07:35 01/04/2016

Bán lẻ Hồng Kông sụt giảm mạnh nhất trong 17 năm

Lệ Thu

Ngành bán lẻ Hồng Kông được dự báo sẽ vẫn tiếp tục khó khăn khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc

Khách Trung Quốc đại lục chiếm khoảng 70% lượng khách du lịch đến Hồng Kông - Ảnh: IGD Connect.
Khách Trung Quốc đại lục chiếm khoảng 70% lượng khách du lịch đến Hồng Kông - Ảnh: IGD Connect.
Thị trường bán lẻ tại Hồng Kông trong 2 tháng đầu năm đã suy giảm mạnh nhất trong 17 năm, theo tin mới nhất từ báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (South China Morning Post).

Theo Hiệp hội bán lẻ Hồng Kông, doanh số bán lẻ tại Hồng Kông trong 2 tháng đầu năm nay giảm 13,6%, mức giảm tồi tệ nhất tính từ năm 1999 khi kinh tế Hồng Kông bắt đầu đi xuống do chịu tác động từ khủng hoảng tài chính châu Á.

So với cùng kỳ năm 2015, tổng giá trị bán lẻ của Hồng Kông tháng 2 giảm 20,6% xuống 37 tỷ đôla Hồng Kông. Đáng chú ý giá trị bán lẻ tháng 2 giảm mạnh cao hơn hẳn mức giảm 7,8% của tháng 1.

Cũng trong 2 tháng đầu năm, số lượng du khách đến Hồng Kông giảm 13%, trong đó khách từ Trung Quốc đại lục giảm 18%, khách quốc tế vẫn tăng 7%.

Theo một phát ngôn viên của chính quyền Hồng Kông, ngành bán lẻ nước này sẽ vẫn còn tiếp tục khó khăn, ít nhất trong ngắn hạn bởi lượng khách du lịch nội địa giảm sâu và triển vọng kinh tế khu vực cũng như thế giới còn đối diện nhiều rủi ro.

Trên thực tế, không phải đến năm 2016 thị trường bán lẻ Hồng Kông mới đi xuống mà tình trạng u ám này đã bắt đầu từ năm 2014. Năm 2015, doanh số bán lẻ của Hồng Kông giảm 3,7%, xuống 45,2 tỷ đôla Hồng Kông, mức giảm như trên mạnh nhất từ năm 2002. 

Trong năm 2015, số lượng du khách Trung Quốc đại lục đến Hồng Kông giảm 2,5% xuống 59,32 triệu và là năm sụt giảm đầu tiên tính từ năm 2003 khi Hồng Kông nới lỏng quy định về visa đối với khách Trung Quốc đại lục. Khách Trung Quốc đại lục chiếm khoảng 70% lượng khách du lịch đến Hồng Kông.

Nguyên nhân sụt giảm của thị trường bán lẻ Hồng Kông được cho là bởi kinh tế Trung Quốc những năm gần đây khó khăn nên người Trung Quốc đại lục cũng “tằn tiện” hơn. Kinh tế Trung Quốc năm 2015 tăng trưởng chậm nhất trong 25 năm. Thị trường chứng khoán và bất động sản Trung Quốc gặp nhiều khó khăn trong năm 2015.

Ngoài ra, đồng đôla Hồng Kông được neo tỷ giá vào đồng USD, đồng USD tăng giá 9% trong năm 2015 khiến đồng đôla Hồng Kông tăng giá theo và hàng hóa tại Hồng Kông trở nên đắt đỏ hơn đối với du khách Trung Quốc. 

Nhiều người giàu Trung Quốc vì vậy chuyển hướng sang mua sắm đồ hiệu ở những nước như Nhật hay Pháp. Các doanh nghiệp bán lẻ Hồng Kông cũng gặp khá nhiều khó khăn bởi dù số lượng khách giảm, doanh số bán lẻ thấp hơn nhiều nhưng giá thuê nhà và lương nhân viên vẫn tăng không ngừng, không ít công ty bán lẻ đã phải rút khỏi thị trường.