người là công dân Trung Quốc.

Được thành lập vào năm 1951, TransAsia Airways là hãng lớn thứ 3 trong số 9 hãng hàng không của Đài Loan. Tuy vậy, với 22 máy bay, TransAsia có quy mô nhỏ hơn nhiều so với China Airlines, hãng có 83 máy bay, và EVA Airways với 67 máy bay. Hãng này chủ yếu hoạt động trên các chuyến bay ngắn và thu hút khách Trung Quốc đại lục bằng chính sách giá vé rẻ.

Cuối năm ngoái, nhánh bay giá rẻ V Air do TransAsia sở hữu toàn bộ đã có chuyến bay đầu tiên tới Thái Lan. Theo giới phân tích, vụ tai nạn vừa xảy ra của TransAsia cũng có thể sẽ ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của V Air.