Băn khoăn về mô hình đại học "chỉ có ở Việt Nam"
Mô hình đại học 2 cấp như đại học quốc gia, đại học vùng chỉ tồn tại và có ở Việt Nam, không có ở nơi nào trên thế giới
"Mô hình đại học 2 cấp như đại học quốc gia, đại học vùng chỉ tồn tại và có ở Việt Nam, không có ở nơi nào trên thế giới".
Sáng 6/11 Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Giải trình ý kiến đại biểu về mô hình cơ sở giáo dục đại học, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết dự thảo luật quy định rõ hệ thống giáo dục đại học Việt Nam bao gồm: trường đại học, học viện (gọi chung là trường đại học); đại học (là tổ hợp các trường đại học; trường trực thuộc) và các cơ sở giáo dục đại học khác phù hợp với quy định của pháp luật.
Hạt nhân cơ bản của hệ thống là trường đại học với cơ cấu tổ chức chuẩn mực theo thông lệ quốc tế. Học viện được điều chỉnh chung với trường đại học do đây chỉ là tên gọi của một số cơ sở giáo dục đại học đã hình thành và đang tồn tại trong thực tiễn mà không có sự khác biệt so với trường đại học cả về cơ cấu tổ chức, chức năng, sứ mệnh.
Đại học là nhóm các trường đại học, viện nghiên cứu thành viên; trường và các đơn vị trực thuộc khác, cùng hoạt động trong một khuôn khổ pháp lý nhằm gia tăng giá trị, khả năng cạnh tranh và đóng góp của toàn hệ thống đối với xã hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng báo cáo.
Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Long An) thì việc quy định trong đại học có các trường đại học khác làm cho cả bộ máy đại học chồng chéo, giảm hiệu lực, hiệu quả trong điều hành. Đại học trở thành cấp trung gian và phải hoàn thiện mô hình đại học quốc gia, đại học vùng. "Như vậy, có thể thấy những bất cập, vướng mắc về tổ chức bộ máy của đại học đã được nhìn nhận từ nhiều năm qua và hiện nay vẫn đang là nút thắt quan trọng cần phải được sửa đổi để thực hiện tự chủ đại học và không thể muộn hơn", đại biểu Tuấn Anh nhấn mạnh.
Vị đại biểu này cũng dẫn khuyến cáo của các chuyên gia và tổ chức quốc tế, đặc biệt là Ngân hàng Thế giới: "mô hình đại học 2 cấp như đại học quốc gia, đại học vùng chỉ tồn tại và có ở Việt Nam, không có ở nơi nào trên thế giới".
Những bất cập, vướng mắc, mâu thuẫn trong tổ chức bộ máy của mô hình đại học và hệ quả của nó đã tồn tại trong thời gian quá dài, 25 năm, bằng 1/3 đời người. Đây là những vấn đề rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến giáo dục Việt Nam, đại biểu Tuấn Anh đặc biệt nhấn mạnh.
Đồng tình với đại biểu Tuấn Anh, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) đề nghị thống nhất một mô hình trường đại học chung, bỏ đại học vùng tức là trường đại học trong đại học nhằm đơn giản hóa mô hình của giáo dục đại học.
Cũng góp ý hoàn thiện dự án luật, đại biểu Huỳnh Thành Đạt Giám đốc Đại học quốc gia Tp.HCM bày tỏ tâm đắc với một quan điểm được ông cho là rất mới, mang tính chiến lược lâu dài. Đó là trường đại học có thể chuyển thành đại học, các trường đại học có thể liên kết với nhau để trở thành đại học, tất nhiên là có điều kiện.
"Theo cách như thế chúng ta sẽ sớm có được những đại học mạnh, đạt chuẩn mực khu vực và quốc tế. Ở Mỹ, châu Âu, nhất là Cộng hòa Pháp, xu thế này đang diễn ra rất mạnh và rất hiệu quả. Ở Việt Nam sau 24 năm xây dựng và phát triển mô hình đại học quốc gia đã chứng tỏ quyết định của Đảng và Nhà nước về việc thành lập các đại học quốc gia là đúng đắn và mang tầm chiến lược", đại biểu Đạt phát biểu.
Ông Đạt cũng bày tỏ thống nhất với quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là giữ ổn định hệ thống, tránh gây xáo trộn không cần thiết, đồng thời tạo cơ hội cho sự phát triển của các trường đại học, các đại học, sắp xếp lại hệ thống giáo dục đại học, trong đó đại học quốc gia đóng vai trò là đầu tàu thúc đẩy sự phát triển của cả hệ thống.
Hồi âm ý kiến đại biểu, ông Phan Thanh Bình nói, hiện nay trong luật quy định 2 mô hình, thứ nhất là trường đại học và nhóm trường hay tổ hợp trường đại học. Hai mô hình này đều tồn tại trên thế giới. Vấn đề đặt ra là cơ chế quản lý như thế nào.
Dự thảo luật công nhận 2 vấn đề, đại học có thể có trường thành viên mà cũng có thể là những trường đơn giản, chưa phải trường thành viên. Do đó, các trường có thể thành lập các trường con để trở thành đại học hoặc sáp nhập các trường lại. Đây cũng là mô hình rất cần thiết để chúng ta sáp nhập các trường nhỏ kết hợp với nhau để thành một trường lớn, ông Bình giải thích.