14:00 29/10/2024

[Bài 4]: Hợp tác bình đẳng, cùng có lợi

Nam Khánh

Hiện nay ở hầu hết các vùng quê Thanh Hóa, huyện nào, xã nào cũng có các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp, nhất là những nhà máy gia công quy mô lớn của các doanh nghiệp nước ngoài, tạo ra hàng vạn việc làm với thu nhập cao và ổn định...

Thấm thoát đã 30 năm trôi qua kể từ khi những doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tiên đặt chân đến miền đất Nghi Sơn, cực Nam của tỉnh Thanh Hóa. Cùng với quá trình đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài, đời sống của người công nhân đã thay đổi theo hướng ấm no hơn, hạnh phúc hơn. Mối quan hệ đó được lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đúc kết thành câu châm ngôn cô đọng “Lợi ích sẻ chia - Hợp tác cùng thắng”.

Hiện nay ở hầu hết các vùng quê Thanh Hóa, huyện nào, xã nào cũng có các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp, nhất là những nhà máy gia công quy mô lớn của các doanh nghiệp nước ngoài, tạo ra hàng vạn việc làm với thu nhập cao và ổn định.

Anh Vũ Ngọc Thắng, công nhân Nhà máy giày da Adiana đóng tại xã Thọ Dân, huyện Triệu Sơn, cho hay: “Sau nhiều năm mưu sinh ở phía Nam, khi nhà máy Adiana mở trên địa bàn xã có nhu cầu tuyển dụng công nhân, vợ chồng tôi quyết định trở lại quê để xin vào làm việc tại nhà máy. Quyết định của chúng tôi được tất cả gia đình ủng hộ. Hiện nay, sau nhiều năm phấn đấu, tôi được lãnh đạo doanh nghiệp cất nhắc làm trưởng ca, mỗi tháng thu nhập từ 10 đến 12 triệu đồng. Vợ tôi cũng làm công nhân nhà máy, mỗi tháng thu nhập ổn định khoảng 8 triệu đồng”.

Chị Lê Thị Phương, vợ anh Thắng, chia sẻ thêm: “Về quê, gần gũi gia đình, các con tôi đi học ở trường công lập của xã, có ông bà đỡ đần nên hai vợ chồng chuyên tâm vào công việc. Cuộc sống đã đỡ vất vả hơn nhiều so với trước. Bây giờ ở quê không như vài năm trước chỉ có người già và trẻ em, những người trẻ lớn lên thoát ly hết, nhiều cặp vợ chồng trẻ đi làm ăn xa đã trở về làm công nhân các nhà máy. Phong trào văn hóa, thể thao ngoài giờ làm việc ở quê hiện nay rất sôi nổi”.

Trong một lần gặp gỡ báo chí, ông Đỗ Trọng Hưng, khi đó giữ trọng trách Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa (hiện được Bộ Chính trị điều động giữ chức vụ Phó Trưởng ban, Ban Tổ chức Trung ương), chia sẻ: “Những nhà đầu tư nước ngoài đến với Thanh Hóa vừa là khách quý, vừa là tài sản của chúng ta. Chúng tôi luôn đồng hành, sát cánh, sẻ chia cùng họ. Lợi ích của các doanh nghiệp FDI mang lại không chỉ qua con số nộp ngân sách, kim ngạch xuất nhập khẩu, mà còn bao trùm lên nhiều mặt sâu rộng trong đời sống kinh tế, xã hội”.

LỢI ÍCH SẺ CHIA

Lấy ví dụ về Tập đoàn Hoa Lợi, một tập đoàn đến từ Đài Loan (Trung Quốc) đã đầu tư hàng tỷ USD, xây dựng 16 nhà máy quy mô lớn, tạo ra hơn 120.000 việc làm tại tỉnh ta, ông Đỗ Trọng Hưng, nhớ lại: “Mỗi lần ông Trương (ông Trương Uyên Thông, Chủ tịch tập đoàn) về với Thanh Hóa, dù bận ra sao thì tôi, anh Tuấn (ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh), anh Nguyên (ông Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy) đều dành thời gian đón tiếp, chia sẻ, uống chén trà, ăn bữa cơm thân mật.

 
Ông Đỗ Trọng Hưng Phó Trưởng ban, Ban Tổ chức Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa
Ông Đỗ Trọng Hưng Phó Trưởng ban, Ban Tổ chức Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa

"Những nhà đầu tư nước ngoài đến với Thanh Hóa vừa là khách quý, vừa là tài sản của chúng ta. Chúng tôi luôn đồng hành, sát cánh, sẻ chia cùng họ. Lợi ích của các doanh nghiệp FDI mang lại không chỉ qua con số nộp ngân sách, kim ngạch xuất nhập khẩu, mà còn bao trùm lên nhiều mặt sâu rộng trong đời sống kinh tế, xã hội".

Trong thời điểm đại dịch xảy ra, doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn. Các đơn hàng trên thế giới đột ngột cắt giảm. Cũng như bao doanh nghiệp khác, Tập đoàn Hoa Lợi đứng trước nguy cơ phải cắt giảm nhân công, giảm giờ làm, thậm chí đóng cửa nhà máy. Thời điểm đó, chúng tôi luôn động viên, chia sẻ với ông Trương, tạo mọi điều kiện để hỗ trợ doanh nghiệp. Trong khó khăn, chính quyền và doanh nghiệp phải xích lại gần nhau hơn, bởi vì nếu doanh nghiệp phải đóng cửa thì thiệt hại không chỉ về kinh tế mà hàng vạn lao động mất công ăn việc làm sẽ tạo nên áp lực xã hội rất lớn. Chính sự sát cánh, chân tình của chúng ta cũng là một phần động lực để ông Trương vững tin, lãnh đạo tập đoàn vượt qua khó khăn.

Khi Tập đoàn lên kế hoạch mở rộng sản xuất, chúng tôi đã bàn bạc, gợi ý cho doanh nghiệp nên chọn địa bàn các huyện miền núi để triển khai. Bởi vì khi đó, doanh nghiệp không chỉ có lợi ích về kinh tế, mà còn góp phần tạo ra hàng vạn việc làm tại chỗ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả một vùng quê rộng lớn. Sau đó, Tập đoàn đã chọn 4 huyện miền núi để xây dựng những nhà máy sản xuất, gia công da giày quy mô lớn”.

Trong năm 2024, Thanh Hóa đã đón nhận hai dự án đầu tư nước ngoài quy mô lớn với vùng nguyên liệu là các huyện thượng du phía Tây. Đó là dự án Nhà máy sản xuất ván tre OSB staBOO Thanh Hóa có vốn đầu tư Thụy Sỹ đặt tại xã Thiết Ống, huyện Bá Thước và dự án Nhà máy chế biến viên nén công nghệ cao Biomass Fuel Nghi Sơn với vùng nguyên liệu trải dài qua bốn huyện: Thường Xuân, Như Xuân, Như Thanh, Lang Chánh, có vốn đầu tư từ Nhật Bản.

Trong tương lai gần, cây tre, cây luồng, cây keo, những loại cây trồng đã “ăn đời ở kiếp”, đã là sinh kế lâu đời với người dân miền Tây xứ Thanh sẽ trở thành nguyên liệu để sản xuất nội thất cao cấp, là nguyên liệu sưởi ấm, phát điện xuất khẩu đến các thị trường khó tính trên thế giới. Bên cạnh đó, năm 2024, dự án còn thực hiện cấp chứng chỉ rừng cho 4.500 ha rừng trồng, phấn đấu có 20.000 ha rừng được cấp chứng chỉ rừng bền vững vào năm 2028 và duy trì diện tích rừng trồng đã được cấp chứng chỉ rừng hàng năm.

 
Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa.
Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa.

"Thanh Hóa là một trong những địa phương lớn cả về diện tích và dân số của Việt Nam, có vị trí địa lý chiến lược, kết nối khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ của đất nước; đồng thời, có khát vọng và quyết tâm trở thành cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh trở thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của đất nước Việt Nam.Thanh Hóa cam kết sẽ luôn sát cánh, đồng hành và tạo điều kiện cao nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản cũng như các doanh nghiệp quốc tế đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư. Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe mọi đề xuất, kiến nghị, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các hoạt động hợp tác giữa tỉnh Thanh Hóa và các đối tác quốc tế luôn đạt kết quả cao nhất, mang lại lợi ích “cùng thắng” cho cả hai bên".

Người dân trong vùng nguyên liệu dự án bên cạnh việc bán nguyên liệu cho nhà máy, còn có thể bán tín chỉ carbon để có thêm thu nhập bền vững. Câu chuyện người đồng bào miền thượng du tỉnh Thanh Hóa chỉ cần phủ xanh đồi đất, đồng bãi quê hương cũng tạo ra nguồn thu nhập ổn định không còn là ước mơ xa vời.

“Thanh Hóa cam kết tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư quốc tế”, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, một lần nữa đã khẳng định điều này tại hội nghị Kết nối Thanh Hóa - Nhật Bản được tổ chức ngày 6/5/2023 tại thành phố Sầm Sơn, với chủ đề “Thanh Hóa - Nhật Bản đẩy mạnh hợp tác phát triển nhanh và bền vững”.

Ông Đỗ Minh Tuấn chia sẻ: Thanh Hóa là một trong những địa phương lớn cả về diện tích và dân số của Việt Nam, có vị trí địa lý chiến lược, kết nối khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ của đất nước; đồng thời, có khát vọng và quyết tâm trở thành cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh trở thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của đất nước Việt Nam.

HỢP TÁC CÙNG THẮNG

Thanh Hóa cam kết sẽ luôn sát cánh, đồng hành và tạo điều kiện cao nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản cũng như các doanh nghiệp quốc tế đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư. "Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe mọi đề xuất, kiến nghị, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các hoạt động hợp tác giữa tỉnh Thanh Hóa và các đối tác quốc tế luôn đạt kết quả cao nhất, mang lại lợi ích “cùng thắng” cho cả hai bên", Chủ tịch Đỗ Minh Tuấn nói.

Ngài Yamada Takio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam ở thời điểm đó, cho rằng: “Thanh Hóa là một điểm đến quan trọng của các nhà đầu tư Nhật Bản. Các doanh nghiệp Nhật Bản chọn Thanh Hóa là điểm đến để đầu tư là bởi vì Thanh Hóa có nguồn lao động dồi dào, hệ thống hạ tầng giao thông phát triển. Hơn nữa, Thanh Hóa đã thiết lập Bộ phận hỗ trợ Nhật Bản (JAPAN DESK) và thành lập khu kinh tế nên có thể nói Thanh Hóa là một điểm hấp dẫn thu hút đầu tư. Chúng tôi đánh giá rất cao sự cố gắng nỗ lực của chính quyền tỉnh Thanh Hóa.

 
Ngài Yamada Takio, Nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam.
Ngài Yamada Takio, Nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam.

"Thanh Hóa là một điểm đến quan trọng của các nhà đầu tư Nhật Bản. Các doanh nghiệp Nhật Bản chọn Thanh Hóa là điểm đến để đầu tư là bởi vì Thanh Hóa có nguồn lao động dồi dào, hệ thống hạ tầng giao thông phát triển.

Hơn nữa, Thanh Hóa đã thiết lập Bộ phận hỗ trợ Nhật Bản (JAPAN DESK) và thành lập khu kinh tế nên có thể nói Thanh Hóa là một điểm hấp dẫn thu hút đầu tư. Chúng tôi đánh giá rất cao sự cố gắng nỗ lực của chính quyền tỉnh Thanh Hóa".

Trong thời gian sắp tới, các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ còn quan tâm nhiều hơn đến tỉnh Thanh Hóa. Ví dụ điển hình là Tập đoàn bán lẻ AEON hiện đang có kế hoạch sẽ khởi công xây dựng khu trung tâm thương mại trong năm 2024. Tôi hy vọng việc thực hiện thành công dự án này sẽ tạo ra môi trường tốt cho việc kêu gọi đầu tư tại địa bàn tỉnh Thanh Hóa”.

Cũng tại diễn đàn này, ông Miki Jun, Giám đốc các dự án tại Việt Nam của Tập đoàn Idemitsu Kosan (Nhật Bản), cho biết: “Tính đến thời điểm này, tập đoàn chúng tôi đã triển khai 8 dự án với tổng số nhân viên là 1.700 người. Trong đó, quy mô lớn nhất là dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn của tỉnh Thanh Hóa. Dự án này được triển khai tại Khu kinh tế Nghi Sơn, bắt đầu vận hành thương mại từ năm 2018.

Hiện nay có khoảng 1.300 nhân viên làm việc để vận hành hệ thống này. Khi hoàn thành công trình nhà máy với quy mô lớn này, chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ rất nhiều từ phía các cơ quan, ban, ngành của Chính phủ Việt Nam và chính quyền tỉnh Thanh Hóa”.

Trước đó, tại sự kiện “Gặp gỡ Thanh Hóa – Hàn Quốc” năm 2022, ông Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, nhấn mạnh: với chủ trương “Xây dựng nền ngoại giao kinh tế lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phát huy vai trò cầu nối để hỗ trợ các địa phương kết nối với các đối tác quốc tế tiềm năng; chủ động, tích cực hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp mở rộng nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại, thu hút đầu tư chất lượng cao, khai thác các địa bàn Việt Nam có ký kết FTA, các thị trường tiềm năng; tăng cường công tác thông tin, cảnh báo rủi ro trong các hoạt động kinh tế quốc tế.

Với vị trí chiến lược và nhiều tiềm năng lớn cùng với những đường hướng đúng đắn, chính sách phù hợp trong công tác đối ngoại, trong thời gian tới Thanh Hóa sẽ có những đột phá để trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Việt Nam và sớm trở thành tỉnh “kiểu mẫu” như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.

 
Ngài Park Noh-wan Nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam
Ngài Park Noh-wan Nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam

"Thanh Hóa là trung tâm của ngành công nghiệp hóa dầu, có Khu kinh tế Nghi Sơn, cảng biển chuyên dụng. Nơi đây cũng là địa điểm thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện với công suất 1.200MW, với sự tham gia các doanh nghiệp Hàn Quốc.

Đây còn là khu vực trẻ và năng động với dân số trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 64% tổng dân số". 

Ngài Park Noh-wan, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam ở thời điểm đó, khẳng định: “Thanh Hóa là trung tâm của ngành công nghiệp hóa dầu, có Khu kinh tế Nghi Sơn, cảng biển chuyên dụng. Nơi đây cũng là địa điểm thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện với công suất 1200MW, với sự tham gia các doanh nghiệp Hàn Quốc. Đây còn là khu vực trẻ và năng động với dân số trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 64% tổng dân số”. 

Trong thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư, hoạt động nhiều chủ yếu ở miền Bắc và miền Nam hiện nay cũng đang dần dần cũng có kế hoạch mở rộng khu vực đầu tư tại miền Trung. Ngoài ra, còn có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc hiện đang dành sự quan tâm và xem xét lựa chọn Thanh Hóa là điểm đầu tư tiềm năng...

Đón đọc tiếp: [Bài 5]: Đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư, đón làn sóng FDI mới

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 44-2024 phát hành ngày 28/10/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

[Bài 4]: Hợp tác bình đẳng, cùng có lợi - Ảnh 1