07:55 28/05/2024

Bảo hiểm nhân thọ: Cân bằng "tam giác lợi ích"

Phan Linh

Mặc dù thị trường bảo hiểm nhân thọ tiếp tục ghi nhận sụt giảm về tổng doanh thu phí và doanh thu khai thác mới trong quý 1/2024, nhưng giới phân tích đánh giá đây là “dư âm sót lại sau sự cố năm 2023”. Theo các chuyên gia, để thị trường phát triển bền vững, cần thực thi các giải pháp nhằm cân bằng lợi ích ba bên: doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý bảo hiểm và khách hàng...

Sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thuần bảo vệ được đón nhận tích cực.
Sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thuần bảo vệ được đón nhận tích cực.

Rất ít ngành hàng có bộ luật riêng từ rất sớm như bảo hiểm (từ năm 2000). Chính phủ cũng xây dựng Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030. Điều này cho thấy Đảng, Nhà nước rất quan tâm, chú trọng phát triển thị trường bảo hiểm, xác định vị thế ngành này đối với nền kinh tế.

HÀNH LANG PHÁP LÝ ĐỒNG BỘ VÀ CHẶT CHẼ HƠN

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng bảo hiểm nói chung và bảo hiểm nhân thọ nói riêng có vai trò quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội và là nguồn vốn dài hạn cho nền kinh tế.

Theo đó, bảo hiểm nhân thọ có vai trò quan trọng trong bảo đảm an sinh xã hội vì các chính sách của Nhà nước chỉ bao quát được một phần chứ không thể toàn bộ và bảo hiểm nhân thọ góp phần giảm rủi ro cho cuộc sống của mỗi người.

Thực tế cho thấy, dù không phải sản phẩm thiết yếu nhưng bảo hiểm nhân thọ hiển nhiên là bộ đệm dự phòng rủi ro, giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của biến cố không may mắn đối với cuộc sống của mỗi người. Ở góc độ nền kinh tế, nguồn vốn đầu tư dài hạn từ các doanh nghiệp bảo hiểm rất có ý nghĩa, tạo nguồn lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển. 

 
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI.

"bảo hiểm nói chung và bảo hiểm nhân thọ nói riêng có vai trò quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội và là nguồn vốn dài hạn cho nền kinh tế.

Ngành bảo hiểm nói chung và bảo hiểm nhân thọ nói riêng thường được ví như chiếc lan can. Nghĩa là, dù cầu thang không có lan can thì chúng ta vẫn bước lên cao nhưng nếu có lan can thì rõ ràng sẽ an toàn và an tâm hơn".

Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), cho rằng hiện nay Việt Nam đang hướng tới xây dựng xã hội thịnh vượng, giàu có chứ không chỉ đủ ăn, đủ mặc như trước, nên yếu tố an toàn ngày càng được người dân chú trọng, lúc này, bảo hiểm thể hiện được vai trò của mình.

Vị luật sư này đánh giá những sự cố xảy ra trên thị trường bảo hiểm năm 2023 là “trận ốm” khiến thị trường chậm lại để chấn chỉnh và phát triển tốt hơn trong tương lai chứ không phải suy thoái.

Ông Đức cho biết, ông từng tham gia bảo hiểm nhân thọ ngay từ năm 2000 khi những sản phẩm bảo hiểm nhân thọ đầu tiên xuất hiện. Sau đó, trong vai trò luật sư, ông đã tư vấn và giải quyết nhiều vụ tranh chấp trong ngành bảo hiểm. Có những giai đoạn, ông thực sự bức xúc trước nhiều vấn đề bất ổn của thị trường. Tuy nhiên, hơn 1 năm qua, với sự thay đổi về thể chế chính sách, hành lang pháp lý chặt chẽ hơn rất nhiều. Không chỉ Luật Kinh doanh bảo hiểm mà Luật Các tổ chức tín dụng 2024 cũng bổ sung nhiều quy định mới đối với ngân hàng khi trở thành đại lý bảo hiểm. Thời gian qua, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng rất tích cực thay đổi về quy trình tư vấn, cải tiến sản phẩm, nâng cao chất lượng đào tạo đại lý…

Dù doanh số có thể chưa tăng như kỳ vọng nhưng điều quan trọng là những giải pháp trên sẽ giúp thị trường bảo hiểm nhân thọ thay đổi căn bản, chuyển từ lượng sang chất. Điều này giúp thu hút, giữ chân khách hàng để hướng tới phát triển bền vững.

“Thị trường tài chính của Việt Nam còn rất non trẻ và đang trong quá trình trưởng thành. Tôi cho rằng theo quy luật tự nhiên thì bất kỳ thị trường nào trải qua quá trình trưởng thành cũng gặp những biến cố như vậy. Những thách thức đã trải qua sẽ giúp cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp và khách hàng có những bài học kinh nghiệm để thay đổi nhận thức và điều chỉnh hành vi”, ông Đậu Anh Tuấn lạc quan.

Theo ông Tuấn, sự trưởng thành của thị trường tài chính Việt Nam những năm tới đây sẽ khiến các dịch vụ tài chính cá nhân ngày càng phát triển; từ đó thì người dân cũng sẽ gia tăng hiểu biết của mình về các sản phẩm tài chính nói chung và sản phẩm bảo hiểm nhân thọ nói riêng. Lúc đó, các tranh chấp sẽ được xử lý một cách chuyên nghiệp và văn minh; góp phần ổn định thị trường.

ĐẢM BẢO LỢI ÍCH CẢ BA BÊN

Ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), cho biết trong hơn một năm qua, Hiệp hội đã tăng cường học hỏi kinh nghiệm quốc tế từ các thị trường lân cận cũng như liên tục tương tác với doanh nghiệp hội viên để cùng nhau thảo luận các giải pháp nâng cao chất lượng cho thị trường.

“Chúng tôi đã phát huy vai trò đầu mối, đưa ra những kinh nghiệm, những nguyên tắc thực hành tốt nhất để các cái hội viên học hỏi thị trường bạn cũng như học hỏi lẫn nhau”, đại diện IAV nói.

Cũng theo ông Dũng, sau năm 2023 vừa rồi, IAV đã xem xét, bổ sung, ban hành bộ quy tắc đạo đức, quy tắc ứng xử của đại lý bảo hiểm thông qua sửa quy chế xử phạt đại lý bảo hiểm. Hiện nay, IAV đang rà soát lại các hành vi vi phạm để đáp ứng những yêu cầu mới của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2023. Đồng thời bổ sung chế tài tăng tính răn đe.

Theo các chuyên gia, trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nên tập trung củng cố niềm tin của những khách hàng đã và đang tin tưởng sử dụng sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Thông qua những khách hàng này, niềm tin sẽ được lan tỏa đến các bên liên quan.

Các chuyên gia nhấn mạnh, thị trường bảo hiểm nhân thọ chỉ phát triển bền vững khi lợi ích ba bên: doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý bảo hiểm và khách hàng được cân bằng.

Phát biểu tại hội nghị về bảo hiểm nhân thọ mới đây tại Hà Nội, ông Nguyễn Hồng Sơn, Tổng giám đốc, ChubbLife Việt Nam, thừa nhận rằng trong giai đoạn vừa qua, một bộ phận khách hàng đã cảm thấy mất cân đối nghiêm trọng trong tam giác lợi ích nói trên dẫn đến tình trạng phản đối, biểu tình, hủy hợp đồng khi không ít trong số đó cảm thấy quyền lợi bảo hiểm mà họ nhận được không giống những gì họ hiểu và kỳ vọng. Bởi vậy, các giải pháp mà doanh nghiệp đưa ra cũng nhằm đạt được mục tiêu cân bằng lợi ích nói trên.

“Phải đảm bảo các lợi ích của khách hàng vì họ mang tới doanh thu để nuôi sống doanh nghiệp. Họ không chỉ mua sản phẩm bảo hiểm trong một năm mà đồng hành nhiều với mình. Do đó, trước tiên phải đảm bảo đáp ứng nhu cầu và lợi ích của khách hàng; phải hiểu rõ khách hàng muốn gì và cần gì. Nếu chỉ nhìn thấy lợi ích trong ngắn hạn của năm nay mà không nghĩ tới những năm sau nữa thì không thể nào tồn tại được...”, Tổng giám đốc ChubbLife Việt Nam nói.

Cùng đó, ông Sơn nhấn mạnh việc truyền thông tới những người thực thi về “tam giác đều” lợi ích nói trên là hết sức quan trọng.

“Quy định pháp luật, quy chế của IAV hay của các doanh nghiệp bảo hiểm đưa ra chỉ là định hướng, vấn đề mấu chốt vẫn nằm ở những người thực hiện trực tiếp. Quy định, quy trình thì rất chặt chẽ, nghiêm túc, nhưng mà đến lúc thực thi thì rủi ro liên quan đến con người là rất cao. Cũng có những sai sót không phải do người thực thi, đại lý bảo hiểm cố tình vi phạm mà do họ chưa hiểu hết nguyên tắc cân bằng lợi ích giữa ba bên nên không tìm ra giải pháp phù hợp”, ông Sơn phân tích.

Ở chiều ngược lại, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng mặc dù khách hàng là “thượng đế” nhưng bên cạnh quyền lợi, khách hàng cũng phải hiểu rõ trách nhiệm của mình khi tham gia bảo hiểm nhân thọ. Bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm tài chính phức tạp nên khi mua, khách hàng phải cân nhắc, thận trọng, trung thực trong cung cấp thông tin để đảm bảo khi xảy ra rủi ro được chi trả quyền lợi nhanh chóng, thuận tiện...

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 21-2024 phát hành ngày 20/5/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

 

Bảo hiểm nhân thọ: Cân bằng "tam giác lợi ích" - Ảnh 1