Ba nhóm cổ phiếu định giá còn rẻ
Với kế hoạch đẩy mạnh tín dụng của Chính phủ để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GDP 2025 (8%), Ngân hàng, Bất động sản và Xây dựng có thể bước vào chu kỳ tái định giá...

Toàn thị trường ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 22,7%, cao hơn so với mức kỳ vọng dựa trên kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp tăng 17,9%. Nhóm Tài chính ghi nhận mức tăng khả quan +17,4% nhưng vẫn thấp hơn nhóm Phi tài chính +29,4%.
TĂNG TRƯỞNG LỢI NHUẬN TOÀN THỊ TRƯỜNG NĂM 2025 PHỤ THUỘC VÀO BẤT ĐỘNG SẢN
Bức tranh lợi nhuận 2024 cho thấy xu hướng tăng trưởng tích cực nhưng thiếu đột phá, lợi nhuận phục hồi nhưng chưa đạt mức tăng trưởng mạnh như giai đoạn 2021, theo nhận định của FiinTrade.
Ở nhóm tăng trưởng, Công nghệ Thông tin và Ngân hàng là hai ngành duy nhất duy trì tăng trưởng lợi nhuận suốt 5 năm qua, với đà tăng tốc trong năm 2024.
Ở nhóm hồi phục, Bán lẻ và Du lịch & Giải trí dẫn đầu, duy trì mức tăng trưởng ba chữ số trong cả bốn quý của năm 2024 nhờ xu hướng hồi phục về cầu tiêu dùng. Xây dựng & Vật liệu cũng phục hồi ổn định nhưng tốc độ thấp hơn. Ngược lại, Viễn thông, Truyền thông, Tài nguyên Cơ bản có lợi nhuận kém ổn định giữa các quý. Riêng Tài nguyên Cơ bản (chủ yếu là Thép), mức tăng trưởng lợi nhuận +89,4% của cả năm đến từ nửa đầu 2024, trong khi hai quý cuối năm suy yếu, thấp hơn trung bình toàn thị trường.
Ở nhóm giảm tốc, Dịch vụ Tài chính (Chứng khoán) và Bảo hiểm mất đà tăng trưởng, chững lại trong nửa cuối 2024. Lợi nhuận của Dịch vụ Tài chính đảo chiều từ mức tăng +103,1% trong quý 1 sang giảm -9,8% vào quý 4, đồng pha với diễn biến trên thị trường chứng khoán, chỉ số và thanh khoản cùng sôi động nửa đầu năm và kém tích cực nửa cuối năm. Lợi nhuận cũng biến động mạnh ở Bảo hiểm chủ yếu do mặt bằng lãi suất duy trì thấp.
Ở nhóm tạo đáy, Y tế, Bất động sản, Tiện ích (chủ yếu là Điện), Dầu khí vẫn gặp khó khăn. Bất động sản cải thiện vào cuối năm nhưng chưa bù đắp được mức giảm trong 2 quý trước đó. Tiện ích và Dầu khí tiếp tục suy giảm về lợi nhuận năm thứ 2 liên tiếp và chưa có dấu hiệu hồi phục.
Phân tích của FiinTrade cho thấy, cấu trúc lợi nhuận toàn thị trường đang có sự thay đổi đáng kể, với tỷ trọng đóng góp của các ngành có quy mô vốn hóa lớn như Ngân hàng, Bất động sản, Hàng & Dịch vụ Công nghiệp, Tiện ích giảm. Trong khi đó, nhiều ngành quy mô vốn hóa nhỏ hơn như Bán lẻ, Du lịch & Giải trí, Viễn thông, và Hóa chất gia tăng tỷ trọng đóng góp vào tổng lợi nhuận toàn thị trường nhờ sự hồi phục về cầu tiêu dùng.
Sự dịch chuyển này phản ánh sự thay đổi về động lực tăng trưởng lợi nhuận của thị trường trong giai đoạn sắp tới. Với nền so sánh trở nên cao hơn đối với các ngành hàng tiêu dùng thì tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 2025 của toàn thị trường sẽ phụ thuộc lớn vào sự hồi phục của ngành Bất động sản.

NHÓM NÀO ĐỊNH GIÁ ĐANG RẺ?
Về diễn biến giá cổ phiếu, các ngành có tăng trưởng lợi nhuận ghi nhận mức tăng giá tích cực trong năm 2024, nổi bật là Bán lẻ, Viễn thông, CNTT, Hàng & Dịch vụ Công nghiệp, Du lịch & Giải trí. Ở nhóm có lợi nhuận giảm hoặc hồi phục chậm, hầu hết có diễn biến giá kém tích cực. Đáng chú ý là Bất động sản, Dịch vụ tài chính (Chứng khoán) với lợi nhuận thấp hơn kỳ vọng và giá cổ phiếu gần như đi ngang, phản ánh sự thận trọng của thị trường.
Bước sang 2025, các chính sách thúc đẩy đầu tư công và tăng trưởng tín dụng nhằm hỗ trợ mục tiêu GDP 8% được kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo động lực cho sự tăng trưởng hay hồi phục của một số ngành như Ngân hàng, Bất động sản, Xây dựng & Vật liệu, CNTT, Tiện ích... Từ đó trở thành chất xúc tác quan trọng cho giá cổ phiếu trong năm 2025.
Về mặt định giá, P/E toàn thị trường hiện ở mức 12,9x, thấp hơn mức trung bình dài hạn (~15x) và hướng về vùng đáy giai đoạn từ 2015 đến nay.
So với đỉnh (~19,5x vào năm 2021), P/E hiện đã giảm đáng kể, phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư và sự suy yếu của dòng tiền vào thị trường đáng chú ý là xu hướng rút ròng của khối ngoại vẫn tiếp diễn, nhưng hàm ý khả năng thị trường có thể trở nên hấp dẫn hơn nếu có yếu tố hỗ trợ từ vĩ mô hoặc sự cải thiện trong tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp hoặc sự kiện liên quan đến thị trường (ví dụ như câu chuyện nâng hạng).
Xét theo từng nhóm, P/E toàn thị trường tiếp tục bị chi phối bởi Ngân hàng, vốn đang giao dịch ở mức 9,4x, kéo mặt bằng định giá chung xuống thấp. Trong khi đó, nhóm Phi tài chính có P/E ở mức 16,9x, nhưng nếu loại bỏ Bất động sản, P/E của nhóm này cao hơn. Điều này cho thấy định giá của một số ngành ngoài Bất động sản vẫn đang duy trì ở mức không thấp.
Nhóm có định giá cao hơn trung bình 5 năm: Các ngành như Hóa chất, Vật liệu xây dựng, Khai khoáng, Điện, Sản xuất Dầu khí, Thép, Vận tải thủy đang có P/E và/hoặc P/B cao hơn trung bình 5 năm, cho thấy thị trường đã phản ánh kỳ vọng tăng trưởng tích cực vào giá cổ phiếu. Với mức định giá hiện tại, rủi ro điều chỉnh sẽ gia tăng nếu lợi nhuận phía trước không tăng trưởng tương ứng.
Với CNTT, diễn biến giá phụ thuộc nhiều vào động thái mua (bán) ròng của khối ngoại (đối với FPT) và câu chuyện về đầu tư công (với các cổ phiếu CNTT khác như CMG, ELC…). Trong khi đó, Nông nghiệp (HNG, HAG) & Thủy sản (VHC, ANV, FMC,…) có cơ hội cải thiện định giá trong năm 2025 nhờ xuất khẩu hồi phục và nền tảng kinh doanh cải thiện.
Nhóm có định giá thấp hơn trung bình 5 năm: Với kế hoạch đẩy mạnh tín dụng của Chính phủ để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GDP 2025 (8%), Ngân hàng, Bất động sản và Xây dựng có thể bước vào chu kỳ tái định giá.
Nhóm có định giá tương đương trung bình 5 năm: Chủ yếu gồm các ngành hưởng lợi từ sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng, bao gồm Thực phẩm, Bán lẻ, Dệt may. Tuy nhiên, tốc độ hồi phục vẫn còn chậm, trong khi rủi ro từ chiến tranh thương mại và biến động kinh tế toàn cầu là trở ngại lớn, ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng trong ngắn hạn.