14:57 05/07/2022

Bamboo Airways tiếp tục giữ “ngôi vương” đúng giờ top 3 hãng bay nội địa lớn nhất tháng 6/2022

Tuấn Sơn

Bamboo Airways tiếp tục là hãng có tỷ lệ chuyến bay cất cánh đúng giờ cao nhất trong top 3 hãng hàng không nội địa lớn nhất, theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam...

Cụ thể, số liệu cập nhật trên website chính thức của Cục Hàng không cho thấy: Bamboo Airways khai thác 95,2% chuyến bay đúng giờ, tiếp tục dẫn đầu nhóm 3 hãng bay nội địa lớn nhất về tỷ lệ chuyến bay cất cánh đúng giờ (OTP) trong giai đoạn từ 19/5 - 18/6/2022. Hai hãng còn lại trong top 3 hãng bay nội địa lớn nhất là Vietnam Airlines và Vietjet Air lần lượt ghi nhận tỉ lệ đúng giờ lần lượt là 79,9% và 76%.

Bamboo Airways dẫn đầu top 3 hãng nội địa lớn nhất về tỷ lệ chuyến bay cất cánh đúng giờ giai đoạn 19/5 - 18/6/2022 (Nguồn: Cục Hàng không Việt Nam).
Bamboo Airways dẫn đầu top 3 hãng nội địa lớn nhất về tỷ lệ chuyến bay cất cánh đúng giờ giai đoạn 19/5 - 18/6/2022 (Nguồn: Cục Hàng không Việt Nam).

Bước sang tháng 6 - tháng mở đầu cao điểm khai thác hè 2022, số lượng các chuyến bay tăng vọt do nhu cầu đi lại và du lịch của người dân tăng cao, tỷ lệ chuyến bay cất cánh đúng giờ trung bình của toàn ngành hàng không Việt Nam đạt 81,8% - giảm 15,9 điểm so với cùng kỳ 2021 và giảm 9,4 điểm so với tháng trước.

Về tỷ lệ chậm chuyến, Bamboo Airways ghi nhận tỷ lệ thấp nhất top 3 hãng nội địa lớn nhất với 4,8%, ở Vietnam Airlines và Vietjet Air, các con số này lần lượt là 20,1% và 24%. Tỷ lệ chậm chuyến trung bình toàn ngành là 18,2%.

Xét về tỷ lệ huỷ chuyến, Bamboo Airways ghi nhận tỷ lệ này là 0%. Trong khi đó, Vietnam Airlines và Vietjet Air có tỷ lệ huỷ chuyến là 0,2%. Tính trung bình toàn ngành, tỷ lệ hủy chuyến cũng ở mức 0,2%, giảm 0,1 điểm so với tháng trước.

Tỉ lệ chậm, hủy chuyến của top 3 hãng bay nội địa lớn nhất Việt Nam tháng 6/2022 (Nguồn: Cục Hàng không Việt Nam).
Tỉ lệ chậm, hủy chuyến của top 3 hãng bay nội địa lớn nhất Việt Nam tháng 6/2022 (Nguồn: Cục Hàng không Việt Nam).

Theo số liệu thống kê, các nhóm nguyên nhân chính gây nên việc chuyến bay bị chậm, hủy chuyến bao gồm: trang thiết bị và dịch vụ tại Cảng; do quản lý, điều hành bay; do thời tiết; do hãng hàng không; tàu bay về muộn và các lý do khác.

Trong đó, lý do tàu bay về muộn chiếm tỷ trọng lớn nhất khiến các chuyến bay bị chậm, 73,7% và lý do kỹ thuật chiếm 40% tỷ trọng số chuyến bay bị huỷ giai đoạn này.

Mở đầu giai đoạn cao điểm khai thác hè 2022, hàng không Việt Nam đang chứng kiến sự bứt phá, hồi phục thần kỳ sau dịch bệnh. Các số liệu của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cho thấy Việt Nam hiện đang đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới. Theo Cục Hàng không Việt Nam, 6 tháng đầu năm, lượng hành khách thông qua các cảng hàng không Việt Nam đạt 40,7 triệu khách, tăng 56,8% so với cùng kỳ 2021.

Dự kiến trong năm 2022, lượng hành khách thông qua các cảng hàng không trên cả nước ước đạt 87,8 triệu khách, tăng 190% so với năm 2021.

Nhằm đáp ứng nhu cầu di chuyển tăng vọt của người dân sau dịch, các hãng bay nội địa đã nhanh chóng tăng cường khai thác, mở mới nhiều đường bay nội địa và quốc tế. Trong đó, Bamboo Airways đã chuẩn bị sẵn sàng mọi nguồn lực và có kế hoạch tăng tải 15% để phục vụ hành khách.

Bên cạnh việc tăng tải phục vụ nhu cầu đi lại trên mạng bay nội địa, hãng đồng thời tăng tần suất khai thác và khai trương thêm các đường bay quốc tế mới tới thị trường châu Âu, châu Úc, châu Á - Thái Bình Dương.

Đại diện Bamboo Airways cho biết hãng duy trì thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp bao gồm tối ưu hóa lịch khai thác đường bay, bảo dưỡng máy bay, đồng thời tăng cường các nguồn lực như đội ngũ nhân viên, tiếp viên, tổ lái, đến vật lực như trang thiết bị, khí tài… để duy trì tỉ lệ đúng giờ ở mức cao, tối ưu hoá lợi ích khách hàng. Hãng đặt mục tiêu mở rộng quy mô đội bay đạt 100 tàu đến năm 2028.