Bàn giải pháp tạo việc làm an toàn, thu nhập tốt cho nữ lao động di cư
Phụ nữ chiếm khoảng 1/3 trong tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài mỗi năm. Họ có đóng góp không nhỏ xét về góc độ kinh tế, song lao động nữ hiện vẫn phải chịu những rủi ro khi làm việc ở nước ngoài, bao gồm vấn đề tiền lương thấp, hay thiếu cơ chế bảo vệ...
Tọa đàm "Di cư an toàn cho phụ nữ Việt Nam ra nước ngoài làm việc trong lĩnh vực chăm sóc và giúp việc gia đình", do Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số (CCIHP) và Viện Phát Triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh Sáng (LIGHT) tổ chức ngày 5/12, các chuyên gia đã góp ý nhiều giải pháp để đảm bảo an toàn cho người lao động khi di cư.
Tọa đàm là một hoạt động được thực hiện trong khuôn khổ hợp tác với chương trình Định hình di cư theo định hướng phát triển của tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ).
LAO ĐỘNG NỮ DI CƯ VẪN CÒN ĐỐI MẶT VỚI NHIỀU RỦI RO
Việt Nam là quốc gia đứng thứ 2 trong khu vực về số người ra nước ngoài làm việc. Hiện ước tính có khoảng 650.000 người Việt Nam đang làm việc ở hơn 40 quốc gia trên thế giới. Chỉ tính riêng năm 2023 đã có 160.000 người ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng, trong đó phụ nữ chiếm trên 35%.
Bên cạnh công việc kĩ thuật, phụ nữ là đối tượng chính trong các công việc chăm sóc và giúp việc gia đình. Lý do và mong muốn khiến nhiều người phụ nữ quyết tâm di cư ra nước ngoài làm việc phần lớn là do kinh tế gia đình khó khăn, mong muốn có thêm thu nhập để có điều kiện cho con cái học hành và đáp ứng các nhu cầu cấp thiết khác của gia đình.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Hoàng Tú Anh, Giám đốc CCIHP, cho biết xu hướng đi lao động ở nước ngoài là định hướng để góp phần phát triển kinh tế, tạo cơ hội việc làm cho nhiều phụ nữ. Theo bà Tú Anh, đi lao động ở nước ngoài hiện nay không chỉ vì vấn đề kinh tế, mà đây còn là cơ hội để những người phụ nữ thoái khỏi “lũy tre làng”, giao tiếp với thế giới, tăng cường vị thế trong gia đình và xã hội.
Mặc dù vậy, họ vẫn còn gặp những rủi ro trong quá trình đi làm việc ở nước ngoài, đơn cử như bị bạo lực, không minh bạch trong vấn đề tiền lương…
Đề cập đến thực trạng lao động nữ tham gia thị trường lao động ngoài nước về chăm sóc và giúp việc gia đình, bà Nguyễn Ngọc Thanh, Chuyên gia nghiên cứu lao động và chính sách, đồng quan điểm khi cho rằng vấn đề thường được phản ánh nhiều nhất của nhóm này khi làm việc ở nước ngoài là tiền lương thấp, song cần nhìn nhận thực tế lương thấp do đâu, và so với các ngành nghề nào.
Bà Thanh cho biết qua tiếp cận các đơn hàng được doanh nghiệp đăng ký với Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) để phái cử người lao động đi làm việc, thực tế mức tiền lương không hề thấp. Tuy nhiên, sau thời gian làm việc ở nước ngoài, mức này thường bị hạ xuống.
Ngoài vấn đề phải chịu mức tiền lương thấp, nữ lao động di cư cũng đối mặt với nhiều rủi ro, nhưng nhiều người phải sẵn sàng vẫn chấp nhận vì mục đích cần kiếm tiền.
Nhiều năm nghiên cứu về phụ nữ ra nước ngoài làm việc, TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển xã hội, thừa nhận di cư lao động là xu hướng tất yếu không thể tránh khỏi, thậm chí giờ đây cần nhìn nhận ở góc độ toàn cầu. “Di cư lao động hiện nay đã có những yếu tố rất khác so với 10 – 20 năm trước. Câu chuyện đảm bảo môi trường làm việc an toàn, phẩm giá cho người lao động là những điều cần chú trọng, mà phụ nữ di cư đi làm công việc chăm sóc và giúp việc gia đình còn đặc thù hơn”, bà Hồng nói.
Theo bà Hồng, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đã tương đối đầy đủ và hoàn thiện, song với nhóm này dường như vẫn còn khoảng trống.
Số lao động đi theo các con đường “rỉ tai” nhau, hay phi chính thức vẫn rất lớn, song chưa thể quản lý hết được, nhất là sang các thị trường Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc)…Vì thế, gần như họ không được pháp luật bảo vệ. Trong khi đó, phần lớn số này là phụ nữ ở độ tuổi trung niên, đến từ các nông thôn với trình độ học vấn tương đối thấp, không có nghề nghiệp, hay kỹ năng xã hội.
Do vậy, khi sang nước ngoài làm việc, họ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề như làm việc trong thời gian dài (từ 12 – 16 giờ/ngày), song không có cách nào để trốn tránh công việc; rủi ro về việc bị bóc lột, lạm dụng; đặc biệt tổn thương về mặt tâm lý.
Bà Nguyễn Mai Thủy, điều phối viên Chương trình di cư, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cũng cho rằng lao động đi làm việc ở nước ngoài trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giúp việc gia đình không chỉ tạo cơ hội việc làm cho người lao động mà còn tăng thu nhập, góp phần nâng cao kỹ năng, vị thế.
Tuy nhiên, trong quá trình di cư, họ cũng đối mặt với những rủi ro kép. “Lao động giúp việc gia đình thường làm việc trong môi trường biệt lập, đa phần không được pháp luật bảo vệ về tiền lương, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, an sinh xã hội. Bản thân họ cũng có nguy cơ bị bóc lột lao động, liên quan đến cưỡng bức, thậm chí mua bán người, song cơ chế khiếu nại còn nhiều hạn chế”, bà Thủy thông tin.
CẦN SỰ PHỐI HỢP HIỆU QUẢ CỦA CÁC BÊN LIÊN QUAN
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia đã đề xuất, gợi mở nhiều giải pháp để giải quyết các thách thức, khó khăn giúp phụ nữ đi làm việc chăm sóc và giúp việc gia đình ở nước ngoài được an toàn hơn.
Là người đã có nhiều năm công tác trong cơ quan quản lý lao động ngoài nước, ông Nguyễn Gia Liêm, nguyên Phó cục trưởng, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), nhấn mạnh công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài là định hướng để giải quyết việc làm, tăng nhu nhập, nhưng điều quan trọng là thông qua đó còn góp phần đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam ở nước ngoài để sử dụng hiệu quả sau khi về nước.
Theo ông Liêm, việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trong lĩnh vực giúp việc gia đình thực tế không được khuyến khích, song vì người lao động có nhu cầu nên cần tạo điều kiện, đảm bảo việc đưa đi an toàn. “Vấn đề cần chú trọng là trang bị ngoại ngữ, kỹ năng cho người lao động giúp họ biết cách ứng xử để tự bảo vệ bản thân”, ông Liêm nói.
Ông cũng cho biết hiện pháp luật đã có các cơ chế hỗ trợ người lao động, song cách thức tổ chức thực hiện ở địa phương, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp cần được nâng cao hơn. Vấn đề quan trọng nữa là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp thực hiện công tác phái cử; xem xét bổ sung thêm quy định về việc doanh nghiệp phải mua bảo hiểm cho người lao động với mức tối thiểu khi đi làm việc ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần đảm bảo rà soát lại các hoạt động đưa đi, phối hợp với các tổ chức, cơ quan chính quyền địa phương trong công tác giáo dục định hướng cho người lao động trước khi xuất cảnh...
Quan trọng nhất, theo ông Liêm, người lao động cần biết cách bảo vệ chính mình. Trong trường hợp không giải quyết được mới cần sự can thiệp của các cơ quan chức năng.
Về vấn đề đề này, TS. Ngô Minh Hương, Giám đốc Trung tâm Phát triển và Hòa nhập (CDI), cho rằng cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các bên, từ Nhà nước, các tổ chức xã hội đến các doanh nghiệp phái cử, từ đó giảm được khâu trung gian đi làm việc ở nước ngoài qua hình thức “rỉ tai nhau”, vốn được cho là rủi ro cao hơn trong thị trường di cư.
Bổ sung thêm, TS. Nguyễn Thu Giang, Giám đốc Viện LIGHT, nhấn mạnh cần có một chiến lược và giải pháp hỗ trợ phụ nữ phát triển năng lực thực sự có nền tảng và đồng bộ hơn, để họ có việc làm ngay tại Việt Nam cũng như ở quốc tế.
Đồng thời, cần chú trọng cơ chế giám sát giữa tất cả các bên tham gia. "Cách tiếp cận giám sát là để cải thiện tốt hơn chứ không phải để đưa ra những vấn đề tiêu cực, làm rối loạn xã hội", bà Giang nhấn mạnh. Bên cạnh đó là sự phối hợp, tham gia của các bên liên quan trong việc xây dựng cơ chế điều phối, cũng như nâng cao năng lực.