ACV giải trình việc doanh và lợi nhuận giảm so với trước soát xét
Theo ACV, doanh thu giảm chủ yếu do chính sách giảm giá của ACV để hỗ trợ các hãng hàng không, các đơn vị kinh doanh dịch vụ tại cảng hàng không trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch Covid-19 từ 1/5/2021.
Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa công bố BCTC hợp nhất soát xét bán niên 2021 và giải trình chênh lệch lợi nhuận sau thuế trước và sau soát xét trên BCTC hợp nhất.
Cụ thể: doanh thu thuần hợp nhất giảm 48 tỷ đồng, tương ứng 1,4% xuống gần 3.428 tỷ đồng. Ngược lại, chi tài chính ghi nhận tăng mạnh từ hơn 47 tỷ lên 112 tỷ đồng, tương ứng tăng 137,3% và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng hơn 63 tỷ lên gần 612 tỷ đồng.
Do vậy, lợi nhuận sau thuế giảm 12,4% - tương đương giảm hơn 169 tỷ đồng xuống còn hơn 1.199 tỷ đồng -lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt gần 1.203 tỷ đồng.
Theo giải trình của ACV, doanh thu giảm chủ yếu do chính sách giảm giá của ACV để hỗ trợ các hãng hàng không, các đơn vị kinh doanh dịch vụ tại cảng hàng không trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch Covid-19 từ 1/5/2021.
Mặt khác, chi phí tài chính biến động do điều chỉnh giá trị khoản đầu tư vào CTCP Dịch vụ Hàng hoá Hàng không Việt Nam sau khi phát hành cổ phiếu cho người lao động dẫn đến tỷ lệ sở hữu của ACV tại Công ty giảm, không đủ điều kiện hợp nhất theo quy định. Thêm vào đó, chi phí quản lý doanh nghiệp trên BCTC 6 tháng năm 2021 biến động tăng so với luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021 trên BCTC quý 2/2021 chủ yếu do trích lập bổ sung dự phòng nợ phải thu khó đòi.
Tính đến ngày 30/6/2021, ACV hiện có gần 33.000 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng từ 3 đến 12 tháng với lãi suất dao động từ 4,9-6,5%, 6.034 tỷ quỹ đầu tư phát triển, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tăng lên gần 10.243 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/6, lương cho thành viên HĐQT, BKS, Ban Tổng giám đốc và Kế toán trưởng giảm mạnh từ hơn 5,8 tỷ còn hơn 3,4 tỷ đồng - trong đó lương HĐQT, Tổng giám đốc và Kế toán trưởng giảm từ 4,76 tỷ còn 2,7 tỷ và Ban kiểm soát giảm từ gần 1,1 tỷ xuống còn 0,6 tỷ đồng.
Mới đây, VCSC đã có điều chỉnh khuyến nghị cho ACV từ "khả quan" xuống "phù hợp thị trường và giảm 1,5% giá mục tiêu xuống 74.500 đồng/CP. Giá cổ phiếu của ACV đã tăng 15% trong 3 tháng qua bất chấp các diễn biến của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đáng kể đến ngành hàng không của Việt Nam.
VCSC cho biết, giá mục tiêu thấp hơn của chúng tôi chủ yếu do chúng tôi giảm 7,2% dự báo tổng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số của ACV trong giai đoạn 2021-2025. Đáng chú ý, chúng tôi giảm 69% dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2021, chủ yếu để phản ánh tác động nghiêm trọng hơn từ dịch COVID-19 tại Việt Nam đối với lượng hành khách của ACV.
Bên cạnh đó, ACV gần như giữ nguyên dự báo trong giai đoạn 2026-2030 khi tin rằng sự phục hồi về số lượng hành khách sẽ được hỗ trợ bởi việc triển khai thành công tiêm vaccine tại Việt Nam và các nước có lượng khách du lịch lớn đến Việt Nam.
Đồng thời, dự báo doanh thu của ACV đạt 5,3 nghìn tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 612 tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ) vào năm 2021 chủ yếu do tác động tiêu cực của dịch COVID19 đối với lượng hành khách.
Thêm vào đó, VCSC giả định doanh thu của ACV đạt 14,5 nghìn tỷ đồng, tăng 173% so với cùng kỳ với lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số là 3,6 nghìn tỷ đồng (+5,9 lần so với cùng kỳ) vào năm 2022, khi chúng tôi kỳ vọng sẽ được thúc đẩy bởi sự phục hồi cả số lượng hành khách trong nước và quốc tế - giả định việc kiểm soát dịch COVID-19 thành công ở Việt Nam bắt đầu từ giữa quý 4/2021 cũng như việc triển khai tiêm vaccine
thành công.
VCSC tin rằng ACV có vị thế tốt để duy trì sức khỏe tài chính - ngay cả khi dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp hơn so với dự báo của chúng tôi. Tuy nhiên, việc phục hồi của ACV phụ thuộc nhiều vào việc kiểm soát dịch COVID-19 và triển khai vaccine tại Việt Nam và toàn cầu.