Chủ tịch VietinBank: Tiền gửi ngoại tệ cũng cần bảo hiểm
Chủ tịch VietinBank Phạm Huy Hùng có quan điểm ngược với Chính phủ trong vấn đề bảo hiểm cho tiền gửi
Trong khi cả Chính phủ và nhiều vị đại biểu Quốc hội khác đều đề nghị chỉ bảo hiểm cho tiền gửi là VND thì Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) Phạm Huy Hùng lại có quan điểm khác.
Tại phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi sáng 11/11, đại biểu Hùng đã nêu hai lý do để chứng minh việc giới hạn phạm vi bảo hiểm tiền gửi chỉ có tiền gửi VND chưa phù hợp.
Lý do thứ nhất là, tiền gửi ngoại tệ của dân cư là khoản sở hữu hợp pháp của người dân bằng nhiều cách có được như làm việc ở các tổ chức nước ngoài, kiều hối. Một khi các ngân hàng thương mại còn được phép huy động tiền gửi ngoại tệ thì ngân hàng thương mại phải có trách nhiệm với các khoản tiền gửi của dân cư.
Mặt khác, từ nay đến năm 2020, Việt Nam vẫn rất cần một lượng ngoại tệ lớn để phát triển kinh tế, vẫn coi trọng nguồn kiều hối đầu tư trực tiếp, gián tiếp, các doanh nghiệp vẫn cần lượng ngoại tệ lớn để thanh toán. Đặc biệt trong hoạt động về cán cân thanh toán thương mại hiện nay khi chưa chuyển được quan hệ vay mượn sang quan hệ mua bán thì vẫn phải tính đến khoản tiền gửi ngoại tệ của dân cư.
“Không nên cho rằng nếu bảo hiểm tiền gửi ngoại tệ sẽ tăng thêm tình trạng Đô la hóa”, ông Hùng tiếp tục nêu lý do thứ hai.
Nhấn mạnh là hiểu như vậy chưa đúng, đại biểu Hùng phân tích, Đô la hóa mạnh nhất chính là ở chỗ thanh toán chi trả trong dân bằng USD, cho vay bằng USD của các tổ chức tín dụng. Còn khi dân cư có ngoại tệ, các ngân hàng thương mại huy động vào ngân hàng chính là hành vi hạn chế Đô la hóa.
“Cho rằng bảo hiểm tiền gửi cho cả tiền gửi bằng USD sẽ cổ súy cho việc cất trữ USD, điều này cũng không hẳn, bởi một khi sức mua VND ổn định, uy tín được nâng cao, người dân tin tưởng vào VND thì lập tức cất giữ bằng các loại ngoại tệ cũng như vàng sẽ giảm”, ông Hùng nói.
Vì vậy, ông Hùng đề nghị, phạm vi bảo hiểm tiền gửi là tất cả tiền gửi của cá nhân, hộ gia đình, bao gồm cả VND và ngoại tệ.
Đây cũng là quan điểm của một số vị đại biểu ở cả phiên thảo luận tổ vào tuần trước và thảo luận tại hội trường sáng nay.
Tuy nhiên, theo quan điểm của Chính phủ và của khá nhiều vị đại biểu khác, chính sách quản lý ngoại hối của bất kỳ quốc gia nào cũng hướng tới mục tiêu trên lãnh thổ của quốc gia chỉ sử dụng đồng nội tệ.
Lý do quan trọng để không quy định bảo hiểm cho tiền gửi bằng ngoại tệ, theo giải thích của Chính phủ là vì, Việt Nam không khuyến khích người dân tích trữ ngoại tệ (kể cả việc gửi vào ngân hàng), mà khuyến khích người dân bán ngoại tệ cho ngân hàng.
Bên cạnh đó, hầu hết các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc… cũng chỉ đều bảo hiểm cho đồng nội tệ, Chính phủ nêu tiếp thông tin củng cố cho quan điểm tại dự thảo luật.
Dẫn lại thông tin này tại phiên thảo luận sáng nay, đại biểu Phạm Trí Thức (Thanh Hóa) cho rằng, đồng tiền của các nước được Chính phủ dẫn chứng là những đồng tiền mạnh như USD không ai đổi ra tiền của nước ngoài như Yên Nhật, tiền Bath Thái để gửi ngân hàng.
“Các đồng tiền của Hàn Quốc, Trung Quốc cũng đều rất mạnh so với USD, như vậy không dại gì người ta đổi ra đồng tiền ngoại tệ, tiền nước ngoài để gửi ngân hàng”, đại biểu Thức nhấn mạnh.
Hơn nữa, theo vị này thì các nước nói trên quản lý ngoại hối rất chặt chẽ, còn Việt Nam thì cần phải có lộ trình.
“Theo quy định tại Điều 5 của Hiến pháp là mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, tôi cũng đề nghị nên bảo hiểm đối với cả USD và vàng”, ông Thức nói.
Cũng dẫn lại những thông tin từ Chính phủ, song đại biểu Phan Văn Quý (Nghệ An) lại cho rằng, quy định ở dự luật là hoàn toàn phù hợp với chính sách quản lý ngoại hối của Nhà nước ta và rất phù hợp với thông lệ quốc tế.
Vẫn liên quan đến ý kiến đại biểu cho rằng cần xem xét việc bảo hiểm đối với tiền gửi bằng kim loại quý như vàng nhằm đảm bảo sự công bằng đối với người gửi tiền, theo quan điểm của Chính phủ, việc gửi vàng không thuộc chính sách bảo hiểm tiền gửi của nhà nước.
Theo khái niệm về tiền gửi tại Luật Các tổ chức tín dụng thì không bao gồm việc gửi tiền là vàng, do đó việc quy định bảo hiểm cho tiền gửi là vàng không phù hợp, Chính phủ nêu rõ quan điểm.
Mặc dù còn nhiều ý kiến hết sức khác nhau về nhiều nội dung của dự án luật Bảo hiểm tiền gửi, song phiên thảo luận tại hội trường vẫn kết thúc sớm gần 1 giờ.
Phó chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu để giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và sẽ tiếp tục báo cáo trình Quốc hội xem xét thông qua tại một kỳ họp khác.
Tại phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi sáng 11/11, đại biểu Hùng đã nêu hai lý do để chứng minh việc giới hạn phạm vi bảo hiểm tiền gửi chỉ có tiền gửi VND chưa phù hợp.
Lý do thứ nhất là, tiền gửi ngoại tệ của dân cư là khoản sở hữu hợp pháp của người dân bằng nhiều cách có được như làm việc ở các tổ chức nước ngoài, kiều hối. Một khi các ngân hàng thương mại còn được phép huy động tiền gửi ngoại tệ thì ngân hàng thương mại phải có trách nhiệm với các khoản tiền gửi của dân cư.
Mặt khác, từ nay đến năm 2020, Việt Nam vẫn rất cần một lượng ngoại tệ lớn để phát triển kinh tế, vẫn coi trọng nguồn kiều hối đầu tư trực tiếp, gián tiếp, các doanh nghiệp vẫn cần lượng ngoại tệ lớn để thanh toán. Đặc biệt trong hoạt động về cán cân thanh toán thương mại hiện nay khi chưa chuyển được quan hệ vay mượn sang quan hệ mua bán thì vẫn phải tính đến khoản tiền gửi ngoại tệ của dân cư.
“Không nên cho rằng nếu bảo hiểm tiền gửi ngoại tệ sẽ tăng thêm tình trạng Đô la hóa”, ông Hùng tiếp tục nêu lý do thứ hai.
Nhấn mạnh là hiểu như vậy chưa đúng, đại biểu Hùng phân tích, Đô la hóa mạnh nhất chính là ở chỗ thanh toán chi trả trong dân bằng USD, cho vay bằng USD của các tổ chức tín dụng. Còn khi dân cư có ngoại tệ, các ngân hàng thương mại huy động vào ngân hàng chính là hành vi hạn chế Đô la hóa.
“Cho rằng bảo hiểm tiền gửi cho cả tiền gửi bằng USD sẽ cổ súy cho việc cất trữ USD, điều này cũng không hẳn, bởi một khi sức mua VND ổn định, uy tín được nâng cao, người dân tin tưởng vào VND thì lập tức cất giữ bằng các loại ngoại tệ cũng như vàng sẽ giảm”, ông Hùng nói.
Vì vậy, ông Hùng đề nghị, phạm vi bảo hiểm tiền gửi là tất cả tiền gửi của cá nhân, hộ gia đình, bao gồm cả VND và ngoại tệ.
Đây cũng là quan điểm của một số vị đại biểu ở cả phiên thảo luận tổ vào tuần trước và thảo luận tại hội trường sáng nay.
Tuy nhiên, theo quan điểm của Chính phủ và của khá nhiều vị đại biểu khác, chính sách quản lý ngoại hối của bất kỳ quốc gia nào cũng hướng tới mục tiêu trên lãnh thổ của quốc gia chỉ sử dụng đồng nội tệ.
Lý do quan trọng để không quy định bảo hiểm cho tiền gửi bằng ngoại tệ, theo giải thích của Chính phủ là vì, Việt Nam không khuyến khích người dân tích trữ ngoại tệ (kể cả việc gửi vào ngân hàng), mà khuyến khích người dân bán ngoại tệ cho ngân hàng.
Bên cạnh đó, hầu hết các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc… cũng chỉ đều bảo hiểm cho đồng nội tệ, Chính phủ nêu tiếp thông tin củng cố cho quan điểm tại dự thảo luật.
Dẫn lại thông tin này tại phiên thảo luận sáng nay, đại biểu Phạm Trí Thức (Thanh Hóa) cho rằng, đồng tiền của các nước được Chính phủ dẫn chứng là những đồng tiền mạnh như USD không ai đổi ra tiền của nước ngoài như Yên Nhật, tiền Bath Thái để gửi ngân hàng.
“Các đồng tiền của Hàn Quốc, Trung Quốc cũng đều rất mạnh so với USD, như vậy không dại gì người ta đổi ra đồng tiền ngoại tệ, tiền nước ngoài để gửi ngân hàng”, đại biểu Thức nhấn mạnh.
Hơn nữa, theo vị này thì các nước nói trên quản lý ngoại hối rất chặt chẽ, còn Việt Nam thì cần phải có lộ trình.
“Theo quy định tại Điều 5 của Hiến pháp là mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, tôi cũng đề nghị nên bảo hiểm đối với cả USD và vàng”, ông Thức nói.
Cũng dẫn lại những thông tin từ Chính phủ, song đại biểu Phan Văn Quý (Nghệ An) lại cho rằng, quy định ở dự luật là hoàn toàn phù hợp với chính sách quản lý ngoại hối của Nhà nước ta và rất phù hợp với thông lệ quốc tế.
Vẫn liên quan đến ý kiến đại biểu cho rằng cần xem xét việc bảo hiểm đối với tiền gửi bằng kim loại quý như vàng nhằm đảm bảo sự công bằng đối với người gửi tiền, theo quan điểm của Chính phủ, việc gửi vàng không thuộc chính sách bảo hiểm tiền gửi của nhà nước.
Theo khái niệm về tiền gửi tại Luật Các tổ chức tín dụng thì không bao gồm việc gửi tiền là vàng, do đó việc quy định bảo hiểm cho tiền gửi là vàng không phù hợp, Chính phủ nêu rõ quan điểm.
Mặc dù còn nhiều ý kiến hết sức khác nhau về nhiều nội dung của dự án luật Bảo hiểm tiền gửi, song phiên thảo luận tại hội trường vẫn kết thúc sớm gần 1 giờ.
Phó chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu để giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và sẽ tiếp tục báo cáo trình Quốc hội xem xét thông qua tại một kỳ họp khác.