00:35 13/12/2009

Bất ổn trong một kết quả xếp hạng ngân hàng Việt?

Minh Đức

Kết quả xếp hạng các ngân hàng Việt Nam của một công ty tư nhân bị cho là không hợp lý và vội vàng

Theo VNBA, trong điều kiện hiện nay, bất kỳ các thông tin gì về ngân hàng chưa đầy đủ đã vội công bố lên các phương tiện thông tin đại chúng sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định, an toàn của hệ thống ngân hàng và thị trường tiền tệ - Ảnh: Quang Liên.
Theo VNBA, trong điều kiện hiện nay, bất kỳ các thông tin gì về ngân hàng chưa đầy đủ đã vội công bố lên các phương tiện thông tin đại chúng sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định, an toàn của hệ thống ngân hàng và thị trường tiền tệ - Ảnh: Quang Liên.
Kết quả xếp hạng các ngân hàng Việt Nam của một công ty tư nhân bị cho là không hợp lý và vội vàng.

Ngày 9/12, Công ty TNHH Thông tin tín nhiệm và xếp hạng doanh nghiệp Việt Nam (Vietnam Credit) công bố bảng xếp hạng các ngân hàng Việt Nam dựa trên báo cáo đã được kiểm toán từ năm 2008 trở về trước, kèm theo các tiêu chuẩn đánh giá xếp loại của từng nhóm A, BB, BBB, CCC, D.

Một ngày sau đó, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) có công văn gửi về Ngân hàng Nhà nước “phản pháo” kết quả này, trên cơ sở “bức xúc” của một số ngân hàng hội viên.

Cụ thể, công văn ngày 10/12 của VNBA gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có nội dung chính như sau:

Ngày 10/12/2009, một số báo điện tử đăng tin công bố Báo cáo “Xếp hạng Ngân hàng Việt Nam năm 2009” do một công ty tư nhân là Công ty TNHH Thông tin tín nhiệm và xếp hạng doanh nghiệp Việt Nam (Vietnam Credit) xếp hạng dựa trên báo cáo đã được kiểm toán từ năm 2008 trở về trước, kèm theo các tiêu chuẩn đánh giá xếp loại của từng nhóm A, BB, BBB, CCC, D.

Ngay sau đó, Hiệp hội Ngân hàng cũng đã nhận được phản ứng rất bức xúc của một số tổ chức hội viên về việc xếp hạng và đánh giá của công ty trên. Qua nghiên cứu và xem xét, VNBA thấy có một số vấn đề chưa hợp lý của báo cáo đánh giá trên; từ đó có một số ý kiến gửi đến Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Thứ nhất, VNBA cho rằng hoạt động ngân hàng thương mại là một hoạt động kinh doanh có điều kiện đã được pháp luật quy định; vì vậy, mọi hoạt động có liên quan đến ngân hàng, phải được Ngân hàng Nhà nước cho phép, đặc biệt việc xếp hạng ngân hàng thương mại hiện chỉ có cơ quan thanh tra - giám sát thuộc Ngân hàng Nhà nước được phép thực hiện, vì họ có đầy đủ chức năng và thông tin, số liệu chính xác về hoạt động của từng ngân hàng.

“Việc một công ty tư nhân đứng ra xếp loại, đánh giá ngân hàng Việt Nam của năm 2009 mà chỉ dựa trên các báo cáo kiểm toán của năm 2008 trở về trước là chưa đầy đủ, chưa đủ căn cứ để xếp loại một ngân hàng. Hơn nữa, năm 2008 là năm có diễn biến kinh tế vô cùng phức tạp, nếu không muốn dùng từ khủng hoảng. Đó là năm ngân hàng phải hoạt động trong điều kiện “bất thường”. Vì vậy, không thể lấy tình hình của cái “bất thường” để xếp loại cái “bình thường” cho năm 2009”, VNBA khẳng định.

Và theo hiệp hội này, để đánh giá chính xác được hoạt động của một ngân hàng phải căn cứ trên nhiều tiêu chí cả định lượng và định tính như: bảng cân đối tài khoản chi tiết đến bậc IV; chất lượng tài sản; năng lực quản trị điều hành; khả năng thanh khoản; việc chấp hành nghiêm túc các quy trình, quy phạm nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước... Và những thông số trên chỉ có cơ quan thanh tra giám sát - ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước mới có đủ tư liệu chính xác và đầy đủ để xếp loại ngân hàng.

Thứ hai, VNBA cho rằng, trong điều kiện hiện nay, bất kỳ các thông tin gì về ngân hàng chưa đầy đủ đã vội công bố lên các phương tiện thông tin đại chúng sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định, an toàn của hệ thống ngân hàng và thị trường tiền tệ.

Với lý do trên, VNBA nhận định: “Việc Công ty TNHH Thông tin tín nhiệm và xếp hạng doanh nghiệp Việt Nam đứng ra xếp hạng, đánh giá hoạt động của các ngân hàng thương mại dựa trên số liệu đã cũ, không đầy đủ, sau đó công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng đã và đang gây ra những phản ứng bất lợi, đặc biệt cho các Ngân hàng xếp loại từ C trở xuống, với các câu nhận xét: “C: thấy rõ việc phá sản tuy nhiên vẫn đang cố gắng dàn xếp việc trả nợ” và “CCC: có mức độ rủi ro cao, nếu điều kiện kinh tế bất lợi thì có ít khả năng thực hiện các cam kết tài chính” sẽ gây hiểu lầm cho dư luận và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của ngân hàng được xếp loại này”.

“Chúng tôi được biết trong danh sách mà Vietnam Credit xếp hạng loại B, thì thực tế họ đang được xếp loại ngân hàng hoạt động tốt trong năm 2009 hay có ngân hàng bị Vietnam Credit xếp loại CCC, nhưng thực tế chất lượng hoạt động của họ không nằm trong tiêu thức xếp loại như đánh giá của Vietnam Credit”, VNBA cho biết thêm.

Với những lý do trên, VNBA có công văn đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét sự việc để có hướng xử lý.

Bảng xếp hạng các ngân hàng của Vietnam Credit:

A - Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu.

BBB – Các ngân hàng: Sài Gòn Thương tín, Kỹ thương, Ngoại thương, Quân đội, Xuất nhập khẩu Việt Nam, Công thương, Ngoài quốc doanh, Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Nhà Hà Nội.

BB – Các ngân hàng: Đông Nam Á, Sài Gòn Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đông Á, Quốc tế, Hàng hải, Liên Việt, Sài Gòn – Hà Nội, Đại Dương.

B – Các ngân hàng: VID Public, Phát triển nhà Tp.HCM, An Bình, Tiên Phong, Liên doanh Việt Thái, Dầu khí Toàn cầu, Liên doanh Indovina, Sài Gòn, Nam Việt, Nhà ĐBSCL, Xăng dầu Petroimex, Phương Nam.

CCC – Các ngân hàng: Liên doanh Shinhanvina, Việt Á, Liên doanh Việt Nga, Việt Nam Thương tín, Bắc Á, Mỹ Xuyên, Miền Tây, Phương Đông, Đại Á, Đệ Nhất, Nam Á, Đại Tín, Gia Định, Việt Nam Tín nghĩa, Kiên Long.

D - Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Hoa.

Các định mức đánh giá xếp hạng mà Vietnam Credit đưa ra:

AAA: Doanh nghiệp có khả năng cao nhất trong việc đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của mình.

AA: Có khả năng cao trong việc đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của mình nhưng thấp hơn AAA.

A: Mức độ rủi ro trong giao dịch với các doanh nghiệp này rất thấp, tuy nhiên chịu ảnh hưởng của những thay đổi hoàn cảnh và môi trường kinh tế.

BBB: Mức độ an toàn tương đối tốt, môi trường kinh tế và các thay đổi bất lợi có thể gia tăng mức độ rủi ro lớn.

BB: Trở nên tổn thương rõ ràng khi các yếu tố như điều kiện kinh doanh, tài chính không thuận lợi.

B: Dễ bị mất khả năng trả nợ mặc dù vẫn có khả năng thực hiện các cam kết tài chính.

CCC: Có mức độ rủi ro cao, nếu điều kiện kinh tế bất lợi thì có ít khả năng thực hiện các cam kết tài chính.

CC: Có nợ và nguy cơ không trả được nợ rất cao.

C: Thấy rõ việc phá sản tuy nhiên vẫn đang cố găng dàn xếp việc trả nợ.

D: Doanh nghiệp đã thực sự vỡ nợ.