12:11 20/07/2023

Áp lực rút vốn khỏi ETF tại Việt Nam cao nhất Đông Nam Á

Thu Minh

Lực cầu trên các quỹ ETFs chủ đạo tại Việt Nam bắt đầu chậm lại sau khi đạt đỉnh vào Q4/22. Trong Q2/23, Việt Nam bị rút vốn mạnh, ghi nhận ở mức 42 triệu USD, cao nhất kể từ Q1/2020 và kết thúc giai đoạn hút vốn trong 5 quý liền kề trước đó.

Áp lực rút vốn khỏi ETF tại Việt Nam cao nhất Đông Nam Á.
Áp lực rút vốn khỏi ETF tại Việt Nam cao nhất Đông Nam Á.

Trong báo cáo cập nhật dòng vốn ETF 6 tháng đầu năm 2023, Chứng khoán KIS cho thấy lực cầu ngoại bắt đầu chững lại.

Trong quý 2/2023, lực cầu ngoại tiếp tục giảm trong khi áp lực bán vẫn duy trì quanh mức trung bình 1 năm. Giá trị mua ghi nhận 6,5 nghìn tỷ, thấp hơn mức trung bình năm 35% sau khi đạt đỉnh vào Q4/22. Giá trị bán ròng ghi nhận ở mức 5 nghìn tỷ đồng.

Trong 6T23, giá trị mua từ khối ngoại đạt 145 nghìn tỷ, giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, áp lực bán cũng giảm 40%. Điều này chứng tỏ hoạt động giao dịch từ khối ngoại đang bắt đầu giảm trong thời gian gần đây.

Về nhóm ngành, trong Q2/23, lực cầu ngoại tập trung trên Nguyên vật liệu và Công nghiệp với giá trị mua ròng lần lượt là 1,9 nghìn tỷ đồng và 0,8 nghìn tỷ đồng.

Áp lực rút vốn tại Việt Nam ghi nhận cao nhất trong Đông Nam Á. Lực cầu trên các quỹ ETFs chủ đạo tại Việt Nam bắt đầu chậm lại sau khi đạt đỉnh vào Q4/22. Trong Q2/23, Việt Nam bị rút vốn mạnh, ghi nhận ở mức 42 triệu USD, cao nhất kể từ Q1/2020 và kết thúc giai đoạn hút vốn trong 5 quý liền kề trước đó.

Đáng chú ý, trong Đông Nam Á, Việt Nam bị rút vốn mạnh nhất, tiếp đến là Thái Lan (39 triệu USD) và Philippines (15 triệu USD). Tuy nhiên, hoạt động rút vốn trên Đông Nam Á đã hoàn toàn biến mất khi lực cầu tăng mạnh trên các ETFs chủ đạo tại Indonesia và Malaysia.

Áp lực rút vốn khỏi ETF tại Việt Nam cao nhất Đông Nam Á - Ảnh 1

Phần lớn các quỹ ETFs tại Việt Nam bị rút vốn. Việt Nam ghi nhận hoạt động rút vốn kể từ Q1/22. Cụ thể, hơn 35% các quỹ ETFs bị rút vốn và áp lực rút vốn ở mức cao trên VFMVN30 ETF (27,5 triệu USD) và VanEck Vietnam (18,1 triệu USD). Mặc dù trên 30% các quỹ ETFs nhận được lực cầu nhưng hoạt động mua ghi nhận ở mức thấp và không đáng kể.

Lực cầu trên các ETFs nước ngoài dẫn dắt dòng vốn tại Việt Nam trong nửa đầu năm. Mặc dù Việt Nam bị rút vốn trong Q2/23, các ETFs chủ đạo vẫn thu hút dòng vốn ở mức cao trong nửa đầu năm.

Trong 6T23, 70% ETFs tại Việt Nam thu hút dòng vốn. Tuy nhiên, lực cầu trên các quỹ ETFs ngoại chiếm hơn 90% giá trị mua ròng. Mặc dù lực cầu duy trì ở mức cao trong giai đoạn này, hoạt động hút vốn đã bắt đầu giảm từ Q4/22 và hoạt động rút vốn trong Q2/23 là tín hiệu đầu tiên cho sự chững lại của lực cầu trên các ETFs chủ đạo tại Việt Nam. Trong trường hợp này, hoạt động hút vốn sẽ tiếp tục giảm trong các quý tiếp theo và áp lực rút vốn tại Việt Nam có thể tăng trở lại.