ADB: “Thế giới đã nói quá về sự phân ly của Trung Quốc”
“Về việc Trung Quốc phân ly khỏi nền kinh tế toàn cầu, tôi cho rằng điều này có lẽ là một sự nói quá, hoặc rất mang tính cục bộ” - nhà kinh tế trưởng của ADB nhận định...
Trung Quốc vẫn là một đối tác thương mại quan trọng đối với nhiều quốc gia trên thế giới và quan điểm cho rằng siêu cường này đang phân ly khỏi nền kinh tế toàn cầu là một sự nói quá - theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
“Trung Quốc có lẽ vẫn là đối tác thương mại số 1 của phần lớn các quốc gia trên thế giới”, nhà kinh tế trưởng của định chế có trụ sở ở Manila, Philippines - ông Albert Park - nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC.
Dù đã có một vài bộ phận trong hoạt động thương mại nói chung với Trung Quốc giảm sút, sự tham gia và tầm quan trọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong chuỗi giá trị toàn cầu là không hề suy chuyển, ông Park nhấn mạnh.
Năm 2023, thương mại giữa Trung Quốc với các đối tác lớn của nước này có giảm, với kim ngạch xuất khẩu cả năm của Trung Quốc giảm lần đầu tiên trong 7 năm do nhu cầu đối với hàng hoá do nước này sản xuất đi xuống trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu giảm tốc. Tuy nhiên, siêu cường kinh tế châu Á vẫn là một đối tác thương mại hàng đầu của hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam - theo dữ liệu của Wilson Center, một tổ chức nghiên cứu của Mỹ.
Dù thuyết Trung Quốc phân ly có thể đúng với một số hàng hoá nhất định hay một số quốc gia nhất định “rất quyết liệt trong việc hạn chế thương mại với Trung Quốc”, nhưng trên phạm vi toàn cầu, sự phân ly đó ít rõ ràng hơn nhiều - ông Park nhận định và nói thêm rằng ngay cả sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng chiến tranh thương mại với Trung Quốc vào năm 2018, tầm quan trọng của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu không hề sụt giảm.
Căng thẳng thương mại giữ Mỹ và Trung Quốc đã gia tăng mạnh mẽ từ năm 2018, khi ông Trump áp thuế quan và dựng các hàng rào thương mại khác đối với hàng hoá Trung Quốc. Bất chấp điều này, Trung Quốc tiếp tục đóng một vai trò to lớn trong nền kinh tế toàn cầu, chiếm 18% tổng sản phẩm trong nước (GDP) của thế giới và tiếp tục giữ vị trí nền kinh tế có kim ngạch thương mại lớn nhất thế giới.
“Về việc Trung Quốc phân ly khỏi nền kinh tế toàn cầu, tôi cho rằng điều này có lẽ là một sự nói quá, hoặc rất mang tính cục bộ”, ông Park nói thêm.
Về phía Trung Quốc, việc theo đuổi chủ trương tự lập tự cường đã giúp giảm bớt phụ thuộc vào nhập khẩu. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường nước ngoài và tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu - lĩnh vực đã trở thành một nguồn động lực tăng trưởng không thể thiếu của nước này.
“Trước mắt sẽ chưa có sự phân ly của các quy trình sản xuất và tiêu dùng toàn cầu khỏi Trung Quốc”, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhận định trong một báo cáo công bố trong tháng 2 này.
Hiện nay, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét áp biện pháp trừng phạt lên các công ty Trung Quốc mà Washington và Brussels cho là đã hậu thuẫn Nga trong cuộc chiến tranh Nga-Ukraine. Nếu các biện pháp trừng phạt như vậy được tung ra, nền kinh tế Trung Quốc sẽ đối mặt thêm trở ngại lớn giữa lúc sự phục hồi hậu Covid-19 ngày càng đuối. Mối hoài nghi của giới đầu tư vào nền kinh tế Trung Quốc đang ngày càng lớn trong bối cảnh nước này vật lộn với giảm phát, tăng trưởng giảm tốc và cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài.
Ông Park cho rằng với mối liên kết thương mại giữa Trung Quốc với các nền kinh tế khác vẫn còn sâu rộng, tình trạng ảm đạm của kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục đặt ra rủi ro đối với môi trường thương mại ở khu vực châu Á.
“Trung Quốc vẫn là một rủi ro lớn về nhu cầu, vì vẫn còn đó nhiều câu hỏi về mức độ vững vàng trong sự tăng trưởng của nền kinh tế nước này. Chúng tôi thường có một nguyên tắc là tăng trưởng ở Trung Quốc cứ giảm đi 1 điểm phần trăm, thì nhu cầu của nước này đối với hàng hoá xuất khẩu của các quốc gia khác giảm đi khoảng 0,3 điểm phần trăm”, ông Park phát biểu.
Ngoài ra, còn có những yếu tố khác đặt ra trở ngại cho hệ sinh thái thương mại của châu Á. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại được cho là sẽ gây áp lực lên nhu cầu của các nền kinh tế khác đối với hàng hoá xuất khẩu của châu Á - theo nhận định của ông Park.
Dù vậy, vị chuyên gia của ADB kỳ vọng chu kỳ của các sản phẩm bán dẫn sẽ có sự khởi sắc, mang lại tia hy vọng cho những nền kinh tế có sự phụ thuộc lớn vào xuất khẩu công nghệ cao ở châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản. Nhu cầu khởi sắc ở Mỹ và EU, cũng như tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở Ấn Độ cũng có thể giúp châu Á cải thiện triển vọng thương mại - ADB nhận định trong một báo cáo ra ngày 26/2.
Theo báo cáo này, thương mại ở khu vực châu Á rơi vào tình trạng trì trệ trong năm ngoái và thấp hơn so với mức của năm 2022 do chính sách tiền tệ thắt chặt trên toàn cầu, căng thẳng địa chính trị và sự đi xuống của chu kỳ bán dẫn.