07:24 11/06/2024

Bất cập xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách

Nhĩ Anh

Phương pháp định giá tài sản phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro; Quy trình xử lý không phù hợp với nhiều hình thức tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học công nghệ có tính chất đặc thù; Quy định về việc các tài sản được giao phải được ứng dụng, thương mại hóa còn nhiều bất cập…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đây là một trong những bất cập trong xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách chỉ ra tại hội thảo “một số giải pháp thúc đẩy triển khai các Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia” vừa diễn ra.

5 BẤT CẬP TRONG QUY ĐỊNH XỬ LÝ TÀI SẢN HÌNH THÀNH TỪ NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ SỬ DỤNG NGÂN SÁCH

Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết thời gian qua, Bộ tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách theo hướng tháo gỡ các nút thắt, rào cản, tạo thuận lợi tốt nhất cho phát triển khoa học và công nghệ; đẩy mạnh và hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước đối với các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia, đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tăng cường thu hút và trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ.

Giám đốc Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước Đào Ngọc Chiến cho biết thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã nhận được hàng nghìn đề xuất, qua sàng lọc có 298 nhiệm vụ được Bộ đặt hàng các nhà khoa học thực hiện. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia vẫn còn một số khó khăn.

Để giải quyết những vấn đề này, cần hình thành Tổ hợp nhiệm vụ giải quyết triệt để các vấn đề đặt ra; cần có những hội thảo liên ngành giữa các Ban Chủ nhiệm để giải quyết các vấn đề liên ngành; cần nghiên cứu đề xuất loại hình đề tài tiềm năng trong các chương trình cho các nhà khoa học trẻ tham gia.

Bất cập xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách - Ảnh 1

Đề cập đến những bất cập hiện nay, ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch- Tài chính chỉ ra 5 bất cập lớn trong quy định xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.

Thứ nhất, kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ quá đa dạng. Ranh giới phân định giữa kết quả nhiệm vụ khoa học công nghệ và tài sản cố định hình thành từ nhiệm vụ khoa học không rõ ràng.

Thứ hai, xử lý chồng lấn giữa tài sản trang bị đầu vào và tài sản kết quả đầu ra;

Thứ ba, phương pháp định giá tài sản phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro;

Thứ tư, quy trình xử lý không phù hợp với nhiều hình thức tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ có tính chất đặc thù.

Thứ năm, quy định về việc các tài sản được giao phải được ứng dụng, thương mại hóa còn nhiều bất cập.

HƯỚNG TIẾP CẬN THÁO GỠ, XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ TÀI SẢN LÀ KẾT QUẢ CỦA NHIỆM VỤ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ

Đưa ra ý tưởng về cách tiếp cận giải quyết vấn đề, đại diện Vụ Kế hoạch- tài chính cho rằng giảm thiểu tối đa phạm vi điều chỉnh của Nghị định 70/2008/NĐ-CP về xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước bằng cách chỉ hướng áp dụng các quy định pháp luật khác đã rõ. Cùng với đó áp dụng nguyên lý xử lý tài sản một lần ở “Đầu vào” hoặc “Đầu ra”; tìm kiếm hình thức xử lý đơn giản, thực tiễn đối với các tài sản trang bị là vật tư tiêu hao, tài sản đặc thù.

Phân loại/nhóm tài sản tài sản trang bị và tài sản hình thành theo tính chất đặc thù của nhiệm vụ khoa học công nghệ để xác định hình thức xử lý cho phù hợp; lựa chọn một phương pháp định giá tài sản duy nhất, đơn giản, không tiềm ẩn nhiều kết quả bất đồng.

Về giải pháp, ông Nguyễn Nam Hải đề xuất, thứ nhất, đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ mà ngân sách Nhà nước hỗ trợ, phần tài sản trang bị từ nguồn kinh phí ngoài ngân sách thì tài sản thuộc về tổ chức chi trả, không phải xử lý.

Thứ hai, tài sản hình thành thuộc trường hợp giao không bồi hoàn thì xử lý theo Thuyết minh và Hợp đồng, không phải xử ý theo quy định của Nghị định số 70/2018/NĐ-CP.

Thứ ba, tài sản trang bị là vật tiêu hao không phải xử lý theo Nghị định. Vật tiêu hao không sử dụng hết thuộc về tổ chức chủ trì;

Bất cập xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách - Ảnh 2

Thứ tư, tài sản trang bị là yếu tố đầu vào để cấu thành hoặc hợp thành tài sản kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ thì không phải xử lý, giá trị tính vào giá trị kết quả xử lý đầu ra.

Thứ năm, tài sản trang bị thực hiện khoán chi thì tổ chức chủ trì quản lý, sử dụng theo quy định, không phải xử lý theo quy định của Nghị định.

Nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp có sự tham gia của tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng đất và công trình gắn liền với đất thì tài sản kết quả gắn với đất thuộc về tổ chức, cá nhân đó, không phải xử lý theo Nghị định.

Vụ Kế hoạch-Tài chính đề xuất, việc xác định giá trị tài sản là kết quả nhiệm vụ nghiên cứu khoa học tính theo công thức: Giá trị tài sản là kết quả của nhiệm vụ KH&CN = Chi phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN (A) – Giá trị còn lại của tài sản trang bị là tài sản cố định thực hiện nhiệm vụ KH&CN (B).

Trong đó A là tổng giá trị quyết toán kinh phí nhiệm vụ khoa học và công nghệ/Tổng giá trị đề nghị quyết toán/Tổng dự toán kinh phí của nhiệm vụ khoa học và công nghệ hoặc tổng kinh phí ngân sách Nhà nước tại Thuyết minh. B là Giá trị còn lại của tài sản trang bị thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ là tài sản cố định, là phần giá trị chưa tính vào giá trị tài sản là kết quả của nhiệm vụ.

Đối với ngân sách nhà nước hỗ trợ thì giá trị tài sản kết quả nhiệm vụ khoa học công nghệ thuộc về nhà nước được tính theo tỉ lệ % hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có từ 2 tài sản là kết quả phải xác định giá trị thì Giá trị của từng tài sản được xác định bằng chi phí trực tiếp hình thành tài sản trong dự toán cộng với chi phí chung được phân bổ theo tỉ lệ cho từng tài sản.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái đề nghị các thành viên Ban chủ nhiệm tăng cường tư vấn cho Bộ các vấn đề quản lý chương trình, nội dung chương trình; sớm kiện toàn các ban chủ nhiệm; tăng cường hiệu quả các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học…

Cùng với đó tăng cường phối hợp giữa các ban chủ nhiệm với các đơn vị chức năng thuộc Bộ trong quá trình triển khai các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia. Qua đó, đẩy mạnh kết nối giữa các bên; giúp Bộ tiếp tục nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện các văn bản quản lý, cơ chế chính sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước; thúc đẩy năng suất lao động dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Ông Thái nhấn mạnh, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ đẩy nhanh triển khai các đề tài; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan để triển khai các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia hiệu quả...