18:57 25/10/2010

Bầu đại biểu của dân: Người ứng cử phải “ngang sức ngang tài”

Nguyên Hà

Trong năm 2011 sẽ tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 13 và bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp cùng một ngày

Một phiên thảo luận tổ tại kỳ họp thứ tám của Quốc hội.
Một phiên thảo luận tổ tại kỳ họp thứ tám của Quốc hội.
Trong năm 2011 sẽ tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 13 và bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016 trong cùng một ngày.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc khi tiến hành cuộc bầu cử, dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân được trình Quốc hội thông qua ngay tại kỳ họp này.

Vì thế, phạm vi sửa đổi, bổ sung chỉ tập trung vào một số vấn đề cụ thể như hội đồng bầu cử ở Trung ương, thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử; số lượng cử tri ở mỗi khu vực bỏ phiếu…

Cứ “từng đôi một”

Tuy nhiên, một số ý kiến tại cơ quan thẩm tra dự án luật - Ủy ban Pháp luật của Quốc hội – và tại các tổ thảo luận chiều nay đã quan tâm nhiều hơn đến tiêu chuẩn, chất lượng người ứng cử và quy trình hiệp thương giới thiệu người ứng cử để lựa chọn được những đại biểu xứng đáng.

Nhiều đại biểu cho rằng, cần quy định việc công khai tài sản, sự tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử để cử tri có thêm thông tin khi quyết định bằng lá phiếu.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng phản ánh nhiều cử tri nói điều kiện ứng cử quá rộng rãi và đề nghị cần quy định là có đủ điều kiện trong luật mới ứng cử.

Cũng liên quan đến người ứng cử, hơn một lần đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) nhấn mạnh cần thay đổi quy trình hiệp thương để tránh tình trạng “úp nơm đơm cá”. Tức là quy định quá cụ thể  đến mức chỉ có một số đối tượng đủ tiêu chuẩn thì cử tri chưa tin là có thể đại diện được cho mình.

Chẳng hạn nếu định chọn một đại biểu trong ngành giáo dục thì để cho toàn ngành lựa chọn ra người xứng đáng nhất để đưa vào danh sách bầu cử, ông Cuông đề nghị.

 “Tiêu chuẩn đề ra rất cụ thể này kia, đọc thấy có vẻ cơ cấu hoành tráng nhưng cách làm vẫn mang tính chất áp đặt, “úp nơm” như thế thì không bắt được con cá to nhất mà chỉ bắt được con cá lẹp thôi”, đại biểu Cuông nhấn mạnh.

Điều khiến ông Cuông và một số vị đại biểu khác lo ngại là tình trạng chưa bầu đã biết ông nào thắng vì “quân xanh, quân đỏ”.

Theo đề nghị của đại biểu Cuông thì phải bố trí để hai người ngang sức ngang tài ví như hai ông cùng là chủ tịch, giám đốc chọn một ông thì cạnh tranh trong bầu cử mới sôi động. Chứ nếu giới thiệu một giám đốc với 1 trưởng phòng thì ai cũng biết ông nào sẽ trúng. "Cứ từng đôi một mà chọn”, ông Cuông kiến nghị.

Đề xuất tiếp tục thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường

Một trong những nội dung cần phải giải quyết trong cuộc bầu cử nói trên là các vấn đề có liên quan tới việc thực hiện chủ trương không tổ chức hội đồng nhân dân quận, huyện, phường.

Đây cũng là nội dung sẽ được Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp này. Song,  thay vì trình bày trước Quốc hội ngay từ ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ tám và bố trí thảo luận riêng như dự kiến, nội dung tổng kết bước 1 về thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân quận, huyện, phường đã được gửi đại biểu tự nghiên cứu và kết hợp thảo luận chung.

Cả quan điểm và nhiều nhận định, đánh giá tại báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về việc thí điểm cũng đã thay đổi khá nhiều so với các báo cáo tại hội nghị toàn quốc về hội đồng nhân dân và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước kỳ họp.

Về phát triển kinh tế xã hội, Chính phủ đánh giá tình hình kinh tế - xã hội của các nơi thực hiện thí điểm bảo đảm duy trì được sự ổn định và phát triển tương ứng như thời kỳ còn hội đồng nhân dân. Tính đại diện và quyền dân chủ của nhân dân vẫn được đảm bảo…

Căn cứ kết luận của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 13, Chính phủ đã đề nghị cho tiếp tục thực hiện thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân tại 67 huyện, 32 quận, 483 phường của 10 tỉnh, thành cho đến khi Quốc hội có nghị quyết về vấn đề này.

Đồng thời, đề nghị cho chủ trương tiếp tục nghiên cứu triển khai các nội dung đổi mới về tổ chức hợp lý chính quyền địa phương, phân biệt rõ sự  khác biệt giữa chính quyền nông thôn và đô thị để đảm bảo đồng bộ với chủ trương thực hiện thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân quận, huyện, phường.

Thẩm tra dự án luật sửa đổi hai luật về bầu cử Ủy ban Pháp luật cho rằng nếu đến khi bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp mà vẫn tiếp tục thực hiện thí điểm thì tại các địa phương thực hiện thí điểm sẽ không tổ chức bầu đại biểu Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường.

Trường hợp không tổ chức hội đồng nhân dân huyện, quận, phường trên phạm vi toàn quốc thì sẽ phải sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan của Hiến pháp, Luật Tổ chức hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân, một số đạo luật khác có liên quan và theo đó sẽ không bầu đại biểu hội đồng nhân dân ở các đơn vị hành chính này.