Apple đã ngoạn mục vượt qua khủng hoảng tài chính năm 2008, còn hiện nay?
Steve Jobs, khi đối mặt với cú sốc bong bóng dot-com và cuộc suy thoái kinh tế năm 2008, không cắt giảm nhân sự, cũng chẳng thắt chặt chi tiêu của Apple. Thay vào đó, ông đề xuất bơm mạnh vốn vào nghiên cứu, đặt cược tương lai Apple vào đổi mới và sáng tạo…

Kết quả là quyết định này đã giúp Apple bứt phá doanh thu chỉ hai năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nhờ ra mắt thành công chiếc iPad đầu tiên. Đến nay, những chiến lược và quyết định đầy bản lĩnh của cha đẻ Apple vẫn luôn là những bài học quý giá cho các nhà lãnh đạo.
CHỈ 9% DOANH NGHIỆP CÓ THỂ BỨT PHÁ SAU KHỦNG HOẢNG KINH TẾ
Năm 2008, khi kinh tế thế giới đang lao đao, Steve Jobs chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với Fortune rằng: "Tôi nói với cả công ty rằng chúng ta phải đầu tư để vượt qua thời kỳ khó khăn. Chúng ta sẽ không sa thải bất kỳ ai. Bởi vì chúng ta đã từng phải dày công tuyển chọn và đào tạo họ".
Sau đó, đi ngược với đám đông giữa thời kỳ kinh tế bất ổn, Apple tăng mạnh đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), với lý do đơn giản “Để chúng tôi có thể vượt lên trước các đối thủ khi thời kỳ suy thoái kết thúc”, cố CEO Apple từng chia sẻ.
Năm 2003, khi nhiều công ty vẫn còn loay hoay phục hồi sau cú sập của thị trường cổ phiếu công nghệ, Apple bất ngờ ra mắt iTunes – đặt nền móng cho một cuộc cách mạng âm nhạc số. Trong khi chỉ số Nasdaq 100 phải mất hơn 15 năm mới quay lại đỉnh cao thời kỳ dot-com, Apple đã ra mắt chiếc iPhone đầu tiên (năm 2007) và App Store (năm 2008) – hai sản phẩm đã thay đổi cả ngành công nghiệp di động.

Ngay cả trong thời điểm kinh tế toàn cầu lao đao năm 2008, Apple vẫn bán được hàng triệu chiếc điện thoại và máy tính. Và chỉ hai năm sau đó, hãng tiếp tục làm nên lịch sử khi ra mắt iPad, xác lập bước tiến lớn trong ngành công nghệ.
Theo một nghiên cứu của Harvard Business Review, chỉ khoảng 9% doanh nghiệp có thể bứt phá mạnh mẽ sau suy thoái kinh tế. Và điểm chung của nhóm ít ỏi này là dám đầu tư trong lúc khó khăn, thay vì co mình lại chờ đợi. Apple chính là một trong những ví dụ điển hình cho tư duy dám đi trước và đã hái quả ngọt.
“ĐỪNG CHỈ ĂN MỪNG KHI THUỶ TRIỀU LÊN, LUÔN CHUẨN BỊ CHO LÚC NƯỚC RÚT”
Apple thời điểm hiện nay một lần nữa đang đối mặt với giai đoạn đầy biến động nhất trong lịch sử công ty, từng mất hơn 600 tỷ USD vốn hoá thị trường sau đòn thuế mới của Tổng thống Donald Trump. Kể cả ngay sau thông tin Tổng thống Donald Trump tạm hoãn kế hoạch áp thuế mới, cổ phiếu Apple ghi nhận bật tăng mạnh nhất trong 30 năm qua, kể từ tháng 1/1998.
Thế nhưng, dù cổ phiếu tăng giá mạnh, có lẽ Apple vẫn chưa thể ăn mừng, bởi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc dường như mới chỉ bắt đầu.
Việc Tổng thống Trump không ngừng tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc là tín hiệu không mấy lạc quan đối với Apple, công ty vốn phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng tại Trung Quốc. Theo dữ liệu từ Wedbush, khoảng 90% iPhone, 75–80% iPad và hơn 50% máy Mac đang được sản xuất tại quốc gia này.
Các chuyên gia nhận định với mọi mức thuế mới đều đẩy trực tiếp sang người tiêu dùng. Điều này có thể dẫn đến một kịch bản đáng lo rằng iPhone 16 có thể bị đội giá lên hơn 2.000 USD – mức giá mà phần lớn người dùng khó có thể chấp nhận.

Một nhân vật khác cũng là ví dụ của một tư duy khác biệt là CEO của JPMorgan Chase, Jamie Dimon. Trong một buổi chia sẻ trên podcast How Leaders Lead, Jamie Dimon, đã kể lại một quyết định mang tính bước ngoặt trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Khi đó, cựu CEO của Bear Stearns, một trong những tên tuổi lớn của Phố Wall, đã đề nghị bán lại công ty cho JPMorgan với giá 30 tỷ USD.
JPMorgan đã chấp nhận thương vụ này, giúp ngăn chặn một sụp đổ tài chính nghiêm trọng hơn. Jamie Dimon chia sẻ rằng quyết định này được đưa ra nhanh chóng nhờ vào việc ông đã xây dựng một nền tảng tài chính vững mạnh ngay từ khi nhậm chức CEO vào cuối năm 2005, tập trung vào củng cố vốn, thanh khoản và quản lý lợi nhuận.
Làm việc không ngừng từ 5 giờ sáng đến 10 giờ tối, trong suốt khủng hoảng, Dimon đã rút ra một bài học: “Đừng chỉ ăn mừng khi thủy triều lên, luôn chuẩn bị cho lúc nước rút”.