06:00 27/10/2022

Ba bài toán kinh tế "khó nhằn" của tân Thủ tướng Anh

Hoài Thu

Ông Rishi Sunak ngày 25/10 trở thành thủ tướng thứ ba của Anh trong vòng 7 tuần qua với cam kết “sửa chữa những sai lầm” của người tiền nhiệm Liz Truss và giải quyết “cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc” của nước Anh – như lời phát biểu khi nhậm chức của ông...

Tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak - Ảnh: Getty Images
Tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak - Ảnh: Getty Images

Tuy nhiên, đây không phải nhiệm vụ dễ dàng đối với vị thủ tướng trẻ nhất nước Anh trong 200 năm qua và chính ông cũng thừa nhận điều này.

“Nhiệm vụ này gắn liền với việc đưa ra những quyết định khó khăn”, ông Sunak nói trong bài phát biểu đầu tiên từ văn phòng thủ tướng ở Số 10 phố Downing.

Vương quốc Anh đã rơi vào suy thoái kinh tế khi bà Truss nhậm chức hồi tháng 9 với lạm phát leo thang kỷ lục. Giờ đây, vị tân Thủ tướng thứ hai trong vòng 2 tháng của nước này phải đối mặt với một vấn đề đau đầu khác.

Ông sẽ phải khôi phục uy tín của Chính phủ với các nhà đầu tư sau kế hoạch giảm thuế của người tiền nhiệm làm chao đảo thị trường trái phiếu, buộc Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) phải can thiệp để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính. Bên cạnh đó, chi phí đi vay, bao gồm lãi suất vay thế chấp mua nhà cũng đã tăng lên.

Theo CNN, để đạt được mục tiêu này, ông Sunak phải có một kế hoạch chi tiết để đưa nền tài chính công vào con đường bền vững hơn. (Hồi tháng 7, một cơ quan giám sát của Chính phủ Anh cảnh báo rằng nếu không có những hành động đủ hiệu quả, nợ công của nước này có thể chạm mức 320% GDP trong vòng 50 năm tới).

Vấn đề ở đây là không ai muốn cắt giảm chi tiêu công sau nhiều năm phải thắt lưng buộc bụng sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Thêm vào đó, việc không thể giúp các hộ gia đình ứng phó với chi phí sinh hoạt leo thang có thể gây ảnh hưởng nặng nề về mặt chính trị và gây áp lực hơn nữa tới nền kinh tế.

“Đây là bối cảnh kinh tế không hề dễ thở mà tân thủ tướng phải giải quyết”, ông Ben Zaranko, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Tài chính (IFS) có trụ sở ở London, nhận xét.

Theo CNN, ông Sunak sẽ đối mặt với 3 lựa chọn khó khăn.

TIẾT KIỆM NGÂN SÁCH MÀ KHÔNG GÂY THÊM BẤT ỔN

Thứ nhất là làm sao để tiết kiệm khoảng 40 tỷ Bảng Anh (gần 46 tỷ USD) để giảm nợ công trong vòng 5 năm tới mà không gây thêm bất ổn.

Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt tuần trước đã gây xôn xao khi quyết định đảo người kế hoạch giảm thuế trị giá 32 tỷ Bảng Anh (37 tỷ USD) - một nền tảng trong kế hoạch kinh tế của cựu Thủ tướng Truss nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, ông Sunak và Bộ trưởng Tài chính của mình sẽ vẫn cần một kế hoạch tiết kiệm khoảng 30-40 tỷ Bảng Anh để giảm nợ công trong 5 năm tới – theo tính toán của IFS.

Tân Thủ tướng Anh cam kết “sửa chữa những sai lầm” của người tiền nhiệm Liz Truss và giải quyết “cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc” của nước Anh - Ảnh: BBC
Tân Thủ tướng Anh cam kết “sửa chữa những sai lầm” của người tiền nhiệm Liz Truss và giải quyết “cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc” của nước Anh - Ảnh: BBC

“Đây là một nhiệm vụ khó khăn”, ông Hunt chia sẻ trên Twitter mới đây. “Nhưng bảo vệ những người dễ bị tổn thươngcũng như bảo vệ việc làm, khoản vay thế chấp mua nhà và hóa đơn của người dân sẽ là mục tiêu hàng đầu của chúng tôi, nhằm khôi phục sự ổn định, niềm tin và tăng trưởng trong dài hạn”.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, nếu các nhà đầu tư không tin tưởng vào kế hoạch kinh tế của tân Thủ tướng và lãi suất cho vay lại tiếp tục tăng lên, việc kiểm soát tình hình sẽ càng khó hơn.

“Nếu thị trường nhận định kế hoạch của Chính phủ không đáng tin cậy, thì việc lấp lỗ hổng tài tài chính sẽ càng khó khăn hơn”, nhà kinh tế học Ruth Gregory tại Capital Economics, nhận định.

Để thực hiện kế hoạch, ông Sunal có thể chọn giải pháp tiếp cận ngân sách phúc lợi xã hội để tiết kiệm khoảng 7 tỷ Bảng (khoảng 8 tỷ USD) trong năm 2023-2024, theo IFS. Tuy nhiên, việc này có thể gây ra tranh cãi, đặc biệt là trong bối cảnh phúc lợi của người dân Anh đang không theo kịp lạm phát trong năm 2022.

“Tôi muốn xem liệu chúng ta có thể tìm được cách để tăng phúc lợi theo lạm phát hay không, nhưng rõ ràng chúng ta sẽ phải đánh đổi”, ông Sajid Javid, một cựu bộ trưởng Anh, phát biểu trên kênh ITV đầu tuần này.

ĐÁNH ĐỔI KHI TĂNG THUẾ DOANH NGHIỆP

Lựa chọn khó khăn thứ hai đối với tân Thủ tướng là vấn đề liên quan tới thuế lợi tức phụ thu (windfall tax). Một lựa chọn hợp lý hơn của Chính phủ mới, ít nhất là đối với các hộ gia đình, là thu nhiều thuế hơn từ các doanh nghiệp.

Ông Hunt từng nói rằng thuế doanh nghiệp sẽ tăng từ 19% lên 25% vào mùa xuân tới. Theo Financial Times, ông Hunt cũng có thể nhắm tới lợi nhuận của các công ty dầu khí bằng cách tăng thuế lợi tức phụ thu.

Trong một cuộc phỏng vấn với BBC đầu tháng này, Bộ trưởng Tài chính Anh khẳng định ông “không phản đối thuế lợi tức phụ thu” và việc này vẫn đang được thảo luận. Bên cạnh đó, việc tăng thuế đối với lĩnh vực tài chính cũng đang được Bộ này bàn thảo - theo Financial Times.

Tuy nhiên, kế hoạch này vấp phải sự phản đối của các nhóm ngành công nghiệp. Hiệp hội thương mại tài chính ngân hàng Anh UK Finance cho biết các thành viên của họ đã phải trả “mức thuế tổng thể cao hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác”. Do đó, hiệp hội này kêu gọi chính phủ không nên “mạo hiểm đánh đổi khả năng cạnh tranh của ngành tài chính và ngân hàng Vương quốc Anh”.

LỰA CHỌN GIỮA THẮT CHẶT CHÍNH SÁCH VÀ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ

Các nhà đầu tư và nhà kinh tế học vẫn đang dự báo Chính phủ sẽ sớm công bố kế hoạch kết hợp giữa tăng thuế và giảm chi tiêu. Bộ Tài chính Anh dự kiến công bố chi tiết kế hoạch vào ngày 31/10 tới.

“Bất chấp việc đảo ngược chính sách tài khóa vừa qua, Chính phủ sẽ phải vạch ra một kế hoạch ngân sách đáng tin cậy để cân đối sổ sách vào tuần tới”, nhà kinh tế Sonali Punhani tại Credit Suisse, nhận xét trong một báo cáo gửi khách hàng đầu tuần này. “Việc này có thể làm trầm trọng thêm tình hình suy thoái của Anh”.

BOE nhận định Anh đã rơi vào suy thoái - Ảnh: Getty Images
BOE nhận định Anh đã rơi vào suy thoái - Ảnh: Getty Images

BOE nhận định Anh đã rơi vào suy thoái. Chỉ số về hoạt động kinh doanh tháng 10 của nước này đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng gần 2 năm trở lại đây.

“Chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi đáng kể về xu hướng tài khóa, từ chỗ nới lỏng hơn nhiều so với kỳ vọng chỉ cách đây vài tuần trở thành thắt chặt hơn dự báo”, ông Gregory của Capital Economics nói. “Tôi cho rằng suy thoái có nguy cơ sâu hơn và lâu hơn so với những gì chúng ta nghĩ”.

Một nền kinh tế suy yếu lại gây những vấn đề đau đầu khác. Không ai muốn lặp lại những sai lầm mà bà Truss mắc phải trong nhiệm kỳ ngắn ngủi của mình, khi bà đặt cược vào kết hoạch giảm thuế để kích thích tăng trưởng. Tuy nhiên, các tổ chức doanh nghiệp cũng ảnh báo rằng việc từ bỏ hoàn toàn mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng - điều mà nền kinh tế Anh đang thiếu - cũng sẽ gây ra nhiều ấn đề.

“Việc thắt lưng buộc bụng trong những năm 2010 đã dẫn tới tăng trưởng rất thấp, năng suất không tăng và đầu tư ở mức thấp”, ông Tony Danker, người đứng đầu Liên đoàn Công nghiệp Anh, nói với BBC ngày 25/10. “Anh có thể lặp lại vòng xoáy luẩn quẩn khi tất cả những gì chúng ta làm là năm nào cũng phải tìm cách tăng thêm thuế và giảm chi tiêu nhiều hơn, bởi vì chúng ta không có tăng trưởng”.