08:18 11/05/2024

Bất động sản Đồng Nai: Động lực tăng trưởng từ hạ tầng

Phan Nam

Cùng với TP.HCM, Đồng Nai sẽ rà soát các hồ sơ quy hoạch, hồ sơ dự án, xây dựng kế hoạch đầu tư cầu thay thế phà Cát Lái, kết nối thuận tiện hơn nữa giữa hai địa phương này.…

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì phối hợp với các Sở: Kế hoạch Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên Môi trường, Tài chính, Ban quản lý công trình giao thông, UBND huyện Nhơn Trạch cùng các đơn vị liên quan, nghiên cứu nội dung văn bản của UBND TP.HCM (trước đó, ngày 22/4, UBND TP.HCM đã có công văn khẩn gửi UBND tỉnh Đồng Nai về kế hoạch triển khai đầu tư cầu thay phà Cát Lái); rà soát các hồ sơ quy hoạch, hồ sơ dự án, xây dựng kế hoạch đầu tư cầu thay thế phà Cát Lái (dự kiến các mốc thời gian chính như: cập nhật quy hoạch, phê duyệt chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu khả thi, giải phóng mặt bằng, khởi công…; các nội dung phối hợp giữa hai địa phương, tham mưu, đề xuất dự thảo văn bản trình UBND tỉnh gửi UBND TP.HCM để làm cơ sở thống nhất, phối hợp triển khai thực hiện. Kết quả báo cáo UBND tỉnh trước ngày 18/5/2024.

NGÀY CÀNG NHIỀU DOANH NGHIỆP TÌM ĐẾN ĐỒNG NAI

Liên quan đến phát triển hạ tầng giao thông, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cũng vừa ký văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc triển khai dự án đường hương lộ 2 nối dài (đoạn 2) từ cầu Vàm Cái Sứt đến nút giao với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Đường hương lộ 2 khi hoàn thành sẽ kết nối khu vực trung tâm TP. Biên Hòa với cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, giúp giảm tải cho quốc lộ , quốc lộ 51.

“Có thể thấy, hạ tầng tại Đồng Nai hiện đang được đầu tư mạnh mẽ với hàng loạt dự án giao thông lớn: sân bay quốc tế Long Thành, cao tốc Biên Hoà, đường vành đai 3 đi qua Đồng Nai (hơn 11km) từ Thủ Đức đến Nhơn Trạch… Qua đó, giúp tăng khả năng kết nối giữa Đồng Nai với TP.HCM cũng như các địa phương vùng Đông Nam Bộ, không chỉ tạo đòn bẩy phát triển kinh tế tỉnh, mà còn tạo động lực giúp bất động sản Đồng Nai tăng trưởng bền vững”, đại diện CBRE Việt Nam đánh giá.

Hơn nữa, trong thời gian gần đây, bất động sản TP.HCM cũng phát triển mạnh về phía Đông, hạ tầng giao thông cũng được tập trung nhiều về hướng này, trong đó có tuyến Metro số 1, kết nối dân cư từ trung tâm TP.HCM đến cửa ngõ phía đông Thành phố, và kết nối với Đồng Nai.

Khu vực dự kiến xây dựng cầu Cát Lái  (thể hiện trên bản đồ Google vệ tinh)
Khu vực dự kiến xây dựng cầu Cát Lái  (thể hiện trên bản đồ Google vệ tinh)

Bên cạnh đó, Đồng Nai luôn nằm trong top 10 địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI, đồng thời cũng là tỉnh có nhiều khu công nghiệp nhất tại phía Nam. Hiện tỉnh có gần 1.600 dự án có vốn FDI và khoảng 10.000 chuyên gia, lao động là người nước ngoài. Khi hạ tầng ngày càng đồng bộ, ngày càng có nhiều tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội mở rộng kinh doanh tại địa phương. Theo đó, sẽ thúc đẩy mạnh nhu cầu bất động sản tại Đồng Nai, đặc biệt là ở các dự án có quy hoạch đồng bộ, nhiều tiện ích…

Trước xu hướng này, nhiều chủ đầu tư đã chú trọng tạo dựng những dự án quy mô lớn, mang nhiều tiện ích độc đáo. Ví như tại Nhơn Trạch (nơi giáp ranh TP.HCM) Swanbay được trang bị sân golf 18 hố, bến du thuyền, công viên ven sông, hồ bơi, sân bóng…; Ecovillage Saigon River cũng đầu tư bến du thuyền, 4 công viên rộng lớn, cùng hệ thống tiện ích thể thao, vui chơi, giải trí, giáo dục toàn diện. Tại đây còn có tổ hợp khách sạn Kempinski Saigon River - Kempinski (thương hiệu khách sạn lâu đời nhất châu Âu) 11ha, chạy dài 700m theo bờ sông Sài Gòn, góp phần đưa dự án trở thành điểm đến nghỉ dưỡng của khách du lịch cao cấp trong và ngoài nước...

HỨA HẸN VỀ DIỆN MẠO MỚI CHO THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN 

Mặc dù đã và đang thu hút nhiều dự án bất động sản lớn nhưng theo phản ánh của các doanh nghiệp FDI, Đồng Nai vẫn rất thiếu nơi ở đáp ứng đúng nhu cầu của chuyên gia và lao động nước ngoài. Một trong những nguyên nhân phải kể đến là hàng loạt dự án đang gặp vướng mắc về pháp lý, chưa thể triển khai. Tổ công tác của Chính phủ cho biết đã làm việc trực tiếp để giải đáp, hướng dẫn và đã hướng dẫn bằng văn bản đối với 07 dự án bất động sản lớn; xác định các vấn đề vướng mắc về quy hoạch đô thị và xây dựng (không thống nhất giữa 3 cấp độ quy hoạch) thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Đồng Nai. Qua đó đã giải đáp, hướng dẫn UBND tỉnh và các Sở địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án.

Còn theo UBND tỉnh Đồng Nai, phần lớn các dự án vướng mắc liên quan đến pháp lý giao đất, đấu giá quyền sử dụng đất, hạ tầng xã hội... Lãnh đạo tỉnh đã gặp mặt trực tiếp để lắng nghe, tìm hướng tháo gỡ khó khăn. Tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan rà soát, phân loại, chỉ ra các nguyên nhân và đề xuất hướng tháo gỡ. Sắp tới, nhiều Luật mới có hiệu lực sẽ tháo gỡ được nhiều vướng mắc kể trên, hứa hẹn mang lại cho thị trường bất động sản Đồng Nai một diện mạo mới.

Dự báo về ngắn hạn, DKRA nhận định trong quý 2/2024, nguồn cung mới bất động sản nhà ở của TP.HCM và các vùng phụ cận sẽ có nhiều cải thiện so với quý đầu năm. Mặt bằng giá sơ cấp duy trì xu hướng ổn định so với quý trước, bên cạnh đó, các chủ đầu tư cũng linh hoạt trong việc thay đổi phương thức thanh toán, chính sách bán hàng… phù hợp với tình hình thực tế, nhằm kích cầu thị trường. Thanh khoản thị trường tiếp tục đà tăng và đạt nhiều khởi sắc. Các địa phương quen thuộc như: Bình Dương, Long An, Đồng Nai… sẽ là khu vực chủ lực về tỷ trọng nguồn cung và lượng tiêu thụ sơ cấp trong quý. Các dự án đảm bảo pháp lý, hoàn thiện hạ tầng, liên kết vùng thuận tiện sẽ tiếp tục thu hút được sự quan tâm của khách hàng.

 

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050, đoạn đường sông khoảng 40km tiếp giáp giữa tỉnh Đồng Nai và TP.HCM (từ cầu Đồng Nai đến cầu Phước Khánh) có 5 cây cầu, gồm: cầu Đồng Nai, cầu Long Thành, cầu Nhơn Trạch, cầu Cát Lái, cầu Phước Khánh. Trong đó, cầu Đồng Nai trên tuyến quốc lộ 1 và cầu Long Thành trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã hoàn thành. Hai cầu thuộc dự án đang triển khai thi công là cầu Nhơn Trạch của đường vành đai 3 TP.HCM và cầu Phước Khánh thuộc cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Ngoài các cây cầu có trong quy hoạch, thời gian qua, hai địa phương đã nghiên cứu bổ sung hai cầu mới để đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân là cầu Đồng Nai 2 (kết nối TP Thủ Đức với xã Tam An, huyện Long Thành) và cầu Phú Mỹ 2 (kết nối khu Nam TP.HCM với huyện Nhơn Trạch).