17:43 20/09/2017

"Bàn cãi không giới hạn" về Luật Đặc khu kinh tế

Nguyên Vũ

Nhiều vấn đề của dự thảo Luật Đặc khu hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ còn bàn cãi không giới hạn

<span style="font-family: 'Times New Roman'; font-size: 15px;">Ông Lê Minh Tâm, Phó chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam phát biểu tại hội thảo.</span>
<span style="font-family: 'Times New Roman'; font-size: 15px;">Ông Lê Minh Tâm, Phó chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam phát biểu tại hội thảo.</span>
Không có chủ thuyết, không đánh giá tác động và lý giải đầy đủ, nên nhiều vấn đề của dự thảo Luật Đặc khu hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ còn bàn cãi không giới hạn.

Nhận xét này được TS. Dương Đăng Huệ - một chuyên gia về pháp luật - nêu tại hội thảo tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng 20/9.

Hơn 12h, những bất cập của dự án luật vẫn tiếp tục được các vị khách mời nối dài. Ý kiến cuối cùng lúc gần 12h30 là nên chờ Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải thích xong khoản 2 điều 111 của Hiến pháp rồi sẽ tiếp tục bàn thảo về những quy định cụ thể của dự thảo luật.

Trước đó cũng đã có những tranh cãi không ngừng xung quanh tính hợp Hiến của dự thảo luật. Tất cả các ý kiến đều cho rằng luật này có thể trái với chỉ đạo, trái với luật khác, nhưng không thể trái với Hiến pháp, nên trước hết cần làm rõ tính hợp Hiến rồi mới bàn tiếp.

Khoản 2 điều 111 của Hiến pháp viết: " Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định".

Điều 110 thì quy định: "Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập".

Điều 70 quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội khoản 9 nêu:" Quyết định thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ của Chính phủ; thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; thành lập, bãi bỏ cơ quan khác theo quy định của Hiến pháp và luật".

Vấn đề được tranh cãi rất sôi nổi là với quy định như trên của Hiến pháp thì đặc khu thuộc tỉnh (như dự thảo luật) hay thuộc Trung ương mới đúng. Và, chính quyền đặc khu là Trưởng đặc khu như dự thảo luật có hợp Hiến hay không?

Giáo sư Trần Ngọc Đường nói rằng ông rất thông cảm với người soạn luật khi mà vừa phải đảm bảo không trái với Hiến pháp vừa phải phù hợp với sự chỉ đạo của Bộ Chính trị. 
 
Hiến pháp muốn đặc khu trực thuộc Trung ương thì mới quy định thẩm quyền do Quốc hội quyết, còn nếu cấp huyện thì chỉ cần Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết chứ cần gì Quốc hội - ông Đường phân tích.

Ông Đường nhấn mạnh: nguyên tắc hàng đầu là Hiến pháp, còn sự chỉ đạo của Bộ Chính trị ( đặc khu thuộc tỉnh- PV) thì báo cáo lại, báo cáo lại có sức thuyết phục thì Bộ Chính trị sẽ chấp nhận.

Đồng tình, ông Lê Minh Tâm, Phó chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cũng cho rằng đặc khu thuộc tỉnh là trái với Hiến pháp.

Từ bàn chủ toạ, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc nói: Bộ Chính trị vẫn có thể tiếp tục lắng nghe chứ không nhất thiết chỉ có một kết luận duy nhất là đặc khu thuộc tỉnh. Ông Phúc nói thêm rằng Hiến pháp không khẳng định đặc khu thuộc tỉnh hay thuộc Trung ương nhưng phải do Quốc hội thành lập. Nhưng cá nhân ông cho là đặc khu thuộc Trung ương thì đúng tầm để phát triển.

"Nếu giải thích như anh Phúc thì hiểu sai điều 110, tôi trong Ban sửa đổi Hiến pháp tôi biết, không phải cho phép để đâu cũng được" - ông Tâm phản biện.

"Tôi hiểu là Bộ chính trị hiểu như thế chứ không phải tôi hiểu như thế" - ông Phúc hồi âm.

Cũng từ bàn chủ toạ, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật, ông Hoàng Thanh Tùng cho hay là ông không được trực tiếp nhưng nghe nói lại là đặc khu thuộc ai đã được báo cáo để Bộ Chính trị cho ý kiến. Quan điểm của Bộ Chính trị đặc khu là mô hình mới chưa có tiền lệ nên trước mắt thận trọng trực thuộc tỉnh qua một số năm đánh giá phát triển tốt thì nâng cấp thành trực thuộc Trung ương.

 Không biết có đúng ý tứ thế hay không - ông Tùng cũng băn khoăn.

Một số ý kiến khác cho rằng không cần tranh cãi vì đặc khu không cần thuộc đâu cả. Đặc khu này không thuộc ai, chỉ hoạt động theo luật, chỉ thuộc luật - ông Huệ bày tỏ quan điểm.

Đặc khu là độc lập hoàn toàn và chỉ chịu trách nhiệm trước pháp luật - chuyên gia Phạm Tuấn Khải đồng tình.

"Tôi đã tham dự ba lần hội thảo về đặc khu, các quy định về chính quyền đăc khu ngày càng gia tăng số lượng về các điều nhưng càng đọc càng thấy rối, luật này còn vô số các vấn đề không ổn, rất nhiều mâu thuẫn, TS luật Lê Hồng Hạnh nhận xét.