Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù
Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù sẽ được hoàn thiện theo hướng quy định trách nhiệm tương ứng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng, đặc biệt quy định rõ trách nhiệm của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian…
Phát biểu giải trình các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) chiều 10/11, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định, nội dung bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù sẽ được hoàn thiện theo hướng đảm bảo tối đa quyền lợi của người tiêu dùng.
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết dự án Luật đã bổ sung một Điều, một Chương riêng về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh; cơ bản đáp ứng yêu cầu hoàn thiện pháp luật nhằm giải quyết những vấn đề phát sinh từ thực tiễn, những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, từ thực tiễn và xu hướng phát triển của việc mua, bán hàng qua hình thức thương mại điện tử như hiện nay, những quy định bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng chưa cụ thể...
Nhằm khắc phục khoảng trống trong pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mua hàng qua mạng, đại biểu đồng thuận cao với những điểm bổ sung về các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng có thể nảy sinh trong điều kiện chuyển đổi số, bổ sung chương mới quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cơ quan soạn thảo cần rà soát và điều chỉnh thống nhất các quy định về bảo vệ quyền, quyền lợi của người tiêu dùng trên không gian mạng với các luật liên quan.
Theo đại biểu, từ thực hiện công tác bảo vệ quyền lợi tiêu dùng cho thấy, các chế tài hiện hành chưa đủ sức răn đe, giáo dục đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Trong khi quy định của pháp luật hiện hành về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng chưa đủ những chế tài đủ sức răn đe. Đại biểu đề nghị bổ sung quy định về các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh đầy đủ và bao quát hơn.
Trong khi đó, đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông, đề nghị cần tiếp tục rà soát các quy định liên quan đến giao dịch từ xa, giao dịch trên không gian mạng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương.
Cụ thể, đại biểu đề nghị rà soát quy định về giao dịch trên không gian mạng, bổ sung đầy đủ nội dung về giao dịch từ xa để đảm bảo tính bao quát, đồng thời cần lưu ý đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Luật Giao dịch điện tử đang được Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Đối với vấn đề bảo vệ thông tin người tiêu dùng, đại biểu cho rằng việc thu thập thông tin ban đầu là chính sách cần thiết, tuy nhiên, có hiện tượng sử dụng thông tin của khách hàng mà không được cho phép, sử dụng cho các mục đích ngoài thỏa thuận, đại biểu đề nghị nghiên cứu quy định việc bảo vệ thông tin cá nhân cho người tiêu dùng, nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đại biểu chỉ rõ, khoản 3 Điều 12 của dự thảo Luật quy định: Trong trường hợp hệ thống thông tin bị tấn công làm phát sinh nguy cơ mất thông tin của người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc bên lưu trữ thông tin liên quan phải thông báo cho cơ quan chức năng trong vòng 24 giờ sau khi phát hiện sự cố và thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn thông tin của người tiêu dùng. Đại biểu đề nghị cần làm rõ cơ quan chức năng nêu trên là cơ quan nào, để đảm bảo tính khả thi khi triển khai trên thực tế.
Tại phiên họp, phát biểu giải trình về các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là vấn đề có nội hàm rộng, được thể hiện trong nhiều văn bản pháp luật từ Bộ luật Dân sự đến pháp luật chuyên ngành.
Do đó, để tránh xung đột, chồng chéo với quy định của các luật khác trong hệ thống pháp luật, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến theo hướng Dự thảo Luật điều chỉnh những vấn đề mới, đặc thù, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh.
Về nội dung bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, cơ quan chủ trì soạn thảo đã rà soát, hoàn thiện các quy định theo hướng đảm bảo tối đa quyền lợi của người tiêu dùng; quy định trách nhiệm tương ứng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng, trong đó quy định rõ trách nhiệm của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian.