09:03 20/04/2016

Bán lẻ Hồng Kông “gặp hạn” vì khách Trung Quốc sụt giảm

Phương Dung

Sắp tới, Hồng Kông sẽ chứng kiến sự “lên ngôi” của các sản phẩm, mặt hàng giá bình dân cho người dân địa phương

Trong suốt 10 năm qua, sự phát triển của phần lớn các trung tâm thương mại đến từ việc người Trung Quốc đại lục mua gom vàng, trang sức, hàng hiệu, mỹ phẩm giá cao - Ảnh: Reuters.
Trong suốt 10 năm qua, sự phát triển của phần lớn các trung tâm thương mại đến từ việc người Trung Quốc đại lục mua gom vàng, trang sức, hàng hiệu, mỹ phẩm giá cao - Ảnh: Reuters.
Khách Trung Quốc từng mang lại động lực tăng trưởng quan trọng cho ngành bán lẻ và bất động sản Hồng Kông, nhưng nhiều khả năng thời kỳ hoàng kim đó sẽ không trở lại nữa, theo một bài bình luận mới đây trên Bloomberg.

Sau 27 năm bán bò bít tết và bánh táo cho những người yêu thích ẩm thực Mỹ tại Hồng Kông, chuỗi nhà hàng Chicago Grill tại khu trung tâm thương mại Pacific Place đã đóng cửa. Thay vào đó là chuỗi nhà hàng Ý hoàn toàn mới có tên Operetta.

“Tôi chẳng hiểu tại sao họ lại phải ra đi. Thật đáng buồn, họ đã ở đây quá lâu rồi”, một người dân Hồng Kông buồn rầu nói trong lần cuối cùng anh còn được thưởng thức món ăn tại nhà hàng.

Công ty bất động sản Landlord Swire Properties đã không đồng ý gia hạn hợp đồng thuê địa điểm đối với Chicago Drill bởi họ muốn mang đến những nét mới cho trung tâm thương mại nhằm cứu vãn tình hình kinh doanh ế ẩm. Doanh số bán lẻ tại Hồng Kông năm 2015 đã giảm mạnh nhất trong 12 năm, tính từ năm 2003 khi dịch SARS khiến Hồng Kông điêu đứng.

“Những chuỗi cửa hàng bán lẻ cao cấp của chúng tôi kinh doanh rất khó khăn trong thời gian gần đây. Cách chi tiêu của người tiêu dùng khác trước rất nhiều, chúng tôi sẽ phải đổi chiến lược kinh doanh trong thời gian tới”, bà Fiona Shiu, quản lý của trung tâm thương mại Pacific Place nhận xét.

Chuyên gia phân tích về thị trường bất động sản tại ngân hàng UBS chi nhánh Hồng Kông, bà Eva Lee, dự báo giá cho thuê bất động sản tại Hồng Kông có thể giảm đến 25% trong 2 năm tới và giảm 40% sau 5 năm nữa.

Chỉ riêng 2 tháng đầu năm nay, số lượng khách Trung Quốc đến Hồng Kông đã giảm đến 18% so với cùng kỳ. Doanh số bán lẻ vì vậy không ngừng giảm sâu sau khi giảm 8,3% trong năm 2015.

Doanh số bán lẻ tại Hồng Kông tháng 2/2016 giảm 20,6% so với cùng kỳ. Doanh thu bán lẻ tháng 1/2016 giảm 6,6%. 

Nếu tính gộp cả tháng 1 và tháng 2, doanh thu bán các mặt hàng xa xỉ như trang sức, đồng hồ đeo tay và đồng hồ treo tường (những mặt hàng khách Trung Quốc rất ưa thích) giảm 24,2%. Doanh thu bán quần áo hạ 11,4%; doanh thu bán thuốc men và mỹ phẩm giảm 12,3% và doanh thu bán hàng tại các cửa hàng nói chung giảm 12,3%.

Theo giám đốc cao cấp phụ trách bộ phận bán lẻ tại Knight Frank LLP Hồng Kông, bà Helen Mak, trong suốt 10 năm qua, sự phát triển của phần lớn các trung tâm thương mại Hồng Kông đến từ việc người Trung Quốc đại lục mua gom vàng, trang sức, hàng hiệu, mỹ phẩm giá cao. Bà Mak khẳng định: “Thời kỳ đó đã chấm dứt”.

Theo dự báo của nhiều chuyên gia ngành bất động sản, thời kỳ sắp tới Hồng Kông sẽ chứng kiến sự “lên ngôi” của các sản phẩm, mặt hàng giá bình dân cho người dân địa phương. 

Tại trung tâm thương mại LandMark vốn được coi như biểu tượng tại Hồng Kông, cửa hàng bán sản phẩm cao cấp Pringle of Scotland đã rời đi để giành chỗ cho một nhà hàng Thái Lan. Và nhiều gian hàng cao cấp khác nay cũng được thay thế bởi cửa hàng bán hàng bình dân hơn.