09:25 19/06/2008

Á - Âu hợp sức đối phó các thách thức kinh tế

Quốc Trung

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Á-Âu (ASEM) lần thứ 8 bày tỏ lo ngại về giá dầu và lương thực tăng cao... gây khó khăn cho kinh tế toàn cầu

Lạm phát đang đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Lạm phát đang đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Á-Âu (ASEM) lần thứ 8 vừa diễn ra tại Hàn Quốc đã ra tuyên bố bày tỏ lo ngại về giá dầu và lương thực tăng cao... gây khó khăn cho kinh tế toàn cầu. Đồng thời, đề xuất các giải pháp ổn định kinh tế của hai khu vực.

Các đại biểu từ 27 nước Liên minh châu Âu (EU), 16 nước châu Á và 6 tổ chức quốc tế cùng chung nhận định rằng kinh tế toàn cầu đang đứng trước nhiều khó khăn. Tuy nhiên, họ bày tỏ lạc quan về triển vọng lâu dài của kinh tế thế giới.

Những thách thứccủa lạm phát

Các đại biểu dự Hội nghị ASEM cho rằng các nguy cơ gây khủng hoảng kinh tế toàn cầu là tình trạng suy yếu kinh tế Mỹ, hoạt động tín dụng trên thị trường tài chính thế giới bị siết chặt và sức ép lạm phát...

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh các nước trên thế giới, đặc biệt là châu Á đang chịu nhiều sức ép của tình trạng lạm phát. Theo Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), tỷ lệ lạm phát tại nhiều nước châu Á như Singapore, Ấn Độ, Philippines, Indonesia...đã tăng từ 7,5 - 11%. ADB vừa cảnh báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế châu Á sẽ bị kéo lùi lại, do lạm phát gia tăng bởi giá dầu và giá lương thực leo thang.

Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á tại Malaysia hôm 15/6, Giám đốc điều hành ADB R.M Nag cho biết, ADB đang xem xét điều chỉnh lại mức dự báo tăng trưởng kinh tế 7,6% của châu Á (trừ Nhật Bản). ADB cũng lo ngại tình trạng lạm phát đang nới rộng khoảng cách về thu nhập của dân chúng và nhiều người sẽ lại rơi vào cảnh nghèo khó.

Châu Á hiện chiếm tới 2/3 số người nghèo trên thế giới và đã thành công trong việc xoá đói, giảm nghèo, kéo tỷ lệ người nghèo từ 33% năm 1990, xuống còn 19% hiện nay. Tuy nhiên giới chuyên gia đang lo ngại, lạm phát khiến nguy cơ tái nghèo ở châu Á rất cao. Thống kê cho thấy, hiện có khoảng 600 triệu người châu Á đang phải sống với thu nhập dưới 1 USD/ngày; 400 người khác có thu nhập dưới 2 USD/ngày.

Ngày 16/6, ông Lee Myung Pak, Tổng thống Hàn Quốc-nước chủ nhà Hội nghị ASEM, đã nhấn mạnh mối lo ngại của các nhà hoạch định chính sách trước tình trạng lạm phát toàn cầu.

Theo ông, kinh tế thế giới đang phải đối phó nguy cơ nghiêm trọng nhất, kể từ “cơn sốc dầu lửa” hồi những năm 1970, từng khiến cho giá dầu lửa, lương thực và nguyên liệu thô tăng vọt. Giá dầu thế giới liên tiếp lập kỷ lục và có lúc lên gần 140 USD/thùng, giá dầu thô thế giới đã cao gấp 3 lần mức giá hồi đầu năm 2007.

Vẫn lạc quan về triển vọng kinh tế thế giới

Tuyên bố của Hội nghị ASEM đã bày tỏ mối lo ngại chung về tình trạng giá nhiên liệu và lương thực tăng trên toàn cầu, coi đây là thách thức nghiêm trọng đối với sự tăng trưởng kinh tế bền vững toàn thế giới.

Các đại biểu nhất trí rằng các nước cần phối hợp chính sách nhằm đối phó các nguy cơ đối với kinh tế của Á-Âu và toàn cầu, giảm nhẹ những ảnh hưởng tiêu cực của lạm phát đối với những nước nghèo, đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp và năng lượng, mở cửa thị trường.

Tuyên bố nhấn mạnh, sự cần thiết phải đi sâu phân tích các yếu tố thực tế đằng sau cơn sốt giá dầu và giá lương thực hiện nay, nghiên cứu tính chất và ảnh hưởng của nó đối với kinh tế toàn cầu. Tổng thống Hàn Quốc cho rằng, sự rối loạn tài chính quốc tế là nguyên nhân sâu xa của tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu. Bộ trưởng Tài chính Pháp C. Lagarde cho rằng: “Điều cấp thiết nhất là chúng ta phải làm cho thị trường tài chính ổn định trở lại”.

Các đại biểu cũng khẳng định sự cấp thiết phải kết thúc thành công Vòng đàm phán Doha về tự do thương mại toàn cầu - một cơ chế có thể giúp giảm đói nghèo và thúc đẩy tăng trưởng. Các bộ trưởng hoan nghênh các nỗ lực của châu Á mở rộng tầm ảnh hưởng của Sáng kiến Chiềng Mai, được đưa ra sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, nhằm kiểm soát các vấn đề tài chính ngắn hạn của khu vực.

Theo các bộ trưởng, sự hội nhập về tài chính của châu Á sẽ đem lại sự ổn định vững chắc hơn cho khu vực, đồng thời giúp giảm tình trạng tăng trưởng kinh tế quá nóng, hoặc không bền vững.

Mặc dù dự đoán kinh tế thế giới không mấy sáng sủa trong tương lai ngắn hạn, nhưng các bộ trưởng vẫn lạc quan về triển vọng lâu dài của kinh tế toàn cầu. Đồng thời cho rằng, so với một thập kỷ trước, các nền kinh tế châu Á và châu Âu đã tỏ ra vững vàng hơn trước những "cú va chạm" từ bên ngoài.