11:24 22/06/2023

Bãi bỏ Thông tư 23/2014: Chương trình chất lượng cao ở các trường đại học có bị “xóa sổ” ?

Đỗ Như

Việc ban hành Thông tư 11/2023/TT, bãi bỏ toàn bộ Thông tư 23/2014 ngày 18/7/2014 có thể dẫn đến cách hiểu rằng trường đại học không còn chương trình chất lượng cao trong thời gian tới. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn đúng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày 15/6/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 11/2023/TT-BGDĐT (Thông tư 11) về việc bãi bỏ Thông tư 23/2014/TT-BGDĐT ngày 18/7/2014 (Thông tư 23) quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học. Các khóa đã tuyển sinh trước ngày 01/12/2023 (là ngày Thông tư 11 có hiệu lực) được tiếp tục thực hiện việc tổ chức đào tạo cho đến hết khóa học theo các quy định tại Thông tư 23.

TỰ CHỦ CÁC CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, việc bãi bỏ Thông tư 23 là cần thiết và phù hợp với quy định của Luật giáo dục đại học 2018. Bởi lẽ Khoản 6 Điều 65 Luật Giáo dục đại học 2012 quy định: “Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tiêu chí xác định chương trình đào tạo chất lượng cao; có trách nhiệm quản lý, giám sát mức thu học phí tương xứng với chất lượng đào tạo”.

Tuy nhiên, theo quy định của Luật Giáo dục đại học 2018, khái niệm chương trình đào tạo chất lượng cao đã không còn tồn tại. Việc phát triển các loại chương trình đào tạo khác nhau thuộc quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, đảm bảo tuân thủ các quy định về chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học quy định tại Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT ngày 22/6/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo có các yêu cầu về chuẩn đầu vào, chuẩn đầu ra cao hơn so với chuẩn do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Các cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm công khai, minh bạch thông tin đối với các chương trình đào tạo do trường cung cấp, cam kết với người học về tuyên bố chất lượng đầu ra của các chương trình đào tạo này, đồng thời thực hiện trách nhiệm giải trình đối với các bên liên quan cũng như toàn xã hội.

Như vậy, việc bãi bỏ Thông tư 23 không có nghĩa là các cơ sở giáo dục đại học không còn hay không được triển khai các “chương trình chất lượng cao”. Điều này cũng không ảnh hưởng tới việc tuyển sinh và đào tạo các chương trình đào tạo khác nhau của các cơ sở giáo dục đại học.

Các cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ trong việc xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo, nhưng dù với tên gọi là gì cũng cần đảm bảo tuân thủ các quy định về chuẩn chương trình đào tạo, về việc đảm bảo chất lượng từ đầu vào, các điều kiện dạy và học, quá trình đào tạo cho đến đầu ra, cũng như các các quy định khác liên quan đến đào tạo.

“Việc xây dựng và thực hiện các “chương trình chất lượng cao” (có yêu cầu cao hơn về chuẩn đầu ra, về các điều kiện đảm bảo chất lượng…) thuộc quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học. Về học phí, các cơ sở giáo dục đại học xác định và thực hiện theo các quy định của Chính phủ tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021”, Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ.

CÓ TRƯỜNG TIẾP TỤC TUYỂN SINH, CÓ TRƯỜNG TÁI CẤU TRÚC

Hiện nay, trong đề án tuyển sinh 2023 một số trường đã chủ động không tuyển sinh chương trình chất lượng cao. Tuy nhiên, một số trường vẫn tiếp tục tuyển sinh chương trình chất lượng cao.

Đơn cử năm 2023, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tuyển sinh tổng cộng 6.200 chỉ tiêu theo 3 phương thức xét tuyển, trong đó dành 2% chỉ tiêu để xét tuyển thẳng, 25% chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT 2023 và dành 73% để xét tuyển kết hợp.

Nhà trường có thông báo tuyển sinh riêng với 12 chương trình chất lượng cao gồm Kiểm toán, Ngân hàng, Tài chính doanh nghiệp, Quản trị kinh doanh quốc tế, Quản trị doanh nghiệp, Quản trị Marketing, Quản trị nhân lực, Kinh tế đầu tư, Kinh tế phát triển, Kinh tế quốc tế, Công nghệ thông tin và chuyển đổi số, Digital Marketing.

Theo thông báo của Đại học Quốc gia Hà Nội, đối với chương trình chất lượng cao thì xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 hoặc từ các nguồn tuyển khác theo yêu cầu riêng của từng ngành/CTĐT (công bố chi tiết trong Đề án tuyển sinh trình độ đại học năm 2023 của đơn vị).

Thí sinh cũng phải đảm bảo điều kiện ngoại ngữ đầu vào (kết quả môn Ngoại ngữ của kì thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đạt tối thiểu 5,0 điểm (theo thang điểm 10) hoặc kết quả học tập từng kỳ (6 học kỳ) môn Ngoại ngữ bậc THPT đạt tối thiểu 7,0 điểm hoặc sử dụng các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế tương đương theo quy định tại Quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành).

Ngày 19/6, Trường Đại học Luật TP.HCM phát thông báo cho rằng, chương trình chất lượng cao bản chất là sự nâng cao về chất của chương trình đào tạo chuẩn của nhà trường. Trong đó, các môn học được dạy bằng ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật) chiếm tỷ trọng từ 20-90% khối lượng chương trình.

Sinh viên được phát triển kỹ năng ngoại ngữ pháp lý chuyên sâu, tin học văn phòng chuẩn quốc tế và thực hành nghề nghiệp. Sinh viên ra trường nhận được phản hồi tích cực từ nhà tuyển dụng, sử dụng lao động. Do đó, trường tiếp tục tuyển sinh và đào tạo các chương trình chất lượng cao.

Trong khi đó, Trường Đại học Kinh tế Luật – Đại học Quốc gia TPHCM đã cấu trúc lại chương trình đào tạo chuẩn và chương trình chất lượng cao thành “chương trình đào tạo bằng tiếng Việt” và chương trình “đào tạo bằng tiếng Anh”. Cả 2 chương trình này đều có tiêu chuẩn nâng cao so với các chương trình đào tạo trước đây.