07:19 09/07/2010

“Âm mưu” phía sau cuộc khủng hoảng nợ châu Âu?

Đan Tâm

Cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu có thực sự nghiêm trọng tới nỗi trở thành một vấn đề mang tính toàn cầu?

Cuộc khủng hoảng nợ châu Âu thực sự đã bị thổi phồng?
Cuộc khủng hoảng nợ châu Âu thực sự đã bị thổi phồng?
Cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu có thực sự nghiêm trọng tới nỗi trở thành một vấn đề mang tính toàn cầu? Hay thực ra nó đã bị một số quỹ đầu tư ác ý cố tình thổi phồng?

Trong bài viết mang tên “Âm mưu thực sự phía sau cuộc khủng hoảng nợ châu Âu” trên tờ Kinh tế Trung Quốc ngày 8/7, chuyên gia phân tích tài chính độc lập Thang Sấm Tân cho rằng, đây chỉ là một cuộc khủng hoảng bị phóng đại quá mức do một số quỹ đầu tư có ý đồ xấu trên thị trường vốn cùng công cụ dư luận nằm trong tay họ, cố tình gây nên.

Mục đích của việc thổi phồng cuộc khủng hoảng này là: tấn công đồng Euro, gây mất ổn định cho toàn bộ nền kinh tế của Liên minh Châu Âu (EU); đảo chiều mất giá của đồng USD trên thị trường tài chính quốc tế, duy trì vai trò thống trị của USD; đe dọa nền kinh tế của các quốc gia mới nổi chủ yếu dựa vào xuất khẩu như Trung Quốc.

Theo ông Thang, trong thế giới ngày nay, sức ảnh hưởng của đồng Euro ngày càng lớn, dần dần trở thành mối đe dọa trực tiếp tới địa vị số một của USD trong hoạt động tài chính. Vì vậy, việc tấn công đồng Euro có thể nâng cao vị thế của USD. Euro nếu tan vỡ, sẽ không chỉ triệt tiêu sức uy hiếp của đồng tiền này đối với vai trò bá chủ của USD, mà còn có thể ngăn chặn những thách thức của kinh tế châu Âu đối với kinh tế Mỹ.

Nếu không thể khiến đồng Euro tan rã, thì việc giảm bớt sức mạnh của Euro đối với USD cũng chỉ có lợi mà không có hại. Cho nên, cùng với việc tấn công đồng Euro, những quỹ đầu tư vốn này và công cụ báo chí của họ đã cố tình thổi phồng tính nghiêm trọng của vấn đề nợ công ở châu Âu.

Sự phóng đại quá mức này không chỉ gây ra tâm lý hoang mang trên thị trường, khiến nhà đầu tư sợ hãi, bán tháo Euro trong tay, mà còn tạo ra những điều kiện cần thiết giúp những quỹ này kiếm lời trong các hoạt động đầu tư trên thị trường vốn quốc tế, gia tăng lực thúc đẩy đồng Euro suy sụp.

Ông Thang cho rằng, kinh tế Trung Quốc những năm gần đây tăng trưởng rất nhanh, GDP đã vượt qua Canada, Italy, Pháp, Anh, Đức. Việc kinh tế Trung Quốc sẽ vượt qua Nhật Bản, đã không còn là chuyện quá xa vời.

Trong số các bạn hàng của Trung Quốc, EU từ lâu đã là một đối tác quan trọng. Xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc sang châu Âu chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu của Trung Quốc.

Phần lớn các doanh nghiệp Trung Quốc khi xuất khẩu hàng hóa thường lấy công làm lãi, mức lợi nhuận thu được chỉ khoảng 10%, thậm chí là thấp hơn. Do đó, nếu Euro giảm giá trên 20% so với USD, lợi nhuận của các hãng xuất khẩu Trung Quốc sẽ bị tác động nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tới sự sống còn của những doanh nghiệp này.

Theo ông Thang, có thể nói, khủng hoảng nợ châu Âu là một âm mưu nhằm giết chết đồng Euro. Có thể thấy rõ điều đó từ việc Goldman Sachs bắt đầu giúp chính phủ và các lãnh đạo ngành tài chính Hy Lạp đưa ra mô hình phát hành trái phiếu thế chấp bằng Euro.

Goldman Sachs đã đẩy Hy Lạp vào vòng xoáy nợ công, cố tình che giấu chân tướng vụ việc trước các cơ quan quản lý tài chính của EU trong suốt một thời gian dài, tạo nên khủng hoảng nợ công, từ đó không thể không cầu cứu sự giúp đỡ từ nguồn lực bên ngoài.

Đồng thời, các tập đoàn tài chính Mỹ đã lợi dụng cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp, một mặt thông qua các công cụ truyền thông trong tay họ phóng đại tính nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu.

Mặt khác, họ sử dụng các tổ chức xếp hạng tín dụng nổi tiếng thế giới hạ bậc tín dụng nợ của những quốc gia này, làm trầm trọng hơn nguy cơ sụp đổ tín dụng quốc tế, cố hình thành nên một cuộc khủng hoảng tài chính châu Âu mới, thậm chí dẫn tới sự sụp đổ của Euro.

Nếu so sánh tình hình nợ nần của 5 quốc gia Nam Âu trên phạm vi thế giới, rõ ràng là mức độ của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu tương đối nhẹ. Nghiêm trọng nhất là Hy Lạp, nhưng nếu so sánh với mức độ thâm hụt ngân sách và tỷ lệ nợ của Nhật Bản, Mỹ, thì chả thấm vào đâu.

Lượng phát hành trái phiếu chính phủ của Mỹ đã vượt mốc 1.300 tỷ USD, chiếm hơn 90% GDP. Trong khi con số này của Nhật Bản là 229%, hiện Nhật là quốc gia có mức nợ công ở ngưỡng nguy hiểm nhất thế giới, gần gấp đôi so với tỷ lệ 120% của Hy Lạp.

Tuy nhiên, Standard & Poor’s, Moody’s và Fitch, 3 cơ quan xếp hạng tín dụng nợ danh tiếng thế giới, trước nay chưa hề đưa ra bất cứ cảnh báo nào với thế giới về vấn đề nợ nần và thâm hụt ngân sách của Mỹ, Nhật Bản, mà chỉ nhằm vào các quốc gia châu Âu. Bởi lẽ, theo ông Thang, cơ quan xếp hạng tín dụng chuyên môn có vị thế cao nhất trong 3 tổ chức này, đều chịu sự khống chế bởi các tập đoàn vốn lớn của Mỹ.

Tuy nhiên, nói gì thì nói, châu Âu vẫn là khu vực có chủ nghĩa tư bản lâu đời, thị trường vốn phát triển, khả năng ngăn chặn rủi ro tài chính tốt hơn Mỹ, trật tự tài chính chuẩn mực hơn, càng không có những sản phẩm tài chính khó khống chế có thể dẫn tới khủng hoảng tài chính quy mô lớn, nhiều như ở Mỹ.

Do đó, những rủi ro về tài chính của châu Âu hoàn toàn có thể khống chế được, khó có thể gây ra khủng hoảng tài chính tương tự như cơn sóng gió trên thị trường Phố Wall.

Các quốc gia nòng cốt của châu Âu đã nhận thức được tính quan trọng của việc cứu trợ các nước khu vực sử dụng đồng Euro đang trong vòng xoáy khủng hoảng nợ. EU đã đưa ra những biện pháp cụ thể mạnh mẽ. Do vậy, khó có khả năng khủng hoảng nợ châu Âu diễn biến thành một cuộc khủng hoảng tài chính quy mô lớn.