21:33 27/10/2024

Bão Trami suy yếu thành áp thấp, gây mưa lớn, ngập lụt ở Trung Trung bộ

Chu Khôi

Bão số 6 đã đổ bộ vào đất liền khu vực các tỉnh từ Quảng Trị đến Đà Nẵng, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Từ tối 26 đến chiều 27/10, các tỉnh: Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam có mưa to, rất to từ 150-300mm; Quảng Trị, Thừa Thiên Huế có mưa rất to từ 200-350mm…

Nước biển dâng cao, sóng mạnh đã đánh sập một số đoạn kè dọc bờ biển đoạn qua đập Hòa Duân.
Nước biển dâng cao, sóng mạnh đã đánh sập một số đoạn kè dọc bờ biển đoạn qua đập Hòa Duân.

Theo báo cáo của Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến đến 18 giờ ngày 27/10/2024, bão số 6 (bão Trami) đã đổ bộ đất liền vào trưa 27/10 khu vực các tỉnh từ Quảng Trị đến Đà Nẵng, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Chiều nay, sau khi đi sâu vào đất liền các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, bão số 6 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sức gió cấp 7, giật cấp 9. 

NHIỀU KHU VỰC NGẬP SÂU GÂY ÁCH TẮC GIAO THÔNG

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, từ sáng và trưa ngày 27/10, các địa phương từ Quảng Trị đến Quảng Nam đã có gió mạnh do ảnh hưởng của bão: tại Cồn Cỏ (Quảng Trị) cấp 8, giật cấp 9; Cù Lao Chàm (Quảng Nam) cấp 8, giật cấp 10; Lý Sơn (Quảng Ngãi) cấp 6, giật cấp 7; Nam Đông (Thừa Thiên Huế) cấp 8, giật cấp 10; Cẩm Lệ (Đà Nẵng) cấp 8, giật cấp 9.

Từ 7 giờ sáng đến 18 giờ chiều 27/10, khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Nam có mưa to, rất to từ 150-350mm, một số trạm mưa lớn hơn: Hồ An Mã (Quảng Bình) 499mm; Trường Thủy (Quảng Bình) 402mm; Hồ Bảo Đài (Quảng Trị) 370mm.

Mưa lớn đã gây ra ngập lụt: Quảng Bình bị ngập một số điểm trên Quốc lộ 9B, Quốc 9C, Quốc lộ 15, Đường tỉnh 558B bị ngập sâu, đã rào chắn cấm xe. Tại tỉnh Quảng Trị: một số vị trí ngầm tràn trên các tuyến đường như Quốc lộ 15, Đường tỉnh  571, Đường tỉnh 586, Đường tỉnh 587, Đường tỉnh 588A bị ngập sâu gây ách tắc giao thông. Thừa Thiên Huế: một số điểm trên Đường tỉnh 4, Đường tỉnh 8A, một số tuyến đường liên xã ngập sâu, đã rào chắn cấm xe.

Tình hình thiệt hại: 1 người mất tích tại Quảng Bình (bị nước cuốn trôi khi làm nhiệm vụ cứu hộ); về thông tin 2 người chết ở Thừa Thiên. Huế bị nước cuốn trôi (Tỉnh đang xác minh và sẽ có báo cáo sau).

Thiệt hại ban đầu về nhà ở: 290 nhà tốc mái, hư hỏng (Thừa Thiên Huế 210, Quảng Nam 18, Đà Nẵng 62). Sạt lở 1.000m bờ biển đoạn giáp ranh xã Phú Thuận, huyện Phú Vang và phường Thuận An, TP Huế. Nhiều cây xanh bị gãy đổ tại Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam.

 

"Dự báo từ chiều tối 27/10 đến tối 28/10, Nam Hà Tĩnh - Thừa Thiên Huế có mưa từ 150-250mm, cục bộ trên 400mm".

Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai.

Về tàu thuyền, các địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão số 6 đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 67.212 phương tiện/307.822 người; hiện không có phương tiện nằm trong vùng nguy hiểm.

Về Hàng không, đã tạm ngừng khai thác tàu bay tại các Cảng: Đồng Hới (Quảng Bình) từ 6 giờ đến 19 giờ 27/10; Phú Bài (Huế): từ 6 giờ đến 22 giờ 27/10; Đà Nẵng từ giờ 27/10 đến 4 giờ 28/10; Chu Lai (Quảng Nam) từ 10 giờ 27/10 đến 10h giờ 28/10.

Về sơ tán dân ngập lụt, sạt lở: Quảng Bình đã sơ tán 73 hộ/201 người. Quảng Trị đã sơ tán 659 hộ/1.662 người; Thừa Thiên Huế đã sơ tán 2.469 hộ/7.085 người; Quảng Nam đã sơ tán 4.243 hộ/16.268 người; Đà Nẵng đã sơ tán 1.677 hộ/6.205 người; Quảng Ngãi đã sơ tán 163 hộ/539 người..

Thông tin từ UBND xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết do ảnh hưởng của bão Trami đã làm nước biển tràn bờ tại khu vực đập Hòa Duân (xã Phú Thuận, huyện Phú Vang). Nguy cơ vỡ đập đang hiện hữu nếu bão Trami tiếp tục diễn biến phức tạp.

Hiện một số vị trí nước biển còn dâng cao, tràn qua quốc lộ 49B (đoạn qua xã Phú Thuận, huyện Phú Vang) làm giao thông tuyến đường này bị ách tắc tạm thời. Để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, lực lượng chức năng đã đặt bảng cấm đường, không cho các phương tiện qua lại tại các vị trí này.

Hòa Duân là công trình được đắp để hàn khẩu cửa biển mở ra trong đợt lụt lịch sử năm 1999 gây nhiều thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân địa phương.

Thiếu tá Trần Công Lanh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An (Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế), cho biết do mực nước biển triều cường dâng cao từ 2-3m, sóng biển mạnh khiến nhiều tuyến đường trong đất liền ở phường Thuận An bị ngập cục bộ từ 30 - 40cm, riêng tại xã Hải Dương của thành phố Huế có những vị trí thấp trũng ngập cục bộ đến 1m. Đơn vị đang cử lực lượng phối hợp với chính quyền địa phương khẩn trương di dời trước mắt khoảng 160 hộ dân với hơn 600 nhân khẩu ở những vị trí ngập của phường Thuận An đến nơi trú ẩn an toàn.

QUÂN ĐỘI HUY ĐỘNG 275.000 NGƯỜI ỨNG PHÓ BÃO

Sáng 27/10, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà họp trực tuyến với các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum về công tác ứng phó với bão Trami.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho hay sáng 27/10 trên địa bàn tỉnh có nền gió mạnh từ cấp 7; gần biển gió cấp 8 - 9.

Triển khai nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 110, các  sở, ban, ngành, đơn vị và UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế đã chủ động tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến của bão 6, mưa lũ; tăng cường tuyên tuyền, vận động người dân giằng chống, gia cố nhà cửa; gia cố các cây xanh có nguy cơ gãy đổ trên địa bàn; triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ” theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao.

 

"Đề nghị Bộ Quốc phòng phối hợp, hỗ trợ các địa phương khẩn trương triển khai phương án dùng flycam bay kiểm tra, rà soát, phát hiện các vết nứt lớn tại những vùng có nguy cơ sạt lở do mưa lớn, kéo dài".

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.

Các địa phương ở Thừa Thiên - Huế đã rà soát phương án sơ tán, di dời để đối phó với bão, lũ, nước dâng do bão, lũ quét, sạt lở đất: có thể di dời 10.251 hộ/32.665 khẩu. Từ 7 giờ sáng 27/10, tỉnh đã thực hiện cấm người dân không ra đường khi có gió mạnh; duy trì lực lượng công an, biên phòng, quân đội và ứng trực để kịp thời cứu hộ, cứu nạn. Hiện nay, khu vực cửa Thuận An có triều cường cao 1,8m, gây xói lở, tỉnh đã di dời 815 hộ dân ra khỏi vùng ảnh hưởng.

Do ảnh hưởng liên tiếp của các đợt thiên tai trong tháng 9 đến tháng 10/2024, đặc biệt là các đợt mưa lớn, gió mạnh trên biển, sóng lớn, triều cường, nước dâng trong các ngày 19-21/10/2024 đã gây sạt lở cho đoạn bờ biển dài khoảng 1.000m, sạt lở nặng dài khoảng 300m nằm ở khu vực bãi tắm Thuận An-Phú Thuận, ăn sâu vào đất liền từ 70m đến 100m gây nguy cơ mất an toàn cho tuyến đường liên xã, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch và các hộ dân thuộc xã Phú Thuận, huyện Phú Vang và phường Thuận An, thành phố Huế (đợt lũ lịch sử năm 1999, tại vị trí đoạn bờ biển này đã bị vỡ và trở thành cửa biển mới, sau đó UBND tỉnh đã xây dựng công trình khắc phục, hàn gắn lại vào năm 2000).

Tại cuộc họp, đại diện Bộ Quốc phòng cho biết thông tin lực lượng, phương tiện của Quân đội sẵn sàng tham gia ứng phó bão số 6 với hơn 275.000 người, hơn 6.000 ôtô, tàu, xuồng, máy bay. Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Quân khu 4, Quân khu 5, các đơn vị đứng chân trên địa bàn các tỉnh, thành phố phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp chủ động ứng phó bão số 6, mưa lũ ảnh hưởng của bão.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao công tác chuẩn bị ứng phó bão số 6 tại các tỉnh miền Trung, chủ động, bài bản, ở mức cao nhất.

Phó Thủ tướng đề nghị hệ thống khí tượng thủy văn phải dự báo chính xác thời điểm bão đổ bộ, tuyến đê biển xung yếu để tập trung lực lượng, phương tiện để xử lý kịp thời khi có sự cố. Với lượng mưa lớn, kéo dài, các đài khí tượng thủy văn tiếp tục cập nhật lượng mưa, đưa ra cảnh báo cụ thể hơn cho người dân về khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải nắm chắc thông tin lưu lượng nước tại các hồ, bổ sung dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia, các đài khí tượng thủy văn địa phương để điều tiết kịp thời, “không được để xảy ra tình trạng tất cả các hồ đều phải xả nước để bảo đảm an toàn”.

Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp điện lực, viễn thông phối hợp chặt chẽ với địa phương để duy trì giao thông liên lạc, kết nối thông tin, chỉ đạo điều hành thông suốt.