Báo chí và hành trình tìm lại những giá trị cốt lõi
Làng báo Việt tiến hành công cuộc cách mạng lớn chưa từng có khi bước vào tuổi 95
Làng báo Việt tiến hành công cuộc cách mạng lớn chưa từng có khi bước vào tuổi 95. Như mọi cuộc cách mạng, đều không tránh khỏi tổn thương, song nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, "cách mạng để tìm lại những giá trị cốt lõi của mình và khẳng định vai trò báo chí trong giai đoạn mới".
Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 được Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thành vào năm 2015. Nhưng phải đến 4 năm sau, sau rất nhiều bàn thảo, cân nhắc, căn cứ ý kiến của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư, tháng 4/2019, Thủ tướng mới đặt bút phê duyệt Quy hoạch này.
Thủ tướng khẳng định mục tiêu thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, là để sắp xếp hệ thống báo chí gắn với đổi mới mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí để phát triển hệ thống báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử. Xây dựng một số cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện làm nòng cốt, có vai trò định hướng dư luận xã hội, thông tin đối ngoại.
Sắp xếp hệ thống báo chí, khắc phục tình trạng chồng chéo, đầu tư dàn trải, buông lỏng quản lý, hoạt động xa rời tôn chỉ, mục đích; gắn với việc xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo, quản lý báo chí của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là của người đứng đầu cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong tình hình mới.
"Đất nước ta đang bước vào giai đoạn mới của quá trình phát triển với những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Khoa học công nghệ phát triển nhanh trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 và sự bùng nổ của công nghệ thông tin, truyền thông, đặt ra những yêu cầu mới đối với lĩnh vực báo chí. Tình hình quốc tế và khu vực có những diễn biến phức tạp và khó lường. Trong nước, nền kinh tế nước ta tiếp tục xu hướng phát triển thuận lợi nhưng còn nhiều khó khăn, thách thức", Thủ tướng nhắn nhủ, "bối cảnh quốc tế và trong nước đòi hỏi báo chí cách mạng và đội ngũ nhà báo, người làm báo phải tiếp tục đổi mới, sáng tạo, nỗ lực phát huy hơn nữa vai trò, vị thế của báo chí trong việc đưa tin, định hướng dư luận, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới".
Đang bước chậm sau thời cuộc
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng yêu cầu thực hiện ngay quy hoạch báo chí đã được phê duyệt trong năm 2019, rà soát cấp phép lại hoặc thu hồi giấy phép hoạt động đối với các tổ chức, cơ quan trong thời gian qua đã buông lỏng quản lý, có nhiều vi phạm trong hoạt động báo chí.
Thực tế, trong bất kỳ lĩnh vực nào đều phải có quy hoạch để bảo đảm phát triển đúng định hướng. Quy hoạch báo chí được xây dựng, trước hết xuất phát từ thực trạng báo chí hiện nay, đông nhưng không mạnh, thậm chí còn tồn tại vô vàn hạt sạn.
Như tại Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2017, ông Võ Văn Thưởng chỉ ra nhiều hạn chế, thiếu sót của hoạt động báo chí như xa rời tôn chỉ, mục đích, nhất là một số báo điện tử. Khuynh hướng giật gân, câu khách, xào lại tin bài báo khác tương đối phổ biến.
Người đứng đầu ngành tuyên giáo còn dẫn ra sự cố "59 tờ báo vi phạm khi đưa tin khởi tố 2 nguyên lãnh đạo Tập đoàn dầu khí Việt Nam là do xào lại thông tin từ TTXVN nhưng lại "loè" bạn đọc là của nguồn tin riêng. Trong khi đó, mức xử phạt như gãi ngứa, chưa đủ răn đe".
Cũng theo ông Thưởng, một số phóng viên kiến thức mỏng nhưng lại ảo tưởng về quyền lực, liên kết với nhau đi vòi vĩnh, làm tiền, không chỉ với doanh nghiệp mà cả cán bộ lãnh đạo. Trong một vụ việc xảy ra ở Yên Bái, một phóng viên khai đưa "bao thư" cho 3-4 nhà báo khác. Nhuận bút bài không đăng cao hơn nhuận bút bài đăng và nhuận bút gỡ bài nhiều hơn nhuận bút đăng bài...