Bán ròng 85.000 tỷ đồng từ đầu năm, khối ngoại sẽ còn xả bao nhiêu nữa?
Thống kê trên HoSE cho thấy, tính từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 85.000 tỷ đồng tương đương hơn 3,3 tỷ USD...
Tỷ giá vẫn liên tục phả hơi nóng hầm hập vào thị trường chứng khoán dù đã quay đầu giảm nhẹ trong một hai phiên gần đây. Sáng 19/11, tỷ giá trung tâm đồng Việt Nam với USD tại Ngân hàng Nhà nước công bố mức 24.288 VND/USD, giảm 10 VND. Trên thị trường Mỹ, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) hiện ở mức 106,22 điểm, giảm 0,47%.
Trên thị trường, khối ngoại liên tiếp bán ròng từ cuối tháng 10 đến nay khi đồng USD mạnh lên so với VND. Chỉ trong vòng 10 phiên gần nhất, nhóm này đã xả ròng hơn 9.000 tỷ đồng, riêng phiên giao dịch hôm nay nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 1.650 tỷ.
Thống kê trên HoSE cho thấy, tính từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 85.000 tỷ đồng tương đương hơn 3,3 tỷ USD. Trước áp lực của khối ngoại, VN-Index đã bốc hơi 34 điểm trong tuần qua và tiếp tục rơi về sát mốc 1.200 điểm.
Nhận định về xu hướng bán ròng của khối ngoại và triển vọng thị trường, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc khối phân tích nghiên cứu khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta cho biết, ở thời điểm hiện tại rất khó để nói thị trường đã hình thành đáy hay chưa, chỉ khi đi qua rồi nhìn lại mới biết đó là vùng đáy.
Mặc dù vậy, điểm hấp dẫn của thị trường đã quay trở lại. Nếu như thời điểm tháng 4 và tháng 8 Vn-Index nhúng về vùng 1.200 điểm nhưng rất khó để bật lên vì PE khi đó còn cao, thì bây giờ thị trường đang về vùng giá rẻ. PE hiện đang quanh mức 12 lần, EPS 3 quý vừa qua tăng trưởng rất tốt nhờ đó sự hấp dẫn của thị trường tăng lên. Quá khứ cho thấy, mỗi khi thị trường nhúng về 1.200 điểm sẽ có lực bắt đáy thì lần này cũng sẽ diễn ra tương tự. Thậm chí sẽ không về vùng 1.200 sẽ có dòng tiền vào.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư hiện tại đang lo sợ kịch bản năm 2022 quay trở lại nhưng vĩ mô bây giờ đã tốt hơn rất nhiều, không có lí do gì để Vn-Index bị đạp quá sâu. Áp lực đồng USD tăng lên gây sức ép lên đồng tiền các nước khác bao gồm cả Việt Nam nhưng 1-2 hôm nay VND bắt đầu hồi trở lại.
Đỉnh tỷ giá là đáy chứng khoán. Ông Minh nghiêng về kịch bản chỉ số DXY tiệm cận vùng 107, tỷ giá cũng đang ở vùng đỉnh lịch sử 25.500 đồng, nếu đồng USD điều chỉnh không vượt 107 thì VN-Index sẽ hình thành đáy. Điểm tích cực là lợi suất trái phiếu Mỹ đang chững lại, VN-Index đã về 1.200, định giá của thị trường hấp dẫn. Kỳ vọng một vài ngày tới Ngân hàng Nhà nước sẽ có các động thái như bán USD để kiềm chế tỷ giá.
Mặc dù vậy, tâm lý nhà đầu tư trong nước vẫn nhìn vào khối ngoại bán ròng. Trong kịch bản xấu hơn, chỉ số DXY tăng vọt 107 áp lực tỷ giá còn, khối ngoại vẫn là chỉ báo tâm lý xấu thì có thể VN-Index nhúng xuống 1.200 rồi sau đó đi lên.
Theo thống kê của Yuanta, quy mô vốn hóa toàn thị trường hiện hơn 260 tỷ USD, trong đó khối ngoại đang sở hữu 16%, khoảng 10-15% trong số đó là nhà đầu tư chiến lược nắm giữ tỷ lệ lâi dàu, 1% còn lại tương đương khoảng 2 tỷ USD có thể mua bán liên tục và nhiều khả năng sẽ bị rút ra tiếp.
Cùng nhận xét về xu hướng khối ngoại vẫn bán ròng mạnh, ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh số, Chứng khoán VPBank, cho biết trên thị trường khối ngoại vẫn là nhóm được đánh giá dòng tiền thông minh dù tỷ trọng giao dịch chỉ còn rất thấp 8-9%. Khi khối ngoại bán thì thị trường có thể không xuống nhưng khi thị trường muốn tạo đáy thì khối ngoại phải mua vào. Tinh thần nhà đầu tư lúc này đã đi xuống và phải bấu víu vào dòng tiền thông minh. Do vậy, khi khối ngoại quay lại mua ròng 1 đến 2 tuần đầu và xu hướng khá chắc chắn thì thị trường có khả năng tạo đáy cao hơn.
Thị trường rất khó và chúng ta gần như không bao giờ đoán được đáy. Do vậy, nhà đầu tư nên xem nhóm cổ phiếu nào mua thì ít rủi ro hơn. Định giá thị trường theo PE về 11 là mức thấp rồi và thị trường chứng khoán đang ở kịch bản tăng trưởng nhanh hay chậm.
"Nếu nhà đầu tư cho rằng yếu tố vĩ mô như thuế quan, tỷ giá, đồng USD có thể khiến lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng thấp hơn vào năm sau, khi đó nên bắt đầu bắt đáy nhóm bán lẻ, chăm sóc sức khỏe, thực phẩm và đồ uống.
Ngược lại, nếu cho rằng Việt Nam vẫn được hưởng lợi từ chiến tranh thương mại, dòng vốn FDI, doanh nghiệp duy trì mức tăng trưởng nhanh, nhà đầu tư nên bắt đáy cổ phiếu công nghiệp, hàng xa xỉ như PNJ. Tùy vào quan điểm kịch bản kinh tế tăng trưởng nhanh hay chậm mà nhà đầu tư nên bắt đáy nhóm cổ phiếu nào", vị này khuyến nghị.