17:15 01/04/2022

Apple cân nhắc mua chip nhớ Trung Quốc, có thể dùng cho iPhone SE và iPhone 14

Đức Anh

Việc sử dụng chip nhớ Trung Quốc không chỉ giúp Apple cạnh tranh về giá mà còn "ghi điểm" với nhà chức trách tại thị trường di động thông minh lớn nhất thế giới...

Apple cho là có thể sử dụng chip nhớ của nhà cung cấp Trung Quốc cho iPhone SE và iPhone 14 sắp ra mắt - Ảnh: Getty Images
Apple cho là có thể sử dụng chip nhớ của nhà cung cấp Trung Quốc cho iPhone SE và iPhone 14 sắp ra mắt - Ảnh: Getty Images

Theo nguồn tin của Bloomberg, hãng công nghệ Apple đang tìm kiếm các nguồn cung chip nhớ mới cho điện thoại thông minh iPhone của mình, trong đó cân nhắc hợp tác với nhà cung cấp Trung Quốc đầu tiên.

Động thái của Apple diễn ra sau khi gặp phải gián đoạn nguồn cung từ một đối tác quan trọng của Nhật, gây rủi ro cho chuỗi cung ứng toàn cầu của "gã khổng lồ" Mỹ.

Hiện tại, các nhà cung cấp chip nhớ của Apple chỉ còn Micron của Mỹ và Samsung Electronics, SK Hynix của Hàn Quốc, sau khi nhà cung cấp Nhật Bản Kioxia Holdings Corp. gặp sự cố nguyên liệu bị nhiễm bẩn hồi tháng 2.

Theo nguồn tin, dù Samsung hay công ty đồng hương SK Hynix – hai nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu thế giới – có khả năng bù đắp khoảng trống mà Kioxia để lại, Apple vẫn muốn đa dạng hóa mạng lưới nguồn cung của mình và phòng ngừa rủi ro gián đoạn do đại dịch và các vấn đề trong khâu vận chuyển.

“Nhà sản xuất iPhone đang thử chip nhớ NAND mẫu của công ty Yangtze Memory Technologies Co., có trụ sở tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc”, nguồn tin giấu tên cho hay. “Apple đã thảo luận về việc hợp tác với Yangtze, thuộc sở hữu của nhà sản xuất chip Tsinghua Unigroup Co., trong nhiều tháng nhưng chưa đưa ra quyết định cuối cùng”.

Nếu Apple ký hợp đồng với Yangtze, đây sẽ là một dấu mốc cho tham vọng xây dựng ngành công nghiệp chip nội địa của Bắc Kinh để cạnh tranh với Mỹ.

Đối với các nhà sản xuất chip muốn vươn lên quy mô toàn quốc, chip nhớ thường là lựa chọn hàng đầu. So với các loại chip cao cấp đòi hỏi thiết kế phức tạp và hàm lượng công nghệ cao, chip nhớ thường chủ yếu đòi hỏi năng lực sản xuất, nhưng việc này cũng cần đầu tư lớn để duy trì.

Việc hợp tác với Yangtze được cho là có thể khiến Apple vấp phải chỉ trích tại quê nhà trong bối cảnh quan hệ Washington và Bắc Kinh đang căng thẳng do sự bất đồng liên quan tới lập trường của Trung Quốc trong vấn cuộc xung đột ở Ukraine. Bên cạnh đó, cạnh tranh của Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cũng đang ngày càng căng thẳng.

 

"Chip nhớ của Yangtze có thể chiếm khoảng 5% chip nhớ của iPhone SE và 3-5% chip nhớ của iPhone 14 sắp ra mắt. Apple sẽ sử dụng chip nhớ của công ty này bởi giá cả cạnh tranh".

Nhà phân tích Jeff Pu,  Haitong International Securities

Ra đời sau thương vụ sáp nhật với một nhà máy chip thuộc sở hữu của Chính phủ vào năm 2016, Yangtze Memory được xem là một trong những thành quả nổi bật của Trung Quốc trong việc thiết kế và phát triển chip nhớ 3D NAND nội địa – loại chip được sử dụng rộng rãi để lưu dữ liệu trong điện thoại thông minh, laptop, máy chủ và nhiều thiết bị, phương tiện tương lai như xe điện. Bắc Kinh cũng xem chip là một trong những “nút thắt cổ chai” có thể đe dọa nền kinh tế bởi sự phụ thuộc vào nhập khẩu để phục vụ nhu cầu linh kiện quan trọng này.

Tuy nhiên, nguồn tin của Bloomberg nói rằng việc dùng thử sản phẩm mẫu và thảo luận không đồng nghĩa với việc Apple sẽ ký hợp đồng cung ứng với Yangtze. Hiện chưa rõ nhà sản xuất Trng Quốc có thể thuyết phục được công ty Mỹ về độ tin cậy của sản phẩm của mình hay không.

“Công nghệ của Yangtze Memory đang đi sau các công ty khác và đây có thể là một lựa chọn dự phòng của Apple, sau các nhà cung cấp chính như Hynix hay Samsung”, nguồn tin nói. “Kể cả khi Apple công nhận Yangtze đủ điều kiện, công ty này sẽ cần phải đánh giá độ tin cậy về sản lượng cũng như chất lượng”.

Trước đây, BOE Technology Group Co., một nhà cung cấp nổi tiếng của Apple tại Trung Quốc, cũng phải mất nhiều năm để đạt được sản lượng màn hình iPhone để đáp ứng yêu cầu của Apple.

Nguồn tin cũng cho biết Apple có thể sử dụng sản phẩm của Yangtze cho các thiết bị thấp cấp như iPhone SE.

Hai năm qua, tình trạng thiếu linh kiện và các vấn đề hậu cần do đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn tới các thương hiệu hàng điện tử tiêu dùng hàng đầu thế giới như Apple. Các hãng này buộc phải tính toán lại chuỗi cung ứng của mình.

Hồi tháng 2, Kioxia đã tạm dừng sản xuất tại hai nhà máy ở Nhật Bản do nguyên liệu bị nhiễm bẩn, càng cho thấy rủi ro khi quá phụ thuộc vào một vài nhà cung cấp. Theo Trendforce, sự cố của Kioxia có thể khiến giá chip nhớ tăng khoảng 5-10% trong quý 2/2022.

Theo các nhà phân tích, việc sử dụng chip nhớ của Yangtze có thể giúp iPhone cạnh tranh hơn về giá bởi hiện tại phần lớn iPhone được lắp ráp bởi công ty Foxconn và Pegatron tại Trung Quốc và nguồn cung chip ngay trong nội địa rõ ràng mang lại hiệu quả lớn về chi phí.

"Chip nhớ của Yangtze có thể chiếm khoảng 5% chip nhớ của iPhone SE và 3-5% chip nhớ của iPhone 14 sắp ra mắt. Apple sẽ sử dụng chip nhớ của công ty này bởi giá cả cạnh tranh", nhà phân tích Jeff Pu của Haitong International Securities, dự báo.

Bên cạnh đó, việc hợp tác với một công ty Trung Quốc như Yangtze có thể giúp Apple “ghi điểm” với nhà chức trách tại thị trường di động thông minh lớn nhất thế giới. Trung Quốc hiện là thị trường hàng đầu của Apple khi vừa là “đại bản doanh” sản xuất vừa là thị trường tiêu thụ iPhone lớn nhất.

Từ trước tới nay, việc sẵn sàng tuân thủ các quy định về kiểm duyệt của Bắc Kinh giúp Apple trở thành một trong những công ty Mỹ có lợi nhuận cao nhất tại Trung Quốc – thị trường mà nhiều đối thủ đồng hương như Google, Facebook đều không trụ được.