04:06 20/02/2007

Ba điều kỳ diệu của thị trường chứng khoán

Không ít đặc tính của một xã hội văn minh mà chúng ta hô hào từ nhiều năm nay bỗng chốc trở thành hiện thực

Thị trường chứng khoán cung cấp cho công chúng một môi trường đầu tư với các cơ hội lựa chọn phong phú.
Thị trường chứng khoán cung cấp cho công chúng một môi trường đầu tư với các cơ hội lựa chọn phong phú.
Năm Bính Tuất đã đi vào lịch sử với sự thăng hoa của thị trường chứng khoán, với tổng giá trị vốn hóa của thị trường cổ phiếu đạt hơn 221 ngàn tỷ, tương đương 13,8 tỷ USD, chiếm 22,7% GDP và tăng gấp 20 lần so với cuối năm 2005.

Tuy nhiên, những con số trên chưa phải là tất cả của những điều kỳ diệu. Không ít đặc tính của một xã hội văn minh mà chúng ta hô hào từ nhiều năm nay bỗng chốc trở thành hiện thực chỉ vì sự hấp dẫn của thị trường chứng khoán.

Sân chơi cho các nhà kinh tế trí thức

Bạn của người viết, một nhà khoa học hiện đang công tác tại trường đại học kinh tế. Hàng chục năm nay vẫn “chung sống” với chiếc xe máy cà tàng, bỗng dưng vừa rồi thấy anh lên đời với một con Camry hai chấm láng cóng.

Hỏi ra mới biết, anh "dính" vào chứng khoán gần một năm nay. Thoạt đầu, chơi dăm trăm một, sau đó tăng dần lên. Có mất có được nhưng nhìn chung là được nhiều hơn mất. Khi Vinaconex được bán đấu giá tại sàn Hà Nội, bao nhiêu tiền lãi thu được, anh dốc hết mua 10.000 cổ phiếu với giá 26.000 đồng. Hơn một tháng sau, anh bán với giá 78.000 đồng. Lãi vừa đủ mua con xe, vẫn còn vốn để lên sàn.

Một ông bạn khác hiện đang là tổng giám đốc một doanh nghiệp lớn, lương tháng 25 triệu đồng. Ở quê người ta coi anh là “hoàng đế” của của huyện. Mỗi lần anh về quê, hàng ngàn ánh mắt dõi theo chiếc xe lăn bánh cho đến khi những làn bụi mờ tan biến trong bầu không khí mới thôi.

Mới đây, anh tuyên bố một câu xanh rờn: đang lên kế hoạch trả chức tổng. Hỏi lý do, anh cho biết: lương mỗi năm chỉ được chưa đầy ba trăm triệu. Thỉnh thoảng anh em có đến nhà chơi cho thêm tý quà, không nhận thì không được, còn nhận thì không yên tâm. Áp lực công việc lúc nào cũng đè nặng.

Đó là chưa nói đến việc, chiếc ghế mà anh đang ngồi có bao nhiêu người nhòm ngó. Cũng chính vì lý do đó, nhất cử nhất động của anh đều bị giám sát vô hình, nhỡ có tiếp khách ở nhà hàng sang trọng cũng bị đơn thư nặc danh, phải giải trình....

Vừa rồi, anh chơi sơ sơ một ít chứng khoán, thu nhập bằng mười năm lương. Vậy thì ôm lấy chức tổng làm gì, hữu danh vô thực.

Trên đây chỉ là vài trường hợp thành công trên thị trường chứng khoán. Thực tiễn cho thấy, thị trường chứng khoán cung cấp cho công chúng một môi trường đầu tư với các cơ hội lựa chọn phong phú. Các loại chứng khoán trên thị trường rất khác nhau về tính chất, thời hạn và độ rủi ro, cho phép các nhà đầu tư có thể lựa chọn loại hàng hoá phù hợp với khả năng, mục tiêu và sở thích của mình.

Điều quan trọng là họ có kiến thức, có hiểu biết và biết phân tích các hoạt động kinh tế.

Chiếc đũa thần tạo nên sự minh bạch

Minh bạch được coi là một trong những tiêu chí của một xã hội văn minh. Lý do đơn giản, xã hội văn minh là xã hội mà mọi người sống thân thiện, hợp tác. Minh bạch như một điều kiện cần cho sự hợp tác và chia sẻ. Minh bạch còn để tránh những đầu tư vô ích vào sự không hiểu biết lẫn nhau.

Tuy nhiên, do lịch sử để lại, nhiều người Việt Nam vẫn không dễ gì tiếp cận với những tiêu chuẩn tối thiểu của sự minh bạch.Thói quen đề phòng, sợ người khác hơn mình, giữ bí quyết làm ăn và hơn thế là sự lách luật như một cách thức để tồn tại khiến sự minh bạch chỉ tồn tại trên giấy.

Không ít cơ quan, doanh nghiệp lớn vẫn tồn tại hai hệ thống sổ sách. Một hệ thống là con số thực, chỉ dùng cho chánh phó giám đốc và những nhân vật chủ chốt biết với nhau. Một hệ thống là con số đẹp, nhằm đối phó với cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan thuế. Nếu ai đó có lỡ miệng tiết lộ con số thật với báo chí sẽ là một thảm họa.

Sự tù mù trong tài chính khiến chúng ta đã mất không ít cơ hội hợp tác, đánh mất không ít khách hàng tiềm năng. Tuy nhiên, tư duy cũ không dễ gì chia tay.

Khi thị trường chứng khoán trở nên sôi động, các doanh nghiệp đua nhau lên sàn đã mở ra một cuộc đua mới về giá cổ phiếu. Muốn hấp dẫn các nhà đầu tư trước hết đó phải là doanh nghiệp làm ăn có lãi. Không những thế mà còn phải lãi lớn, lãi hấp dẫn. Không chỉ là lãi trước thuế mà còn lãi sau thuế, chính sách lợi tức...

Tất cả những thứ đó đều được thể hiện trong báo cáo tài chính được cơ quan kiểm toán xác nhận. Ngoài ra còn phải công khai những dự án, những triển vọng phát triển, càng minh bạch càng chinh phục được nhà đầu tư.

Cứ theo đà ấy, bản cáo bạch của doanh nghiệp cứ dài mãi. Không chỉ những chỗ tưởng như thầm kín tế nhị mà cả ruột gan phèo phổi của doanh nghiệp đều phơi bày hết để khoe khoang mình, quyền rũ các nhà đầu tư. Hiện tượng này chỉ có thấy trên sàn giao dịch chứng khoán.

Đo đếm hiệu quả quản trị doanh nghiệp

Nếu như trước đây, công tác bổ nhiệm cán bộ vẫn phải trải qua hàng ngàn thủ tục rối rắm với cơ man nào là cơ quan: ban nội chính, ban tổ chức cán bộ, ban cán sự.... với hàng trăm chuẩn mực nhưng chuẩn mực nào cũng mơ hồ mà cuối cùng là những người kiên định đường lối, biết vâng lời, ít khuyết điểm thường được trọng dụng.

Còn chuyện doanh nghiệp hoạt động ra sao, sống chết thế nào thì đã có tập thể lãnh đạo chịu trách nhiệm, miễn là “đoàn kết nội bộ tốt’’.

Khi doanh nghiệp lên sàn, thông qua chứng khoán, hoạt động của các doanh nghiệp được phản ánh một cách tổng hợp và chính xác. Doanh số của anh thế nào, lợi nhuận ra sao, tiền lương, lợi tức, nộp ngân sách... đó là những con số biết nói. Hơn thế, những chỉ tiêu đó được các nhà đầu tư đánh giá bằng cách có tín nhiệm cổ phiếu của anh hay không. Giá cổ phiếu là một trong những tiêu chí đánh giá năng lực quản trị điều hành của lãnh đạo doanh nghiệp. Các tiêu chí giúp cho việc đánh giá và so sánh hoạt động của doanh nghiệp được nhanh chóng và thuận tiện, từ đó cũng tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, kích thích áp dụng công nghệ mới, cải tiến sản phẩm.

Các chỉ số của thị trường chứng khoán còn phản ánh động thái của nền kinh tế một cách nhạy bén và chính xác. Giá các chứng khoán tăng lên cho thấy đầu tư đang mở rộng, nền kinh tế tăng trưởng; ngược lại giá chứng khoán giảm sẽ cho thấy các dấu hiệu tiêu cực của nền kinh tế, lợi nhuận giảm.

Trong một cuộc họp triển khai họat động thị trường chứng khoán năm 2007, ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nói: “Thị trường chứng khóan được gọi là “nhiệt kế” phản ánh sức khỏe của nền kinh tế và là một công cụ quan trọng giúp Chính phủ thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô. Thông qua thị trường chứng khoán, Chính phủ cũng có thể sử dụng một số chính sách, biện pháp tác động vào thị trường chứng khoán nhằm định hướng đầu tư đảm bảo cho sự phát triển cân đối của nền kinh tế.’’