AAM trình phương án khắc phục việc bị hủy niêm yết bắt buộc
Tính đến ngày 31/12/2018, vốn điều lệ của Thủy sản Mekong chỉ còn 99 tỷ đồng và đây là nguyên nhân dẫn tới việc HOSE lưu ý nhà đầu tư về khả năng bị hủy niêm yết bắt buộc cổ phiếu AAM
Công ty Cổ phần Thủy sản Mekong (mã chứng khoán AAM) vừa có văn bản giải trình phương án khắc phục vốn điều lệ giảm xuống dưới 120 tỷ đồng.
Theo đó, AAM dự kiến phát hành 2,41 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu. Tỷ lệ phát hành 30%, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận về 30 cổ phiếu mới. Tất nhiên số cổ phiếu thưởng này không tính cho số 1,9 triệu cổ phiếu quỹ hiện công ty đang nắm giữ.
Để thực hiện phương án trong quý 2/2019, AAM sẽ dùng 117 tỷ đồng từ nguồn thặng dư vốn cổ phần. Dự kiến sau phát hành Thủy sản Mekong sẽ tăng vốn điều lệ lên trên 123,4 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2018, doanh thu thuần Thủy sản Mekong đạt gần 220 tỷ đồng giảm 2,5% so với cùng kỳ. Đáng chú ý trong kỳ AAM ghi nhận 7,3 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính, chủ yếu là ghi nhận gần 5,7 tỷ đồng lãi tiền gửi, tiền cho vay.
Bên cạnh đó chi phí bán hàng cũng được giảm mạnh từ hơn 12 tỷ đồng trong năm 2017 xuống chỉ còn 9,8 tỷ đồng nên kết quả lợi nhuận sau thuế đạt 9,5 tỷ đồng tăng mạnh so với con số 1,1 tỷ đồng trong năm trước.
Tính đến ngày 31/12/2018, tổng nguồn vốn của AAM là gần 230 tỷ đồng, giảm nhẹ so với hồi đầu năm.
Tuy nhiên, vốn góp của chủ sở hữu giảm 27 tỷ đồng, xuống còn 99 tỷ đồng. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới việc Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM lưu ý nhà đầu tư về khả năng bị hủy niêm yết bắt buộc cổ phiếu AAM.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu AAM đang trong diện kiểm soát và kể từ ngày 5/3/2019 chỉ được giao dịch vào phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận. Thị giá đang ở mức 13.900 đồng/cổ phiếu, vốn hóa thị trường theo đó vào khoảng 106 tỷ đồng.