10:42 10/09/2007

APEC hướng tới tương lai bền vững

Trung Việt

Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 15 (APEC 15) vừa diễn ra tại Sydney

APEC 15 được dư luận chú ý vì nhóm họp trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực chuyển biến nhanh và phức tạp.
APEC 15 được dư luận chú ý vì nhóm họp trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực chuyển biến nhanh và phức tạp.
Thay đổi khí hậu và phát triển sạch; ủng hộ Hệ thống thương mại đa biên và WTO; thành lập Khu vực mậu dịch tự do FTAAP; cải cách APEC... là những vấn đề lớn được bàn thảo tại APEC 15.

Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 15 (APEC 15) đã diễn ra tại Sydney (Australia) trong các ngày 8 và 9/9/2007.

Ngoài những vấn đề nêu trên, Hội nghị cấp cao APEC 15 đã tập trung vào một loạt nội dung đang được quan tâm như: kết nạp thành viên mới, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; cải cách cơ cấu kinh tế và các rào cản thương mại sau biên giới; các vấn đề về chống khủng bố, an ninh y tế, đối phó với tình trạng khẩn cấp, chống tham nhũng...

Nội dung APEC 15 thể hiện nỗ lực mới của 21 nền kinh tế thành viên, phát huy thành tựu đã thu được, cùng nhau tìm biện pháp củng cố cộng đồng, xây dựng một tương lai bền vững.

Trước phiên họp cấp cao, ngày 6/9, các bộ trưởng Thương mại, Ngoại giao APEC đã rà soát những kết quả đạt được trong tất cả các lĩnh vực hợp tác của APEC từ sau Hội nghị cấp cao APEC 14 năm 2006 tại Hà Nội và đề ra phương hướng cho năm 2008 và những năm tiếp theo.

Về kinh tế, các bộ trưởng thông qua 3 điều khoản mẫu về thương mại điện tử, quy chế xuất xứ và vệ sinh kiểm dịch, làm cơ sở tham vấn cho các thành viên trong quá trình đàm phán các Hiệp định thương mại tự do song phương và khu vực (FTA/RTA), Kế hoạch hành động thuận lợi hóa thương mại giai đoạn 2 (TFAP 2) với mục tiêu giảm 5% chi phí giao dịch thương mại đến năm 2010 và một số sáng kiến về tăng cường thực thi quyền sở hữu trí tuệ...

Đối với vấn đề nối lại vòng đàm phán về tự do hóa thương mại toàn cầu, Hội nghị APEC 15 đã khuyến nghị các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị cấp cao APEC ra tuyên bố kêu gọi 151 nền kinh tế thành viên Tổ chức thương mại thế giới (WTO) tiến hành giai đoạn cuối của vòng đàm phán Doha trong năm nay.

Đối với vấn đề biến đổi khí hậu, giữa các nước APEC đã nảy sinh nhiều bất đồng. Tại Hội nghị, nước chủ nhà Australia đề xuất một kế hoạch thiết lập cơ sở cho một khuôn khổ quốc tế giải quyết vấn đề khí hậu trái đất ấm dần. Kế hoạch này, được Mỹ ủng hộ, mang tính tổng quát hơn với các mục tiêu dài hạn về giảm khí thải, khác hoàn toàn với Nghị định thư Kyoto đặt mục tiêu giảm khí thải cụ thể.

Tuy nhiên, Trung Quốc và một số nền kinh tế thành viên nghi ngờ kế hoạch của Australia có thể buộc họ phải chấp nhận các mục tiêu về cắt giảm khí thải. Trong khi đó, tại hội nghị cấp bộ trưởng APEC ngày 6/9, New Zealand cũng đã phản đối đề xuất của Mỹ và Australia về việc tăng cường sử dụng năng lượng hạt nhân để đối phó với tình trạng trái đất ấm lên. New Zealand muốn các nước đề ra các mục tiêu cụ thể trong việc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, trong khi Australia muốn 21 thành viên APEC cam kết thực hiện các mục tiêu tổng quát hơn.

Về vấn đề chống tham nhũng, các bộ trưởng ngoại giao và thương mại APEC đã thông qua các quy tắc về chống tham nhũng trong giới quan chức và giới doanh nghiệp. Các bộ trưởng APEC kêu gọi đẩy mạnh hơn nữa sự minh bạch hoá các hoạt động giao dịch của Chính phủ và khu vực tư nhân nhằm hạn chế cơ hội cho các quan chức nhận hối lộ, đồng thời kêu gọi các quan chức không lợi dụng chức vụ để nhận quà cáp hoặc tham ô của công.

Đối với giới doanh nghiệp, các bộ trưởng đưa ra những nguyên tắc chỉ đạo, chủ yếu nhằm để ngăn chặn việc đưa hối lộ, trong đó có điều khoản kêu gọi các công ty không sử dụng các hoạt động từ thiện như một hình thức hối lộ trá hình. Các bộ trưởng cũng kêu gọi sự hợp tác quốc tế về pháp lý nhằm cho phép thực hiện nhanh chóng hơn việc dẫn độ các nghi phạm tham nhũng và thu hồi các khoản tiền tham nhũng.

Theo các hãng tin nước ngoài, APEC trì hoãn việc kết nạp thành viên mới, bởi tổ chức này không muốn việc mở rộng làm chậm động lực hướng tới "hội nhập khu vực và các nền kinh tế mở". Quyết định trên của các nhà lãnh đạo APEC khiến nguyện vọng xin gia nhập APEC của các nước và vùng lãnh thổ như Ấn Độ, Ma Cao (Trung Quốc), Mông Cổ, Pakistan, Panama, Sri Lanka, Lào... tạm thời chưa được đáp ứng.

APEC 15 được dư luận chú ý vì nhóm họp trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực chuyển biến nhanh và phức tạp; kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục giữ vai trò đầu tàu về tốc độ tăng trưởng. Tuy nhiên, thời gian gần đây APEC đối mặt không ít khó khăn, trong nội bộ các nước APEC còn không ít bất đồng.