Ba startup Việt “ẵm” 225.000 USD tại cuộc thi QVIC 2023
Hệ thống giám sát côn trùng thông minh (Rynan); Giao hàng bằng máy bay không người lái (XB); Giải pháp tiết kiệm năng lượng cho máy điều hòa không khí (Benkon Corp) đã dành Top 3 của cuộc thi QVIC 2023…
Sáng 20/9, Qualcomm Technologies Inc. đã công bố Top 3 chiến thắng mùa thứ ba của cuộc thi Thử thách Đổi mới Sáng tạo Qualcomm Việt Nam (QVIC) 2023. Theo đó, 3 công ty thắng giải tại vòng chung kết QVIC 2023 như sau: Công ty cổ phần Công nghệ RYNAN với hệ thống giám sát côn trùng thông minh (giải nhất, trị giá 100.000 USD); Công ty TNHH Công nghệ XB với giải pháp giao hàng bằng máy bay không người lái dựa trên kết nối di động (giải nhì, trị giá 75.000 USD); Benkon Corp với giải pháp tiết kiệm năng lượng cho máy điều hòa không khí (giải ba, trị giá 50.000 USD).
Ngoài ra, những công ty lọt vào vòng chung kết đã nhận được nhiều lợi ích khi tham gia Thử thách đổi mới Qualcomm Việt Nam 2023 dưới hình thức ươm tạo kỹ thuật và kinh doanh, khuyến khích nộp bằng sáng chế, tiếp cận với ngành, cơ hội kết nối, cố vấn chuyên gia, tài trợ kinh phí…
Theo đánh giá của Ban tổ chức, trong suốt một năm qua, những công ty lọt vào vòng chung kết đã luôn nỗ lực và thử thách bản thân chương trình QVIC, không ngừng cải thiện những đổi mới công nghệ và hoàn thiện sản phẩm. Sau QVIC, tất cả những người tham gia QVIC sẽ trở thành thành viên của mạng lưới toàn cầu của Qualcomm Technologies và có cơ hội tham gia các triển lãm thương mại, gặp gỡ khách hàng và các sự kiện khác trên toàn cầu.
Ông Alex Rogers, Chủ tịch mảng Bản quyền công nghệ và quan hệ quốc tế của Qualcomm, cho biết: Sự thành công liên tục của chương trình này cho thấy sức mạnh sáng tạo của hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ Việt Nam. Qualcomm mong muốn được tiếp tục hợp tác với các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) và nhà khai thác mạng di động của Việt Nam để hỗ trợ ngành và Chính phủ trong việc hiện thực hóa chính sách Công nghiệp 4.0 và mục tiêu “Make in Việt Nam”.
Tiến sĩ Trần Mỹ An, Phó Chủ tịch Kỹ thuật - Tập đoàn Qualcomm khẳng định: Các công ty khởi nghiệp sáng tạo này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam bằng cách tạo ra các ngành công nghiệp và cơ hội việc làm mới khi Việt Nam bước vào giai đoạn hội nhập sâu với thế giới và duy trì sự phù hợp của mình trong thị trường cạnh tranh toàn cầu.
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học công nghệ (NATEC) (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ), cho biết: Với sự hỗ trợ của Qualcomm và đồng hành của Bộ Khoa học và Công nghệ, chương trình đã đi đúng định hướng của Chính phủ trong suốt 3 năm qua và đạt được những kết quả rất tích cực.
"Các startup công nghệ của Việt Nam đã được nâng cao năng lực tư duy đột phá trong nghiên cứu phát triển giải pháp công nghệ để có thể từng bước giải quyết thách thức từ các tập đoàn lớn. Các startup công nghệ của Việt Nam tiếp tục tham gia chương trình để khai thác hiệu quả cơ hội đem lại từ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Mỹ trong giai đoạn tới”, ông Phạm Hồng Quất thông tin.
Trước đó, ở giai đoạn ươm tạo từ tháng 3 đến tháng 8 năm 2023, Qualcomm Technologies đã cung cấp cho các công ty lọt chung kết các chương trình đào tạo về sở hữu trí tuệ – cách cấp bằng sáng chế, bảo vệ và kiếm tiền từ các phát minh của họ, cũng như phát triển kỹ năng kinh doanh. Trong đó, nhiều chủ đề được đề cập như kỹ năng khai phá khách hàng, mô hình kinh doanh, lập kế hoạch tài chính và lập ngân sách, gọi vốn, xây dựng thương hiệu và tiếp thị sản phẩm.
Vào tháng 2/2023, Ban giám khảo gồm các chuyên gia đầu ngành đã chọn các công ty lọt vào danh sách ươm tạo dựa trên sự đổi mới độc đáo, sự khác biệt và bản địa hóa công nghệ, cơ hội hoặc nền tảng sở hữu trí tuệ và mô hình kinh doanh.
Ở giai đoạn nộp hồ sơ từ tháng 10/2022 đến tháng 1/2023, có 141 công ty khởi nghiệp trên khắp Việt Nam đã nộp hồ sơ trực tuyến. Đây là số lượng đông nhất từ trước đến nay.
Bên cạnh đó, những công ty tham gia cũng nhận được hỗ trợ kỹ thuật, bao gồm quyền tiếp cận phòng thí nghiệm của Qualcomm Việt Nam tại Hà Nội và tư vấn về phát triển sản phẩm trong thời gian ươm tạo. Các công ty khởi nghiệp lọt vào danh sách rút gọn đã nhận được khoản tài trợ lên tới 10.000 USD để hỗ trợ nỗ lực phát triển sản phẩm, cũng như khoản hoàn trả lên tới 5.000 USD khi nộp tối đa hai đơn đăng ký bằng sáng chế.