09:35 12/11/2011

Bảo hiểm tiền gửi: Ngộ nhận nhà nước “bảo kê”

Nguyễn Vũ

Tới thời điểm này Bảo hiểm tiền gửi mới chi trả cho 39 tổ chức tín dụng nhân dân với số tiền 21 tỷ đồng

Nhiều vị đại biểu Quốc hội đề nghị chọn mô hình "giảm thiểu rủi ro" cho bảo hiểm tiền gửi - Ảnh: CTV.
Nhiều vị đại biểu Quốc hội đề nghị chọn mô hình "giảm thiểu rủi ro" cho bảo hiểm tiền gửi - Ảnh: CTV.
“10 năm vừa qua, cái may cho Bảo hiểm tiền gửi là không phải trả tiền cho ai đối với hệ thống ngân hàng thương mại, mà tới thời điểm này cũng mới chi trả cho 39 tổ chức tín dụng nhân dân với số tiền 21 tỷ đồng”.

Đây là thông tin được đại biểu Trần Du Lịch cho biết tại phiên thảo luận tại hội trường của Quốc hội về dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi, sáng 11/11.

“Con số này, tôi mới kiểm tra chiều hôm qua với ông Tổng giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam”, đại biểu Lịch nhấn mạnh.

Nhưng “cái may” này, theo ông, chưa hẳn đã có thể là chỗ dựa vững chắc của người gửi tiền. Bởi ngân hàng là lĩnh vực kinh doanh đặc biệt, kinh doanh bằng tiền của người khác là chủ yếu, không phải tiền của mình và qua hệ thống tín dụng, do đó có nhiều rủi ro.

Chính vì vậy, bảo hiểm lớn nhất cho người gửi tiền đó là an toàn hệ thống, là công cụ của Ngân hàng Nhà nước về công cụ tiền tệ để giải quyết thanh khoản và làm sao không để ngân hàng bị phá sản gây hệ thống. Còn bảo hiểm tiền gửi chỉ là một bộ phận tham gia vào quá trình này, không phải là cái chủ yếu để tạo an toàn cho người gửi tiền.

Theo đại biểu Lịch, trong mấy năm qua và đặc biệt trong thời điểm hiện nay nhiều ngân hàng thương mại rất yếu nhưng vẫn cứ chạy đua lãi suất và người gửi tiền vẫn tiếp tục gửi tiền dù biết rằng rủi ro cao nhưng người dân vẫn tin tưởng đem tiền đến gửi.

“Bởi vì người ta nghĩ rằng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước không để cho nó phá sản, chứ không phải người ta nghĩ rằng tôi được bảo hiểm 50 triệu đồng mà tôi mạnh dạn gửi tiền”, ông Lịch lý giải.

Sự ngộ nhận là tiền gửi là được nhà nước “bảo kê” hết cũng đã từng được đề cập tại phiên thảo luận tổ về dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi.

Với cả 17 vị đại biểu tham gia thảo luận tại hội trường sáng 11/1, một cái may được đại biểu Lịch chỉ ra không ai phủ nhận, song quan ngại về cái rủi thì xuất hiện ở nhiều nội dung tại dự thảo luật.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) Phạm Huy Hùng nói rằng, trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, rủi ro đạo đức là vấn đề khó tránh khỏi.

Nền kinh tế đang chuyển đổi cơ chế, vấn đề minh bạch và trách nhiệm giải trình của các tổ chức tín dụng còn rất hạn chế, một hệ thống bảo hiểm tiền gửi hoàn toàn độc lập cũng chưa phải phù hợp, tạm thời trước mắt trực thuộc Ngân hàng Nhà nước thì phù hợp hơn, ông Hùng phân tích.

Tuy nhiên, với một số vị đại biểu khác thì sự rủi ro sẽ tăng lên khi tổ chức bảo hiểm tiền gửi không hoàn toàn độc lập.

Đề nghị tổ chức bảo hiểm tiền gửi phải trực thuộc Chính phủ, không nên trực thuộc ngân hàng, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) nhấn mạnh ưu điểm của mô hình này là nhằm hạn chế khả năng xảy ra đổ vỡ, bảo đảm sự ổn định và an toàn cho hệ thống ngân hàng, giảm thiểu các nguy cơ về tổn thất vỡ các quỹ tín dụng.

Cũng nói về vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, đại biểu La Ngọc Thoáng (Cao Bằng) than phiền là, khi so sánh với nội dung của dự thảo trình ra Quốc hội lần này nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đã nhận xét đây là một bước thụt lùi, khi đã sáp nhập tổ chức này vào Ngân hàng Nhà nước thay vì do Thủ tướng thành lập như hiện hành.

Ngay cả hội đồng thẩm định của Bộ Tư pháp cũng nhận xét vai trò của bảo hiểm tiền gửi trong dự thảo luật quá mờ nhạt, bị hạ thấp nhiều so với pháp luật hiện hành, vị thế bị thu hẹp làm giảm sút niềm tin của dân chúng vào bảo hiểm tiền gửi, ông Thoáng nói.

Đồng tình với nhiều ý kiến, đại biểu Đinh Xuân Thảo đề nghị chọn mô hình bảo hiểm tiền gửi giảm thiểu rủi ro. Với mô hình này, bên cạnh chức năng chi trả thì tổ chức bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ còn tham gia vào việc giám sát thị trường tài chính.

Chọn mô hình này tức là lấy phòng ngừa làm đầu, sau đó tạo niềm tin cho công chúng vào hệ thống ngân hàng, ông Thảo nói.

Mức phí linh hoạt, theo đại biểu Trần Du Lịch cũng là một cách để giảm thiểu rủi ro. Và việc đánh đồng ngân hàng tốt, xấu đều một mức phí giống nhau như hiện nay theo vị đại biểu này là không nên.

"Tiến tới chúng ta sẽ xếp loại các ngân hàng thương mại về độ rủi ro thì mức phí rủi ro khác nhau, vì vậy nên qui định trong luật để giao cho Chính phủ qui định một mức phí linh hoạt", ông Lịch đề nghị.