09:00 14/02/2023

BCG Energy cam kết thanh toán hết nợ gốc trái phiếu vào ngày 30/6/2023

Kiều Linh

Nhà đầu tư đến từ Singapore đã đồng ý phần gốc của trái phiếu sẽ được thanh toán từng đợt và thời hạn thanh toán khoản nợ gốc trái phiếu cuối cùng của BCGE sẽ chuyển đến ngày 30/6/2023...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo đó, thông tin từ Công ty CP BCG Energy viết tắt là BCGE, một công ty con của Bamboo Capital cho biết, ngày 4/9/2019, BCGE đã phát hành trái phiếu chuyển đổi, mã trái phiếu BONDBE/2019.01 cho Hanwha Energy Corporation Singapore Pte Ltd. Theo giấy chứng nhận sở hữu trái phiếu, trái phiếu sẽ đáo hạn sau 3 năm kể từ ngày phát hành tức ngày 4/9/2022. Vì ngày 4/9/2022 không phải là ngày làm việc nên ngày đáo hạn được xác định vào ngày làm việc tiếp theo tức 5/9/2022.

Tuy nhiên, hiện nay BCGE và nhà đầu tư đã đạt được thỏa thuận liên quan tới việc thanh toán gốc trái phiếu. Theo thỏa thuận này, nhà đầu tư đã đồng ý phần gốc của trái phiếu sẽ được thanh toán từng đợt và thời hạn thanh toán khoản nợ gốc trái phiếu cuối cùng của BCGE sẽ chuyển đến ngày 30/6/2023.

Lô trái phiếu này của BCGE trị giá 115,7 tỷ đồng với lãi suất 7%. Số tiền được BCGE dùng để đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo mới của BCG Energy.

Về tình hình kinh doanh của BCGE, lợi nhuận của BCGE bất thường theo từng năm. Theo đó, năm 2019, BCG Energy ghi nhận lỗ 5,4 tỷ đồng, đây cũng là năm mà BCGE đẩy mạnh huy động trái phiếu từ nhà đầu tư nước ngoài.

BCG từng thua lỗ trong năm 2019.
BCG từng thua lỗ trong năm 2019.

Bước sang năm 2020, BCG ghi nhận lãi 374 triệu đồng, vốn chủ sở hữu cũng tăng từ 794 tỷ đồng lên 1.680 tỷ đồng, hệ số nợ phải trả tăng gấp 5 lần từ 0,157 lên 5,591.

Đến năm 2021, BCGE ghi nhận lãi 322,5 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tăng tiếp lên 4.580 tỷ đồng, tăng gấp gần lần chỉ trong vòng 3 năm.

Năm 2022, BCGE chưa công bố kết quả kinh doanh riêng lẻ nhưng công ty mẹ Bamboo Capital ghi nhận một năm kinh doanh bết bát.

Báo cáo tài chính quý 4/2022 cho thấy, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng mạnh từ 713 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái lên 1.242 tỷ đồng quý 4 năm nay. Giá vốn hàng bán cũng tăng mạnh dẫn đến lợi nhuận gộp chỉ còn 131 tỷ đồng tương đương giảm 39%. Doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh trong khi chi phí tài chính tăng chủ yếu do chi phí lãi vay đã bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp.

Phần lỗ trong công ty liên doanh liên kết tiếp tục ghi nhận 15 tỷ đồng dẫn đến lợi nhuận thuần từ kinh doanh của BCG âm 331 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí phát sinh, BCG báo lỗ 338 tỷ đồng trong khi năm ngoái có lãi 271 tỷ đồng.

Tài sản của BCG tăng từ 37.689 tỷ đồng lên 44.000 tỷ đồng nhưng chất lượng tài sản xấu đi rõ rệt. Tiền và các khoản tương đương tiền giảm mạnh từ 1.044 tỷ đồng chỉ còn 629 tỷ. Các khoản phải thu ngắn hạn tăng từ 10.285 tỷ đồng lên 13.610 tỷ đồng. Trong đó riêng khoản phải thu ngắn hạn khác chiếm tỷ trọng lớn với giá trị 8.400 tỷ đồng. Các khoản phải thu này tập trung ở Công ty CP Artemis Investment 1.510 tỷ đồng, Công ty CP Tập đoàn VNGroup 360 tỷ đồng.

Nợ phải trả 30.204 tỷ đồng gấp 2 lần vốn chủ sở hữu, trong đó nợ ngắn hạn là 11.331 tỷ đồng, vay nợ tài chính 14.934 tỷ đồng tăng so với con số 13.681 tỷ đồng ngày đầu năm 2022. Tăng giảm các khoản phải thu và tiền lãi vay trả đã khiến cho dòng tiền kinh doanh của BCG âm 2.747 tỷ đồng.

Ngoài BCG thì Công ty CP Đầu tư BDS Nice Star cũng vừa thông báo đã phải khất nợ tiền lãi trái phiếu. Theo đó, lô trái phiếu NVCLCH2226001 của Nice Star theo đúng hạn thanh toán 51 tỷ đồng tiền lãi vào ngày 13/1/2022 nhưng công ty xin khất đến ngày 10/2/2023 do không thu xếp được nguồn thanh toán.

Như VnEconomy đưa tin, do kinh doanh khó khăn thua lỗ không có tiền trả nợ trái phiếu doanh nghiệp, thời gian vừa qua xuất hiện hàng loạt doanh nghiệp khất nợ trái phiếu với nhà đầu tư. Đơn cử như Lâu Đài Trắng của Tập đoàn CT Group, Đức Long Gia Lai, Xuất nhập khẩu An Giang - Angimex...

Trong tuần qua, thêm hai doanh nghiệp nữa xin chậm trả gốc và lãi các lô trái phiếu đã đến hạn gồm Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Vina2 và Công ty CP Lavida Invest...