19:47 01/06/2010

An toàn thực phẩm: “Nhạc trưởng" kiêm thổi kèn và kéo violon?

Nguyên Bình

Vần còn nhiều ý kiến khác nhau về phân công trách nhiệm của các bộ trong quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm

Các đại biểu nữ hăng hái thảo luận về dự án Luật An toàn vệ sinh thực phẩm - Ảnh:TTXVN.
Các đại biểu nữ hăng hái thảo luận về dự án Luật An toàn vệ sinh thực phẩm - Ảnh:TTXVN.
Sáng 1/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật An toàn vệ sinh thực phẩm, với phần lớn trong 24 ý kiến phát biểu là của nữ đại biểu.

Phân công trách nhiệm của các bộ trong quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm là nội dung đã được thảo luận nhiều từ kỳ họp trước và đã được Ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý. Tuy nhiên đây vẫn là nội dung khiến nhiều vị đại biểu băn khoăn.

Các đại biểu Lê Thị Nguyệt, Nguyễn Thị Bạch Mai và nhiều vị khác đều bày tỏ nhất trí với điểm mới của dự luật là đã làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành chức năng có liên quan trong quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm. Trong đó có “nhạc trưởng” là Bộ Y tế.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết “băn khoăn rất lớn” vì quy định như thế trách nhiệm quản lý chưa rõ ràng, khó khắc phục được tình trạng như hiện nay.

Bởi bộ Y tế làm "nhạc trưởng" nhưng ông "nhạc trưởng" này phải nhận thêm trách nhiệm "kéo violon" và thổi kèn thì không thể làm được. Vì đã chủ trì rồi nhưng phải quản lý toàn bộ những sản phẩm trên thị trường mà đáng lẽ thuộc Bộ Công Thương phải quản lý.

Theo đại biểu Thuyết, Bộ Y tế nên thay mặt Chính phủ quản lý một cách thống nhất, còn các bộ, các địa phương quản lý trong phạm vi ngành của mình. “Bộ Y tế chỉ đi kiểm tra, và kiểm tra đến ngành nào, địa phương nào có chuyện thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin bộ ấy và địa phương ấy cái ghế, như thế mới được”.

“Muốn quản lý tốt thì phải gắn với trách nhiệm. Bộ, ngành nào, địa phương nào để xảy ra những vụ mất an toàn thực phẩm nghiêm trọng phải xử lý người đứng đầu thì người đứng đầu mới lo củng cố bộ máy cho mình, lo công việc của mình, đôn đốc các cấp của mình để mà làm’, Ông Thuyết đề nghị.

Đại biểu Lê Thị Nguyệt đề nghị cần quy định cụ thể hơn trách nhiệm của ủy ban nhân dân các cấp và có quy định trách nhiệm của ngành công an, Bộ Khoa học và Công nghệ đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Còn theo đại biểu Hồ Thị Thu Hằng, dự thảo luật giao cho các bộ, ngành quản lý từng khâu cũng sẽ khó thống nhất.

Điều kiện đảm bảo an toàn đối với thức ăn đường phố cũng là nội dung được tập trung thảo luận. Theo đại biểu Huỳnh Phước Long thì dự thảo luật chưa bao quát đối với các loại thức ăn đường phố đang diễn ra hiện nay.

Đại biểu Vi Thị Tuyết đề nghị dự luật nên mở rộng phạm vi, vì còn nhiều trường hợp khác cần đưa vào luật như thức ăn trong các nhà trường, khách sạn,  thức ăn của công nhân, nhà trẻ...

Nếu chỉ quy định như trong dự thảo luật thì quá hẹp, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng khi thanh tra, kiểm tra, đại biểu Tuyết nói.

Cuối phiên thảo luận, được mời phát biểu song Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu “không có ý kiến gì trao đổi lại một cách cụ thể” mà xin tiếp thu và chỉnh sửa để Quốc hội biểu quyết vào cuối kỳ họp này.