Bắt đáy lỗ nặng, dòng tiền rút lui trước sức ép cổ phiếu khổng lồ về tài khoản
Ngay cả khi một số trụ như VIC nảy tăng đầu phiên, thị trường cũng không thể phục hồi theo đà được. Nguyên nhân là dòng tiền quá yếu trước mối lo khối lượng cổ phiếu cực lớn về tài khoản chiều nay. Áp lực bán tăng dần ép giá giảm ngày càng sâu, đẩy các vị thế bắt đáy hôm 18/8 vừa qua vào cảnh thua lỗ...
Ngay cả khi một số trụ như VIC nảy tăng đầu phiên, thị trường cũng không thể phục hồi theo đà được. Nguyên nhân là dòng tiền quá yếu trước mối lo khối lượng cổ phiếu cực lớn về tài khoản chiều nay. Áp lực bán tăng dần ép giá giảm ngày càng sâu, đẩy các vị thế bắt đáy hôm 18/8 vừa qua vào cảnh thua lỗ.
VN-Index có khoảng 20 phút đầu đợt khớp lệnh liên tục là xanh, sau đó lao dốc rất nhanh. VIC tăng 1,98% là lý do chính. Cổ phiếu VFS phục hồi đêm qua trên sàn Nasdaq có tác động nhất định. Tuy nhiên lực bán ở VIC vẫn rất cao trong khi tiền mua lại yếu. Cổ phiếu này nhanh chóng sụt giảm sâu kéo theo đà giảm lan ra nhiều blue-chips khác. Chốt phiên sáng VIC bốc hơi tiếp 3,19%. Như vậy ngay cả khi bắt sàn hôm 18/8 thì chiều nay hàng về nhà đầu tư cũng đã lỗ khoảng 5,2%.
Tình trạng thua lỗ của cổ phiếu bắt đáy hôm 18/8 là rất nhiều, dĩ nhiên biên độ khác nhau, nhưng với độ rộng suy yếu quá nhanh và phiên phục hồi hôm qua biên độ tăng quá yếu thì chắc chắn đa số nhà đầu tư thiệt hại. Độ rộng của VN-Index sáng nay chỉ có 46 mã tăng/414 mã giảm, trong đó tới 153 mã đang giảm quá 2% và 80 mã khác giảm trong biên độ 1% tới 2%.
VN-Index chốt phiên sáng giảm 2,11%, tương đương bốc hơi 24,85 điểm so với tham chiếu. Chỉ số đang dừng ở đáy thấp nhất ngày, thể hiện áp lực bán duy trì trọn phiên. VN30-Index giảm 2,22% với 3 mã tăng và 26 mã giảm. SSB tăng 3,76%, VJC tăng 0,63% và GAS tăng 0,5% là 3 cổ phiếu đỡ điểm duy nhất. Một vài mã nhỏ hơn có hiệu ứng đỡ giá không đáng kể, nhưng ít nhất còn khác biệt với cả “rừng” cổ phiếu đỏ rực, là KDC, BMI, VSH, DGW…
Rổ VN30 có tới 18 cổ phiếu đang giảm quá 2%. Ảnh hưởng nặng nhất tới VN-Index dĩ nhiên là các trụ như VIC giảm 3,19%, HPG giảm 3,82%, VHM giảm 2,32%, VCB giảm 1,22%, CTG giảm 2,97%, VPB giảm 3,13%... Tuy vậy về giá, một số mã còn giảm nhiều hơn nữa: GVR giảm 5,18%, BCM giảm 4,32%, POW giảm 4,23%.
Khá bất ngờ là số mã giảm sàn lại chưa nhiều, mới có HSL, PIT, VAF đều là các cổ phiếu ít quan trọng. Tuy nhiên hàng chục cổ phiếu giảm trong biên độ 5%-6% với thanh khoản cao như AGR giảm 6,67% giao dịch 15,6 tỷ đồng; CTD giảm 5,41% với 397 tỷ; NVL giảm 5,41% với 425,4 tỷ; DBC giảm 5,38% với 87,5 tỷ; PDR giảm 5,37% với 160,3 tỷ; GEX giảm 5,24% với 142,7 tỷ; VIX giảm 5,18% với 222,1 tỷ…
Thống kê trên sàn HoSE sáng nay có 18 cổ phiếu thanh khoản từ 100 tỷ đồng trở lên thì 12 mã giảm từ 3% tới trên 5%. Tổng giá trị khớp lệnh sàn này giảm mạnh 27% so với sáng hôm qua, chỉ đạt hơn 7.890 tỷ đồng, kém nhất 19 phiên. Giao dịch giảm, giá rơi rất sâu đồng nghĩa với lực cầu quá yếu.
Việc bắt đáy hàng chưa về mà đã thua lỗ sẽ khiến nhà đầu tư ngại mua tiếp. Thông thường bắt đáy rất rủi ro nên các giao dịch mang tính thăm dò nhiều hơn, trừ các nhà đầu tư dài hạn. Mặt khác, ngay cả khi mua đầu tư dài hạn, nếu giá vẫn quá yếu thì bên mua cũng muốn chờ đợi thêm nữa để có giá tốt hơn. Việc biến động mạnh buổi sáng nhanh chóng đẩy các vị thế bắt đáy có hàng về chiều nay vào cảnh thua lỗ sẽ tạo áp lực tâm lý lớn.
Trong 46 cổ phiếu đi ngược dòng trên HoSE sáng nay không có mã nào đáng chú ý. Lý do để tăng trong khi cả thị trường bị bán tháo là thanh khoản. Hầu hết các mã còn tăng do không có giao dịch. Vài mã khớp nhiều hơn có thể kể tới là ELC tăng 4,99% với 7,7 tỷ; SSB tăng 3,76% với 11 tỷ; BMI tăng 1,67% với 8 tỷ; TV2 tăng 1,47% với 14,5 tỷ; KDC tăng 0,8% với 46,4 tỷ; VJC tăng 0,63% với 42,4 tỷ; DGW tăng 0,41% với 44,1 tỷ.
Nhà đầu tư nước ngoài đang bán ròng 209,7 tỷ đồng trên HoSE, mua ròng khoảng 19 tỷ trên HNX và UpCOM. HPG bị xả nhiều nhất -81 tỷ ròng, STB -45,3 tỷ, VND -21,1 tỷ, CTG -20,3 tỷ. Phía mua có MWG +30,8 tỷ, VCI +20,1 tỷ, VIC +18,6 tỷ.