09:18 03/04/2023

Ai chịu trách nhiệm về ô nhiễm vi sợi của ngành thời trang?

Minh Nguyệt

Nghiên cứu mới từ tổ chức The Or Foundation cho thấy Nam bán cầu - nơi có mật độ quần áo phế thải cao nhất thế giới - có thể đang phải đối mặt với gánh nặng ô nhiễm vi sợi khá trầm trọng...

Ảnh: Vogue Business
Ảnh: Vogue Business

Các loại vi sợi từ quần áo thải ra môi trường là một vấn đề toàn cầu, nhưng các cộng đồng dân cư ở Nam bán cầu, những người sống với lượng rác thải thời trang lớn hơn nhiều so với phần còn lại của thế giới, có thể đang sống với tỷ lệ ô nhiễm vi sợi cũng lớn hơn.

Đó là giả thuyết mà The Or Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Accra, Ghana, đang làm việc với các nhà nghiên cứu để chứng thực. Họ đang thu thập và đánh giá các mẫu nước và không khí tại địa phương để xác định mức độ ô nhiễm vi sợi, từ đó đưa ra khuyến cáo về việc chúng ta nên làm gì nếu mức độ ô nhiễm ở mức cao.

“Có rất ít địa điểm có hàng triệu bộ quần áo chất đống bên bờ sông giống như ở Kantamanto hoặc Kenya chẳng hạn”, và đó là những nơi ông Branson Skinner, đồng sáng lập The Or Foundation, cho rằng chính quyền địa phương không có đủ nguồn lực để giải quyết vấn đề này. Sử dụng tiền từ một loạt các khoản đóng góp và tài trợ tư nhân cũng như sự hỗ trợ từ Shein - nhà bán lẻ thời trang cực nhanh của Trung Quốc, The Or Foundation đã dành cả năm ngoái để mở rộng trọng tâm nghiên cứu về các tác động cụ thể đến môi trường và sức khỏe mà quần áo phế thải tạo ra.

Theo tờ Vogue Business, nhiều sản phẩm quần áo đã qua sử dụng từ châu Âu, Mỹ và châu Á được đưa đến Đông Phi để tái chế lại trong tình trạng kém chất lượng đến mức không thể bán lại, và vòng đời của nó kết thúc ở bãi rác. Chợ Gikomba ở Nairobi là trung tâm buôn bán quần áo cũ của Kenya. Nơi đây luôn tấp nập người mua tìm kiếm món hời từ các bao tải chứa đầy quần áo cũ.

Các cộng đồng dân cư ở Nam bán cầu đang sống với lượng rác thải thời trang lớn hơn nhiều so với phần còn lại của thế giới.
Các cộng đồng dân cư ở Nam bán cầu đang sống với lượng rác thải thời trang lớn hơn nhiều so với phần còn lại của thế giới.

Thế nhưng không phải sản phẩm quần áo cũ nào cũng có thể bán được. Những chiếc chất lượng quá kém, không thể tái sử dụng sẽ bị đem đốt hoặc vứt bỏ. Ước tính, 30 - 40% lượng quần áo cũ nhập khẩu vào Kenya kết thúc vòng đời ở bãi rác. Cứ như vậy, những bãi rác thời trang tái chế lại bắt đầu hình thành.

Kể từ tháng 8 năm ngoái, The Or Foundation đã thu thập các mẫu nước hàng tuần từ hai địa điểm, một bãi biển và tại Korle Lagoon, rồi xử lý chúng để đo mức vi sợi có trong nước. Ước tính sợi tổng hợp hiện góp phần làm nên tới 60% các sản phẩm may mặc trên toàn cầu. Sợi tổng hợp cũng gây ra ô nhiễm vì nhựa gốc dầu, polyeste không thể tự phân hủy như các sợi tự nhiên. Chúng có thể tồn tại ở các bãi rác hàng trăm năm, khiến các sợi li ti đó có thể rụng ra và hoà vào nguồn nước thải.

Trước những kết quả nghiên cứu ban đầu, ngành công nghiệp thời trang đã bắt đầu phản ứng. Ví dụ, các thương hiệu bao gồm Adidas, H&M, Bestseller, Gap và Uniqlo, công ty mẹ của Fast Retailing, đã ký vào Cam kết 2030 của The Microfibre Consortium, và các tổ chức như Quỹ Ellen MacArthur đã tích hợp vấn đề này vào các nỗ lực phát triển bền vững trong toàn ngành của họ. Một số thương hiệu, nổi bật nhất là Patagonia, cũng đã tích cực hỗ trợ nghiên cứu chuyên sâu về vi sợi và tài trợ cho việc phát triển các chiến lược về nguyên liệu bền vững.

Chính quyền bang California mới đây đã yêu cầu người dân sử dụng các mẫu mã máy giặt mới được sản xuất với bộ lọc vi sợi.
Chính quyền bang California mới đây đã yêu cầu người dân sử dụng các mẫu mã máy giặt mới được sản xuất với bộ lọc vi sợi.

Tuy nhiên, những nỗ lực này mờ nhạt so với phạm vi của vấn đề — và các giải pháp thực sự, những giải pháp giải quyết vấn đề thay vì chỉ giảm tác động của nó, vẫn khó nắm bắt. Các nhà hoạch định chính sách ở một số quốc gia, và gần đây nhất là ở California, đã chuyển sang yêu cầu người dân sử dụng các mẫu mã máy giặt mới được sản xuất với bộ lọc vi sợi.

Đó là một chiến lược phòng ngừa được coi là tích cực và cần thiết, nhưng nó chỉ giải quyết được một khía cạnh của vấn đề — sự đào thải của vi sợi khỏi máy giặt gia đình — và không giảm thiểu được thực tế là rất nhiều quần áo trên thế giới được làm bằng vải sợi tổng hợp. Các chính sách hiện cũng không đề cập đến hướng đi của những quần áo seconhand vào các thị trường như Kenya và Ghana, nơi vấn đề không phải là thiếu bộ lọc trên máy giặt mà là thiếu không gian hoặc nguồn lực  để xử lý rác thải thời trang.

Theo Bloomberg, sự ra đời của sợi tổng hợp đã vượt qua sợi bông, trở thành sợi dệt chính của thế kỷ 21, chấm dứt sự thống trị hàng trăm năm của bông. Tuy nhiên, một số chuyên gia về môi trường gọi sự tồn tại của polyester là "thảm họa" khi quá trình sản xuất nguyên liệu này thải 282 tỉ tấn carbon dioxide vào năm 2015 và gấp 3 lần so với sợi bông. Đồng thời, theo ước tính của công ty tư vấn McKinsey và Diễn đàn Kinh tế Thế giới, số lượng hàng may mặc được sản xuất mỗi năm đã tăng gấp đôi kể từ năm 2000. Tuy nhiên, chỉ một phần nhỏ trong số đó được tái chế.

Tốc độ sản xuất hàng may mặc thường vượt quá nhu cầu, đặt ra câu hỏi về điều gì sẽ xảy ra với những bộ quần áo tồn kho. Về phần người mua, dữ liệu từ Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ cho thấy lượng chất thải từ quần áo và giày dép do người Mỹ thải ra mỗi năm tăng từ 1,4 triệu tấn (năm 1960) lên hơn 13 triệu tấn (2018). Có thể nói rằng, ý thức của người tiêu dùng trong việc tái chế, lựa chọn chất liệu trang phục cũng là yếu tố khiến lượng rác thải từ quần áo tăng lên chóng mặt.

Ai chịu trách nhiệm về ô nhiễm vi sợi của ngành thời trang? - Ảnh 1
Ai chịu trách nhiệm về ô nhiễm vi sợi của ngành thời trang? - Ảnh 2
 

Tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace thậm chí đã nhận định, hàng tấn quần áo cũ được chuyển đến Kenya dưới dạng hàng cứu trợ chính là món quà bị nhiễm độc. Bà Janet Chemitei, nhà nghiên cứu của Greenpeace nói: "Trong vòng lặp cung - cầu này, người tiêu dùng sẽ có lợi thế hơn, vì họ là người quyết định lựa chọn mua hoặc không mua. Nếu người mua tạo ra nhu cầu sản phẩm với chất liệu thân thiện với môi trường, khả năng tái sử dụng lớn, các thương hiệu sẽ buộc phải thay đổi ".

Vì thế, theo các chuyên gia của Greenpeace và The Or Foundation, hơn hết, chính những người tiêu dùng mặt hàng thời trang sẽ là người quyết định vận mệnh của môi trường ta đang sinh sống. Mua những sản phẩm có thể sử dụng lâu dài, sử dụng các loại sợi không biến đổi gen, không sử dụng hoá chất độc hại để nuôi trồng hoặc những loại sợi tổng hợp có thể tái chế.

Chỉ với những thay đổi nhỏ trong thói quen mua sắm hàng ngày đã có thể góp phần thay đổi đến cả một hệ thống. Thay vì mua những món đồ hot, được nhiều người săn đón và thay đổi chúng liên tục hàng ngày, người tiêu dùng nên mua những thứ thật sự cần thiết và có thể sử dụng lâu dài.