09:44 01/02/2019

Ăn ngon mà vẫn khỏe trong dịp Tết

Hoài Phương

Theo đánh giá của các chuyên gia dinh dưỡng, các món ăn ngày tết như bánh chưng, dưa muối, canh măng, giò, chả, bánh kẹo mứt… rất ngon nhưng lại không tốt cho sức khỏe.


Món ăn  đặc trưng nhất của ngày tết là bánh chưng, bánh tét – với nguyên liệu chủ yếu là gạo nếp, nhân đậu xanh, thịt mỡ - rất giàu năng lượng (trên 200Kcal/100g), nhiều chất béo bão hòa... Hơn nữa, bánh chưng của người Việt thường khá mặn nên có thể gây tăng tiết acid dịch vị. Do đó, người thừa cân, cao huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý dạ dày có tăng tiết dịch vị…. không nên dùng nhiều bánh chưng, bánh tét.Ăn kèm với bánh chưng, bánh tét là các loại hành kiệu muối. Nhưng, hành kiệu muối cung cấp chất xơ là chủ yếu, không có các vitamin thiết yếu, rất ít năng lượng và cũng chứa nhiều muối nên không phù hợp với người cần giảm muối trong khẩu phần như bệnh nhân cao huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch hoặc bệnh nhân suy thận. Ngoài ra, các loại hành, kiệu muối bán sẵn ngoài thị trường còn được "bổ sung thêm" các phụ gia có hại như các chất làm trắng, làm giòn, hàn the… trong quá trình chế biến.
Ăn ngon mà vẫn khỏe trong dịp Tết - Ảnh 1.

Ảnh: internet

Món thịt thông dụng nhất trong những ngày Tết là thịt lợn. Người miền Nam có nồi thịt rọi kho trứng ăn kèm với dưa giá và nấu một nồi canh khổ qua dồn thịt heo. Người miền Bắc thì lại hay nấu thịt đông, hoặc làm món chân giò ninh măng. Những món ăn này là sự kết hợp khéo léo giữa các chất đạm, chất béo trong thịt và các thành phần chất xơ, vi chất trong các loại rau. Tuy nhiên, các món ăn này đều khá nhiều chất béo bão hòa không tốt cho tim mạch. Vì vậy chỉ nên dùng với một số lượng hạn chế khoảng 100g mỗi ngày, ít hơn nữa nếu các bệnh lý cao huyết áp, tim mạch vẫn chưa được điều trị ổn định.Các loại giò chả cũng được nhiều người yêu thích trong ngày Tết. Các loại giò này cung cấp chủ yếu chất đạm cho bữa ăn, riêng với giò thủ thì thành phần chất béo cao hơn, chủ yếu là acid béo no bão hòa nên cũng tránh dùng cho những người có vấn đề về huyết áp, tim mạch và các bệnh lý chuyển hóa mỡ. Các loại thức ăn khô khác như lạp xưởng, bò khô, cá khô… thường mặn, có một số thì quá béo (như lạp xưởng) nên cũng không tốt cho những người cần kiêng muối và kiêng mỡ.
Thành phần dinh dưỡng của các loại bánh mứt kẹo là bột, đường và có thể có một lượng chất xơ không đáng kể. Hàm lượng đường cao này đương nhiên là không cho phép ở những bệnh nhân đái tháo đường hay người thừa cân, béo phì, nhưng cũng không mấy tốt cho những người bình thường thậm chí cả người suy dinh dưỡng, vì cung cấp một lượng năng lượng rỗng, làm tăng đường huyết dẫn đến chán ăn và làm mất cân đối khẩu phần ăn.
Ăn ngon mà vẫn khỏe trong dịp Tết - Ảnh 2.

Ảnh: internet

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, các món ăn ngày tết thường dư thừa chất đạm, lại được chế biến cầu kỳ, hấp dẫn nên dễ khiến chúng ta ăn ngon miệng hơn và nhiều hơn. Để cân bằng, chúng ta có thể tăng cường ăn trái cây và rau xanh. Món nộm ở miền Bắc và khổ qua dồn thịt ở  miền Nam là những món ăn có lợi cho người cao huyết áp. Những món ăn như chè hạt sen, trà tâm sen có tác dụng an thần, cũng có lợi cho sức khỏe người cao huyết áp.Ngoài ra, khi uống nước nên ước lượng theo nhu cầu – cảm giác khát. Không nên uống nhiều trong một lúc mà nên uống thành nhiều lần. Sau khi uống rượu, gan của bạn phải chịu đựng chất độc có trong rượu, hàng triệu gốc tự do được hình thành. Lúc này, các loại nước trái cây cung cấp thêm kali, đường tự nhiên giúp tăng lượng đường cần thiết mà cơ thể bị thiếu hụt khi say rượu. Ngoài ra, khi có cảm giác khó chịu vì uống quá chén, hãy uống nước bông atisô đã nấu chín và hãm như trà hoặc các loại trà atisô đóng gói, sẽ giải rượu hiệu quả.