11:55 19/05/2010

An toàn thực phẩm: Bộ nào “trang trại”, bộ nào “bàn ăn”?

Nguyên Bình

Làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan quản lý Nhà nước khi xây dựng dự Luật An toàn thực phẩm

Làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm là một yêu cầu được nhấn mạnh khi xây dựng dự Luật An toàn thực phẩm.
Làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm là một yêu cầu được nhấn mạnh khi xây dựng dự Luật An toàn thực phẩm.
An toàn thực phẩm là một trong 10 dự án luật sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ bảy khai mạc sáng mai (20/5), cũng là vấn đề nóng bỏng trên nghị trường, tại nhiều kỳ họp.

Vốn đã quá lo trước tình trạng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng gia tăng, các vị đại biểu của dân càng quan ngại hơn khi nghe Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời chất vấn trước Quốc hội, rằng “từ trang trại đến bàn ăn phải qua năm bộ, Bộ Y tế chỉ quản lý từ bếp ăn lên miệng người tiêu dùng thôi”.

Tại kỳ họp Quốc hội thứ năm, khi thảo luận về quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm có vị đại biểu Quốc hội đã ví việc có tới 5 bộ chịu trách nhiệm chính như vậy cũng giống như “nhiều sãi không ai đóng cửa chùa”.

Bởi thế, làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm là một yêu cầu được nhấn mạnh khi xây dựng dự Luật An toàn thực phẩm.

Thảo luận về dự luật này tại kỳ họp thứ sáu, rất nhiều vị đại biểu cảm thấy băn khoăn. Khi dự luật mới chỉ quy định, Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm và chịu trách nhiệm về an toàn của sản phẩm thực phẩm đối với sức khỏe nhân dân.

Các bộ trưởng bộ quản lý chuyên ngành thực hiện các nhiệm vụ quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm theo sự phân công của Chính phủ, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mình theo các quy định của pháp luật...

Nhiều ý kiến đề nghị cần phải ghi rõ trong dự luật bộ nào làm gì, chịu trách nhiệm đến đâu để tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp này đã phân công rõ trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương trong quản lý đối với một số loại thực phẩm cụ thể, Văn phòng Quốc hội cho biết.

Cụ thể, Bộ Y tế chịu trách nhiệm quy định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, nước uống, nước khoáng thiên nhiên, thực phẩm chức năng và các thực phẩm khác theo quy định của Chính phủ.

Thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với quá trình sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu đối với các sản phẩm thuộc phạm vi quản lý nêu trên cũng thuộc trách nhiệm của bộ này.

Trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là: xây dựng, ban hành hoặc trình Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.

Bộ này cũng có trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất ban đầu nông, lâm, thủy sản, muối; quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, thu gom, giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với ngũ cốc, thịt và các sản phẩm từ thịt, thủy sản và sản phẩm thủy sản, rau, củ, hoa, quả và sản phẩm rau, củ, hoa, quả, trứng và các sản phẩm từ trứng, mật ong và các sản phẩm từ mật ong, thực phẩm biến đổi gen, muối và các thực phẩm khác theo quy định của Chính phủ.

Thanh tra, kiểm tra toàn bộ quá trình sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm đối với lĩnh vực được phân công quản lý cũng là trách nhiệm của bộ.

Trách nhiệm của  Bộ Công Thương, theo dự luật là xây dựng, ban hành hoặc trình Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, văn bản quy phạm pháp luật đối với ngành công nghiệp thực phẩm để bảo đảm sản xuất ra các thực phẩm an toàn thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.

Ban hành chính sách, quy hoạch về chợ, siêu thị, quy định điều kiện kinh doanh thực phẩm tại các chợ, siêu thị. Chủ trì việc phòng chống thực phẩm giả, gian dối thương mại trong lưu thông, kinh doanh thực phẩm.

Bộ Công Thương còn có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thanh tra an toàn thực phẩm đối với lĩnh vực được phân công quản lý. Kiểm tra an toàn thực phẩm đối với thực phẩm lưu thông trên thị trường.   
 
Dự luật cũng đưa ra quy định, căn cứ vào yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, Chính phủ quy định cụ thể trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực chưa được quy định tại dự luật.

Theo nghị trình dự kiến của kỳ họp thứ bảy, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự Luật An toàn thực phẩm sẽ được Quốc hội thảo luận ở hội trường vào chiều 1/6 và thông qua vào cuối kỳ họp.