10:02 31/07/2008

Ấn tượng nội dung số

Ái Vân

2007 là năm phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp nội dung số tại Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng trên 55%

Năm 2007 là năm phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp nội dung số, với tốc độ tăng trưởng trên 55%.
Năm 2007 là năm phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp nội dung số, với tốc độ tăng trưởng trên 55%.
2007 là năm phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp nội dung số tại Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng trên 55%.

Doanh thu của toàn ngành đạt 182 triệu USD. Đến nay, có 4 trong 8 lĩnh vực của ngành nội dung số đang có phạm vi và sức hoạt động vượt trội gồm lĩnh vực nội dung số cho mạng di động, trò chơi điện tử, quảng cáo, nội dung cho Internet và thương mại điện tử.

Tại cuộc hội thảo về công nghệ thông tin tổ chức tại Tp.HCM mới đây, Vụ phó Vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), ông Nguyễn Trọng Đường, nhấn mạnh rằng sự hoàn thiện về hành lang pháp lý sẽ tạo điều kiện cho ngành công nghiệp nội dung số của Việt Nam phát triển mạnh và nhanh hơn nữa.

Đến hết năm 2007, các lĩnh vực đều có mức doanh thu tăng mạnh, tăng gấp đôi so với doanh thu của thời điểm hai năm trước đó.

Lĩnh vực nội dung cho mạng điện thoại đang dẫn đầu (53,6 triệu USD) tăng 59% so với 2006, chiếm 29% thị phần của ngành; tiếp đó đến trò chơi điện tử (45 triệu USD) tăng 62%, chiếm 25% thị phần; quảng cáo và nội dung trên Internet đạt 43,4 triệu USD, chiếm thị phần 24%; doanh thu của lĩnh vực thương mại điện tử là 28 triệu USD, chiếm 15% thị phần ngành; thị phần còn lại chia đều cho các lĩnh vực khác như dịch vụ kho dữ liệu số, học tập điện tử, phim số, y tế điện tử.

Sự lớn mạnh còn thể hiện qua sự tăng trưởng về nguồn lao động. Năm 2007, nguồn nhân lực của ngành công nghiệp nội dung số đã tăng trưởng thêm 26%, số lượng lao động đang hoạt động trong ngành là 32.000 người.

So với năm 2006, nguồn lao động của lĩnh vực nội dung di động đã tăng thêm 42%; lĩnh vực trò chơi điện tử tăng 48%; dịch vụ quảng cáo và nội dung trên Internet tăng 22%, đây còn là lĩnh vực chiếm số đông lượng lao động của toàn ngành với 210 doanh nghiệp tạo việc làm cho 10.600 lao động; lao động trong lĩnh vực thương mại điện tử cũng đã tăng 19% so với 2006.

Mảng nội dung di động cũng đang dẫn đầu về số lượng đơn vị có khoảng 100 công ty, thu hút cả các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tham gia và tạo việc là cho 6.400 lao động.

Đối với lĩnh vực trò chơi điện tử, hiện đang có khoảng gần 50 công ty tham gia với 4.100 lao động. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này có quy mô lớn và ngày càng chuyên nghiệp hóa. Một số doanh nghiệp đang hướng đến mục tiêu phát triển sản phẩm game với các đơn vị có thị phần lớn như Vinagame, VTC, Saigontel, VDC, Thế giới ảo...

Lĩnh vực thương mại điện tử đang có 100 doanh nghiệp với 6.900 lao động. Các dịch vụ chính đang triển khai gồm thanh toán qua mạng, chứng thực điện tử, bảo lãnh đơn hàng, kinh doanh trực tuyến và mua bán qua mạng.

Các lĩnh vực mới của ngành nội dung số cũng đang hình thành. Giáo dục điện tử chuyên về cung cấp tài liệu học tập, tư vấn giáo dục và đào tạo trực tuyến dù mới hình thành nhưng cũng đã có đến 80 công ty hoạt động thu hút gần 7.500 lao động, doanh thu 2007 là 6 triệu USD. Tiếp đó, lĩnh vực y tế điện tử cũng đã có 20 doanh nghiệp tham gia với 800 lao động. Còn cơ sở dữ liệu có 53 đơn vị đang hoạt động.

Vừa qua, Vụ Công nghệ thông tin đã làm một cuộc khảo sát trên 500 người tiêu dùng tại Hà Nội về nhu cầu sử dụng các dịch vụ nội dung số. Trong đó có 85% có sử dụng điện thọai di động và 70% có sử dụng các dịch vụ cung cấp trên điện thoại di động là tải nhạc chuông, hình ảnh, logo, video, trò chơi trên mạng, nhắn tin trúng thưởng.

Đối với Internet, các hoạt động như email, nhắn tin, tìm kiếm thông tin, xem tin tức, upload và download dữ liệu. Trò chơi điện tử trên máy tính vẫn được nhiều người chơi nhất, chiếm 58%.

Như kết quả khảo sát các dịch vụ đa phương tiện số trên Internet, hầu hết mọi người mới chỉ sử dụng để nghe nhạc (chiếm 45%) và xem phim. Dịch vụ giáo dục điện tử vẫn còn là điều mới mẻ với mọi người mới dừng lại ở tải tài liệu giáo trình, học ngoại ngữ và tư vấn du học, chỉ có 26,5%/100 người được khảo sát là có sử dụng các dịch vụ này.

Hiện nay, các dịch vụ tiện ích trên điện thoại di động đang là lĩnh vực được mọi người sử dụng thường xuyên nhất đến 45% và 60% người lên Internet hàng ngày. Xu hướng sử dụng các các dịch vụ tính phí ngày càng tăng lên, trong 291 người được khảo sát có đến 274 người (chiếm 94%) sử dụng dịch vụ trả phí.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các điều kiện làm hạn chế sự phát triển của ngành công nghiệp nội dung số hiện nay chính là chất  lượng hạ tầng mạng thông tin còn yếu kém, tình trạng nghẽn mạch, tốc độ truyền  chậm trên mạng di động và Internet.

Hạ tầng băng thông rộng phát triển chưa đủ mạnh; các dịch vụ trên mạng di động còn bị tác động từ giá cả thuê  kênh truyền dẫn và phí dịch vụ; đặc biệt vấn đề bảo đảm tính bảo mật thông  tin vẫn đang là thách thức của ngành công nghiệp nội dung số Việt Nam  hiện nay.