Bão áp sát miền Trung, nhiều địa phương ngập lụt
Bão số 4 gây mưa lớn cho nhiều tỉnh, thành miền Trung, một số địa phương bị ngập lụt, lực lượng chức năng đã khẩn trương di dời hàng trăm hộ dân đến nơi an toàn...
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 9h ngày 19/9, tâm bão số 4 vào khoảng 17.4 độ Vĩ Bắc; 108.2 độ Kinh Đông, cách đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị) khoảng 90km về phía Đông; cách Quảng Trị khoảng 120km về phía Đông Đông Bắc.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 11. Dự báo trong 3 giờ tới, bão số 4 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ khoảng 25km/h.
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế có mưa lớn diện rộng, phổ biến từ 10mm-30mm, có nơi mưa to kéo dài như Vườn Quốc gia Bạch Mã 39mm. Dự báo do ảnh hưởng của hoàn lưu áp tháp nhiệt đới, bão trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ sáng nay 19/9 đến ngày 21/9 có mưa to, mưa rất to và rải rác có dông. Trong cơn dông đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh. Hiện nay các công trình hồ chứa nước thuỷ lợi, thuỷ điện trên địa bàn tỉnh này đang ở mực nước thấp, đảm bảo an toàn.
Sáng ngày 19/9, một số địa phương miền núi A Lưới, Nam Đông đã tiến hành di dời dân phòng ngập lụt, trượt lở đất. Trong khi đó, ở vùng ven biển đã xuất hiện xói lở, xâm thực biển.
Tại xã Hồng Hà, huyện A Lưới đã tiến hành di dời khẩn cấp 11 hộ dân với 45 nhân khẩu tại thôn Pa Hy. Đây là điểm có địa hình phức tạp, đồi núi dốc. Những hộ dân đã được di dời đến nhà người thân kiên cố hơn, các khu vực cao ráo và được bố trí thức ăn, nước uống. Các hộ có người già, đau ốm được đưa đến trạm y tế của xã.
Trong sáng 19/9, các xã Hồng Bắc, Hồng Kim, Hồng Thủy, Quảng Nhâm, Phú Vinh… cũng đã di dời hàng trăm hộ dân đến nơi an toàn. Đặc biệt, tại xã Quảng Nhâm có 4 điểm ngập úng cục bộ, có 6 điểm sạt lở đất đá gây thiệt hại. Đến nay, xã Quảng Nhâm đã tổ chức di dời 87 hộ dân tại thôn Âr Bả Nhâm và 4 hộ tại thôn A Hươr Pa E đến trú an toàn tại nhà sinh hoạt cộng đồng, Trường tiểu học Quảng Nhâm và nhà người thân. Chính quyền đã chỉ đạo các lực lượng hỗ trợ dân di chuyển đồ đạc, cấm người, phương tiện qua các ngầm tràn nguy hiểm, chặt cây gãy đổ trên đường để đảm bảo lưu thông.
Tại huyện Nam Đông, ngay trong đêm 18/9, lực lượng chức năng đã tiến hành sơ tán 34 hộ với 119 khẩu đến vị trí an toàn. Cụ thể, tại xã Thượng Long 16 hộ với 64 khẩu; xã Thượng Nhật 3 hộ với 12 khẩu và thị trấn Khe Tre 15 hộ với 43 khẩu. Đây là những hộ dân nằm ở các vị trí dễ ngập lụt, trượt lở đất đá trên đồi núi, sông suối.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của bão số 4, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh này đã lên phương án sơ tán, di dời để đối phó với bão là 16.349 hộ/52.186 khẩu; phương án sơ tán, di dời để đối phó lũ quét, sạt lở đất là 3.743 hộ/13.615 khẩu.
Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã dự trữ 100 tấn gạo và 100 tấn mì tôm cũng như dự trữ tại chỗ nhiều mặt hàng thiết yếu để phục vụ người dân ở các khu vực nguy cơ sạt lở, chia cắt, cô lập. Hiện nay, nhiều khu vực thấp trũng tại thành phố Huế và các huyện thị vùng ven bị ngập úng cục bộ.
Tại Quảng Trị, nhiều tuyến đường ở 2 huyện miền núi Hướng Hoá và Đakrông bị chia cắt cục bộ do một số tràn bị ngập sâu như tràn Ly Tôn nước ngập khoảng 0,2m; tràn qua thôn Loa, xã Ba Tầng nước dâng cao 1m. Tại các khu vực ngập sâu, lực lượng chức năng đã dựng rào chắn nghiêm cấm người và phương tiện lưu thông.
Sáng 19/9, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị cũng đã có văn bản gửi Phòng giáo dục đào tạo các huyện, thị xã, thành phố; các đơn vị trực thuộc sở; Trường Phổ thông liên cấp CĐSP Quảng Trị; Trung tâm giáo dục nghề nghiêp - giáo dục thường xuyên các huyện, thị xã, thành phố và các trung tâm ngoại ngữ, tin học, giáo dục kỹ năng sống, tư vấn du học, cơ sở dạy thêm, học thêm chủ động các biện pháp ứng phó bão số 4.
Theo đó, tùy theo tình hình diễn biến của bão số 4 ở từng địa bàn, thủ trưởng các đơn vị, trường học chủ động cho học sinh nghỉ học; hoãn các cuộc họp, cuộc thi, hội nghị, tập huấn chưa thực sự cấp bách; đặc biệt, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho giáo viên làm nhiệm vụ và học sinh tham dự Kỳ thi chọn học sinh giỏi văn hóa lớp 12 THPT năm học 2024-2025 đến khi kết thúc đợt thiên tai nguy hiểm.
Tại tỉnh Quảng Bình, trong đêm 18/9 đến trưa 19/9, tại các huyện miền núi biên giới Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình xảy ra mưa lớn gây chia cắt cục bộ, khiến nhiều bản, làng trong khu vực bị cô lập.
Một số sông suối ở xã Dân Hóa, Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, mực nước ở các sông suối dâng cao gây ngập và chia cắt cục bộ nhiều tuyến đường dẫn vào các bản làng vùng biên của tại các địa phương này..
Nước chảy xiết từ các thượng nguồn đã khiến một số khu vực dân cư bị cô lập hoàn toàn. Người dân ở bản K Ai (xã Dân Hóa) cho biết ngầm tràn, con đường duy nhất dẫn vào bản đã bị ngập, nước dâng cao gần 1m khiến người và phương tiện không thể qua lại.
Tại ngầm CuPi, Tà Cổ ở xã Trọng Hóa xảy ra xói lở, nước dâng cao khoảng 0,5 - 1 m khiến 2 bản làng của địa phương bị cô lập, chia cắt, người và phương tiện không thể lưu thông. Các đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo, Đồn Biên phòng Ra Mai thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã phối hợp chính quyền địa phương cắm biển báo, tuyên truyền người dân không qua lại khu vực nước chảy xiết.
Ngay trong đêm, Đồn Biên phòng Cà Xèng, Đồn Biên phòng Ra Mai đã phối hợp với địa phương vận động tổ chức di dời 105 hộ với 506 khẩu thuộc các xã Trọng Hóa, Hóa Sơn, Thượng Hóa nằm trong khu vực có nguy cơ bị sạt lở, ngập lụt di dời đến nơi an toàn.
Trước đó, chính quyền thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa cũng đã tổ chức di dời gần 40 hộ dân sống dưới chân núi Cây Sường, bởi dãy núi này trước đó xảy ra tình trạng sụt lún, nứt nẻ nhằm phòng tránh tình trạng mưa lớn gây sạt lở và có thể đổ sập xuống bất cứ lúc nào nhằm tránh nguy hiểm tính mạng, tài sản cho người dân.
Để ứng phó với bão số 4, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình duy trì 42 tổ nắm tình hình địa bàn. Bên cạnh đó, duy trì quân số ứng phó với các tình huống xảy ra, 8 cano và trang bị hiện có sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có lệnh.