19:40 17/07/2007

Báo cáo của Merrill Lynch: Thử nhìn một góc khác

Nguyễn Đức Thành

Sự dịch chuyển về quan điểm của nhóm tác giả báo cáo dường như song hành với sự thay đổi về nhân sự

Trước trụ sở Merrill Lynch, tập đoàn đầu tư tài chính lớn tại Mỹ - Ảnh: Bloomberg.
Trước trụ sở Merrill Lynch, tập đoàn đầu tư tài chính lớn tại Mỹ - Ảnh: Bloomberg.
Nếu như thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc sau khi báo cáo mới đây của Merrill Lynch được công bố, thì có lẽ tập đoàn này sẽ là người “dọn cỗ” cho những ai đầu cơ nhờ giá xuống.

>>Xem thêm tin bài liên quan đến Merrill Lynch

Bởi thực ra, việc Merrill Lynch rút ra khỏi Việt Nam - trong trường hợp khuyến nghị của nhóm tác giả báo cáo này được chấp nhận - không nói lên nhiều về thị trường Việt Nam. Nó nói về chính Merrill Lynch nhiều hơn.

Nhìn vào bảng phân bổ tài sản đầu tư của Merrill Lynch ở châu Á, dễ dàng thấy là Merrill Lynch có thế mạnh đầu tư vào các thị trường đã khá phát triển, như bốn con hổ châu Á (Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore) và Úc, tổng cộng gần 70%. Trong khi đó, các thị trường mới nổi và nhỏ như các nước Đông Nam Á (Thái Lan, Indonesia, Philippines, Việt Nam) rõ ràng lại không phải là thế mạnh của Merrill Lynch (chỉ chiếm vỏn vẹn có 8,5%).

Phần vốn đầu tư còn lại của Merrill Lynch được phân bổ cho Trung Quốc (14%) và Nam Á (5%), chia đều cho Ấn Độ và Pakistan, mỗi nước 2,5%. Những thị trường khổng lồ này có quy mô rất lớn, cơ hội đầu tư còn nhiều, do đó việc nhóm tác giả báo cáo nhấn mạnh phải đẩy mạnh đầu tư vào thị trường Ấn Độ và Trung Quốc là một điều dễ hiểu, xét từ giới hạn nguồn lực của Merrill Lynch.

Bây giờ, tôi sẽ đi sâu hơn phân tích quan điểm của báo cáo nêu trên, cũng như bối cảnh thực hiện báo cáo của nhóm tác giả. Tất nhiên, những gì được phân tích ở đây chỉ dựa trên nguồn tài liệu mà tôi đang có hiện nay mà thôi.

Báo cáo sớm nhất mà tôi có trong tay đề ngày 2/2/2006, tức là khá lâu rồi, do Spencer White và Stephane Corry, Willie Chan thực hiện (tất cả đều thuộc Merrill Lynch Hồng Kông). Vì tên tác giả không viết theo thứ tự ABC, ta có thể phỏng đoán Spencer là trưởng nhóm. Báo cáo này rất chi tiết, dài 52 trang. Tinh thần chung của báo cáo rất lạc quan, đại ý là thúc giục Merrill Lynch tiến vào Việt Nam càng sớm càng tốt.

Báo cáo thứ hai đề ngày 29/6/2006, vào thời điểm khi thị trường đang đi xuống (chắc nhiều người còn nhớ giai đoạn này, vì từ đây trở đi đến tầm tháng 8 là giai đoạn ôm vào cổ phiếu “ngon lành” nhất của năm 2006). Báo cáo này vẫn giữ nguyên đội hình tác giả. Mặc dù trước tình hình thị trường đang đi xuống, báo cáo vẫn rất lạc quan về thị trường, và tin rằng sẽ có sự mở rộng trong tương lai. Báo cáo này tập trung chủ yếu vào chủ đề chứng khoán và ngân hàng.

Báo cáo thứ ba đề ngày 5/10/2006, nhưng thấy có phụ chú “đã hiệu chỉnh” (corrected). Trong nhóm tác giả lần này, cái tên Mark Mathews chỉ đứng sau Spencer, và Mark là người của Merrill Lynch Singapore chứ không phải Hồng Kông như các thành viên còn lại. Điều thú vị là khi đây chính là lúc thị trường đang phục hồi và sẽ tăng mạnh liên tục vài tháng nữa, thì tinh thần báo cáo này đã bắt đầu có những nhận định không tích cực về thị trường Việt Nam.

Và trong báo cáo cuối cùng mà tôi có, tức là báo cáo gần đây nhất (5/7/2007), thì Spencer đã hoàn toàn biến mất và Mark giữ vị trí trưởng nhóm. Báo cáo này, như chúng ta đã biết, hoàn toàn bi quan với thị trường Việt Nam và khuyến nghị định hướng nguồn lực của Merrill Lynch vào Trung Quốc.

Như vậy, dù không biết gì nhiều về nội tình của Merrill Lynch, qua những dữ kiện trên, chúng ta phần nào có thể cảm nhận rằng sự dịch chuyển về quan điểm của nhóm tác giả báo cáo dường như song hành với sthay đổi v nhân sự tư vấn cho các vấn đề liên quan đến Việt Nam. Khuynh hướng quan điểm của nhóm tác gichuyển dịch theo hướng từ lạc quan sang bi quan, và đôi khi có vkhông hề phụ thuộc vào tình hình thị trường.

Ở đây, chúng ta nhớ lại câu cách ngôn nổi tiếng của Goethe: “Thực tiễn đã là lý thuyết rồi”, mà các nhà kinh tế Áo rất hay trích dẫn.

Vậy là, các nhà đầu tư Việt Nam dường như đang bị tác động bởi những cuộc tranh chấp tư tưởng nào đó, trong một văn phòng nhỏ bé, cách xa họ hàng ngàn cây số. Sự mất tự chủ dễ dàng của họ, nếu có, tất nhiên sẽ mang lại những hậu quả mà chính họ phải gánh chịu.